Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Không có kỷ luật sắt thì không có Đảng

 

                                                Hồ Chí Minh với mùa xuân xây dựng Đảng 

Là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề kỷ luật Đảng.

Khi nói về kỷ luật của Đảng, trong bài nói chuyện về bản Tổng cương và Điều lệ của Đảng, ngày 10 – 5 – 1950, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Đảng tổ chức rất nghiêm, khác với các đảng phái khác và các hội quần chúng. Trong Đảng chỉ kết nạp những phần tử hăng hái nhất, cách mạng nhất. Đảng có những điều kiện kỷ luật bắt buộc mỗi đảng viên phải theo. Không có kỷ luật sắt không có Đảng. Đã vào Đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị nghị quyết là phải làm. Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”.

Hồ Chủ tịch luôn luôn chỉ ra vai trò quan trọng của kỷ luật Đảng. Theo Người: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn được nhiệm vụ của Đảng”. Mà muốn được vậy thì phải có kỷ luật thống nhất, vì chỉ có “Nhờ kỷ luật mà Đảng đoàn kết, nhất trí, mạnh mẽ để lãnh đạo cách mạng”. Khi nói về việc xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”. Người cho rằng: “Không giữ vững kỷ luật của Đảng, không kiên quyết chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, không thiết tha quan tâm đến lợi ích của Đảng – là trái với nghĩa vụ đảng viên”.

Để có kỷ luật sắt thì Đảng phải có quan điểm, thái độ rõ ràng về kỷ luật Đảng, bảo đảm cho kỷ luật Đảng thật sự vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn. Tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập vào tháng 1 – 1951, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Đảng ta là một bà mẹ rất nghiêm ngặt mà cũng rất hiền từ”.

Yêu cầu rất quan trọng đặt ra là Đảng phải có các quy định chặt chẽ, phù hợp về kỷ luật Đảng để các tổ chức đảng và đảng viên thực hiện. Đây cũng là vấn đề được Hồ Chí Minh coi trọng. Một trong những nội dung được Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến là về nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa rất quan trọng trọng tổ chức xây dựng Đảng. Tháng 9 – 1953, Người chỉ rõ: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”. Người cũng chỉ ra: “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”. Theo Hồ Chí Minh, giữa dân chủ và tập trung có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ, phải được cùng tiến hành: “Tập trung trên nền tảng dân chủ là các đảng viên có quyền thảo luận chính sách của Đảng, rồi tập trung ý kiến lên Trung ương, còn dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung là vì nếu cái gì không nên bàn cũng cũng cứ bàn ắt hỏng, cái gì đã bàn rồi thì phải đưa lên. Khi bên trên ra lệnh thì bên dưới phải thi hành, phải tuân theo” và “Cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy tín và quyền lực chân chính. Những phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật Đảng, mọi đảng viên phải tuân theo”.

Hồ Chí Minh luôn xác định kỷ luật sắt của Đảng phải được thực hiên nghiêm túc trên thực tế. Người yêu cầu mỗi đảng viên phải “Nghiêm giữ kỷ luật” vì “kỷ luật không nghiêm thì lực lượng kém sút”. Để thực hiện nghiêm kỷ luật sắt của Đảng, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các tổ chức đảng và đảng viên phải đoàn kết thống nhất cùng triển khai chấp hành nghiêm túc. Người yêu cầu phải nghiêm minh trong khen thưởng, xử phạt, có công thì thưởng, có lỗi thì phạt, thưởng phạt phải công khai, minh bạch, mang tính xây dựng để Đảng ngày càng vững mạnh. Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò kỷ luật tự giác của tổ chức đảng và đảng viên: “Kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác mình đã tình nguyện theo  thì theo cho đúng”. Người cũng thường xuyên nhắc nhở đảng viên phải thật sự gương mẫu trong chấp hành kỷ luật của đảng cũng như kỷ luật của chính quyền, đoàn thể. Ngày 11 – 2 – 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Hồ Chủ tịch phát biểu: “Mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”. Vì theo Người “tất cả kỷ luật đó đều thống nhất với kỷ luật của Đảng”.

Những tư tưởng, lời dạy của Hồ Chí Minh về kỷ luật sắt của Đảng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, giúp cho Đảng luôn vững mạnh, trưởng thành và phát triển lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được chỉ đạo tập trung, quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới, có hiệu lực, hiệu quả, nhất là ở cấp Trung ương; hoạt động của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được tăng cường, ngày càng siết chặt kỷ luật, kỷ cương”.

Tuy nhiên, việc duy trì kỷ luật sắt trong Đảng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm và tình trạng này càng phức tạp trong bối cảnh các thế lực xấu đã và đang lợi dụng để chống phá Đảng Cộng sản và cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm”. Do vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nâng cao cảnh giác, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với sự chống phá ấy.

Trước yêu cầu của tình hình mới hiện nay, đòi hỏi kỷ luật Đảng phải được tiếp tục duy trì chặt chẽ, nghiêm minh, trong đó có sự nỗ lực cố gắng của mỗi tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên, theo tinh thần Hồ Chí Minh đã dạy: “Tất cả cán bộ, đảng viên phải giữ tính kỷ luật, tính tổ chức. Nhớ rằng không có việc gì làm ngoài tổ chức, ngoài kỷ luật mà thành công. Từ trước tới nay, Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng ta vẫn phát triển được là nhờ có tính tổ chức, tính kỷ luật”./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét