Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

Đã dốt văn hóa còn lên giọng chống phá văn hóa dân tộc!

 


Mới đây trên trang mạng Chân Trời Mới Media có bài viết “Đảng Cộng sản bóp cổ văn hóa” của tên bồi bút Văn Toàn. Không hiểu con người này học vấn loại gì, am hiểu văn hóa và giáo dục Việt Nam đến đâu mà mở miệng phun ra những lời quy kết sặc mùi phản động: “Bất kỳ ai có tí xíu đầu óc đều nhận ra rằng thơ, văn, phim ảnh, nhạc, lịch sử,… mà VN đang dạy cho học sinh rất có vấn đề. Nó là tập hợp các bài nhồi sọ, chủ yếu để con trẻ trung thành với Đảng, từ lớp mẫu giáo đến lớp 12”. Nếu đã sống và học tập tại Việt Nam hẳn Văn Toàn còn nhớ những áng văn bất hủ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Cáo bình Ngô” của đại văn hào Nguyễn Trãi, “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du hay “Nhật ký trong tù” của danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh…; còn váng vất câu dân ca quan họ, điệu chèo đồng bằng Bắc bộ cùng Nam ai, Nam bình xứ Huế… Và chắc rằng để có ngày hôm nay cầm bút viết bài chống Đảng, phản bội lại lợi ích dân tộc, Văn Toàn cũng từng kinh qua chương trình “Nó là tập hợp các bài nhồi sọ, chủ yếu để con trẻ trung thành với Đảng, từ lớp mẫu giáo đến lớp 12”?

Người ta nói rằng “dốt hay nói chữ”. Ù ù cạc cạc về sứ mạng phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và tự do sáng tác của văn nghệ sĩ nên Văn Toàn cao giọng “Từng có thời kỳ các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, đạo diễn, biên kịch chỉ làm việc cho Đảng, nghĩa là Đảng bảo họ làm gì họ làm cái đó”. Nhìn vào lịch sử văn nghệ Việt Nam đã từng có cuộc bút chiến và khẳng định sự thắng lợi của các nhà lý luận văn nghệ mác-xít “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Tức là văn nghệ phải góp phần tích cực vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, gìn giữ hòa bình, xây đời sống mới ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Mà Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Vậy các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, đạo diễn, biên kịch chỉ làm việc vì ai nếu không phải vì quyền lợi của nhân dân lao động, dân tộc Việt Nam. Cũng chính Đảng là “người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi” như cố nhà thơ Chế Lan Viên từng khẳng định. Thế nên không ngạc nhiên khi các thế hệ văn nghệ sĩ khoác ba lô lên chiến khu Việt Bắc để tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và sáng tạo nên những tác phẩm văn nghệ để đời như: “Tiến quân ca” của Văn Cao; “Giải phóng Điện Biên” của Đỗ Nhuận hay bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi; “Quê hương” của Giang Nam… Rồi từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội đã sản sinh ra thế hệ nhà văn, nghệ sĩ tài năng mang sức trẻ với nhiệt tình cách mạng sáng tạo ra bao tác phẩm “ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta”.

Cố tình xuyên tạc chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng, Văn Toàn cao ngôn vu khống “Vì thơ, văn, nhạc, phim ảnh không có tự do, bị ĐCS bóp cổ nên đảng cộng sản còn tàn phá văn hóa như vậy”. Gã có biết đâu rằng từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ngay từ khi cách mạng còn trong thời kỳ trứng nước, Đảng đã mở Hội nghị văn hóa toàn quốc đầu tiên với “Đề cương văn hóa năm 1943”, tạo tiền đề cho văn nghệ sĩ sáng tạo trên phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng”. Nhận thức của Đảng về văn hóa cũng ngày càng toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn.

Thật nực cười khi kẻ khoác lác Văn Toàn lấy chuyện người Hàn làm phim Truyền thuyết Jumong và La Quán Trung - tác giả Trung Quốc viết tiểu thuyết Tam quốc để so sánh với sáng tạo văn học, nghệ thuật của Việt Nam “Biết đâu rằng nếu VN có tự do, bao nhiêu năm nay các văn nghệ sĩ sẽ tạo ra những tác phẩm văn học lịch sử đỉnh cao như Tam quốc diễn nghĩa nhưng mà nói về Quang Trung – Nguyễn Ánh,… Và sau đó các biên kịch, đạo diễn VN sẽ dựng thành phim và nổi tiếng khắp châu Á”. Một sự so sánh quá khập khiễng. Chắc y chưa biết đến “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái; tuổi thơ chưa đọc “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” hay “Sao khuê lấp lánh” và chắc càng xa lạ với những tiểu thuyết, phim ảnh đề tài lịch sử như: “Trăng nước Chương Dương” của nhà văn Hà Ân,  “Nam đế vạn xuân” của nhà văn Phùng Văn Khai… cùng bao tác phẩm phản ánh hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước sau hòa bình.

Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn khẳng định quan điểm coi “văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về vấn đề này đã nhấn mạnh “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Như vậy việc xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Đối với chúng ta, những người đang vì sự phát triển nền văn hóa dân tộc phải có trách nhiệm “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI” (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2022)./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét