Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

Họ lại phỉ báng triết học Mác - Lênin

 


Họ lại phỉ báng triết học Mác - Lênin

GS,TS Đàm Đức Vượng

 

Trên các trang mạng gần đây, lại tung lên bài viết: “Ngộ độc triết học Mác – Lênin ở thiên đường xã hội chủ nghĩa” của một người khác chính kiến viết. Bài viết nêu lên: “Nhiều thế hệ người Việt Nam đã bị ngộ độc nhận thức bởi triết học Mác – Lênin”. “Triết học Mác – Lênin trong nhà trường dạy đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, thế cho nên đã có một thời, trong một gia đình mà con tố cha, vợ tố chồng, ngoài xã hội thì trò tố thầy, như thế là vô đạo đức và vô gia đình. Có nhiều người con đã không dám nhận cha mẹ ruột, vì cha mẹ là giai cấp bóc lột. Họ sợ lý lịch xấu, nên phải khai man”. “Học thuyết về chủ nghĩa duy vật biện chứng đã đề cao giá trị của vật chất, coi nhẹ giá trị văn hóa tinh thần, tình cảm, tâm linh”… Từ chỗ phỉ báng chủ nghĩa Mác – Lênin, nguy hiểm hơn, họ “đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ môn triết học Mác – Lê nin trong nhà trường”.

Những nhận định về triết học Mác – Lênin của người khác chính kiến trên đây là hoàn toàn xa lạ với thực chất của triết học Mác – Lênin.

Trước hết, phải hiểu rằng, triết học Mác – Lênin là một bộ môn khoa học xã hội, nhằm dạy cho người học hiểu được những nội dung cơ bản của một bộ môn Mác – Lênin: bộ môn triết học, qua đó, mà biết cách xem xét mọi hiện tượng tự nhiên và xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Triết học Mác – Lênin giúp chúng ta có cái nhìn đúng về tự nhiên, xã hội, con người, chứ không thể có chuyện “bị ngộ độc” như có người đã viết.

Nghiên cứu về triết học Mác – Lênin là nghiên cứu những quy luật chung nhất của sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, cụ thể là nghiên cứu vật chất và ý thức; những cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật, những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật; nghiên cứu lý luận nhận thức; hình thái kinh tế xã hội; giai cấp và dân tộc; nhà nước và cách mạng; về con người,…

Vấn đề cơ bản của triết học Mác – Lênin là vấn đề vật chất và ý thức (tinh thần).

Thế giới vật chất là tính muôn hình muôn vẻ của các hiện tượng tự nhiên. Vật chất là nguồn gốc duy nhất của mọi quá trình tự nhiên. Trong thời gian, vật chất là vĩnh viễn, trong không gian, nó là vô tận. V.I.Lênin nói: “Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”1. Như vậy, định nghĩa vật chất của V.I.Lênin bao gồm vật chất là cái tồn tại khách quan bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào ý thức, bất kể sự tồn tại ấy, con người đã nhận thức được hay chưa nhận thức được. Vật chất là cái gây nên cảm giác ở con người khi gián tiếp hoặc trực tiếp tác động đến giác quan của con người. Mọi cảm giác, tư duy, ý thức chỉ là sự phản ánh của thế giới vật chất. Bằng những phương thức, nhận thức khác nhau, con người có thể nhận thức được thế giới vật chất. Định nghĩa của V.I.Lênin đã bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa duy tâm, bác bó thuyết không thể biết, đã khắc phục được những hạn chế trong các quan điểm của chủ nghĩa duy vật trước C.Mác. Định nghĩa vật chất của V.I.Lênin còn có ý nghĩa định hướng đối với khoa học. V.I.Lênin xác định cái gì gọi là vật chất trong lĩnh vực xã hội, lĩnh vực mà từ trước tới nay, người ta vẫn quan niệm thuộc về ý thức.

Phương thức tồn tại của vật chất là vận động. Vận động là mọi sự biến đổi, là phương thức tồn tại của vật chất, là cố hữu của vật chất. Đứng im chỉ là hiện tượng tương đối và tạm thời. Nhưng xét cho cùng, trên thế giới này, không một vật thể nào mà không vận động cả (kể cả vũ trụ). Ph.Ăngghen viết: “Vận động hiểu theo nghĩa chung nhất bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy”2. Điều này có nghĩa là vật chất tồn tại bằng vận động. Trong vận động và thông qua vận động, vật chất biểu hiện sự tồn tại của mình. “Một khi chúng ta nhận thức được những hình thức vận động của vật chất, thì chúng ta nhận thức được bản thân vật chất”3. Vận động bao gồm 5 hình thức cơ bản là vận động cơ học; vận động vật lý; vận động hóa học; vận động sinh học; vận động xã hội.

Trong lịch sử triết học, chung quanh các phạm trù không gian và thời gian đã có nhiều quan điểm khác nhau. Triết học Mác – Lênin chỉ ra rằng, bất kỳ một khách thể vật chất nào cũng chiếm một vị trí nhất định, có một kích thước nhất định, ở vào một hoàn cảnh nhất định trong tương quan với những khách thể khác. Các hình thức như vậy được gọi là không gian. Còn thời gian là sự tồn tại của các khách thể vật chất được biểu hiện ở mức độ lâu dài hay mau chóng, ở sự kế tiếp trước hay sau của các giai đoạn vận động.

Không gian và thời gian gắn bó mật thiết với nhau và gắn liền với vật chất, là phương thức tồn tại của vật chất. Điều có có nghĩa không một dạng vật chất nào tồn tại ở bên ngoài không gian và thời gian. Ph.Ăngghen viết: “Các hình thức cơ bản của mọi tồn tại là không gian và thời gian; tồn tại ngoài thời gian thì cũng hết sức vô lý như tồn tại ngoài không gian”4.

Không gian và thời gian có những tính chất cơ bản là tính khách quan; tính vĩnh cửu và vô tận. Không gian thực chất chỉ có ba chiều (chiều dài, chiều rộng, chiều cao), còn thời gian dù dài hay ngắn cũng chỉ có một chiều (từ quá khứ tới tương lai).

Về ý thức: Trong lịch sử triết học, vật chất và ý thức gắn bó với nhau. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau. Chủ nghĩa duy tâm cho rằng, ý thức là cái có trước, vật chất có sau, ý thức sinh ra vật chất, chi phối sự tồn tại và vận động của vật chất, lấy ý thức làm điểm xuất phát để suy ra vật chất. Đây là chỗ khác nhau trong quan điểm vật chất và ý thức. Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, ý thức không phải có nguồn gốc siêu tự nhiên, không phải ý thức sinh ra vật chất như các nhà thần học và duy tâm khách quan đã khẳng định, mà ý thức là một thuộc tính của vật chất, nhưng không phải là của mọi dạng vật chất, mà chỉ là thuộc tính của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc con người. Bộ óc người là cơ quan vật chất của ý thức. Vì vậy, ý thức là chức năng của bộ óc con người. Ý thức phụ thuộc vào hoạt động bộ óc người. Vì vậy, không thể tách rời ý thức ra khỏi hoạt động của bộ óc con người.

Khoa học đã xác định con người là sản phẩm cao nhất của quá trình phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp của vật chất vận động, đồng thời đã xác định bộ óc con người là một tổ chức sống đặc biệt có cấu trúc tinh vi và phức tạp “bao gồm khoảng từ 14 đến 15 tỷ tế bào thần kinh. Các tế bào này có liên hệ với nhau và với các giác quan tạo thành vô số những mối liên hệ thu nhận, điều khiển hoạt động của cơ thể trong quan hệ với thế giới bên ngoài qua các phản xạ không điều kiện và có điều kiện”5.

Có một câu hỏi đặt ra, tại sao bộ óc con người lại có thể sinh ra được ý thức? Đó là mối liên hệ vật chất giữa bộ óc con người với thế giới khách quan. Chính mối liên hệ vật chất này hình thành nên quá trình phản ánh thế giới vật chất vào bộ óc con người. Đó là nguốn gốc tự nhiên của ý thức.

Ý thức là hình thức cao nhất của sự phản ánh thế giới hiện thực. Ý thức ở đây là ý thức con người, nằm trong con người, không thể tách rời con người. Như vậy, ý thức chính là đặc tính của một dạng vật chất sống có tổ chức cao mà thôi. Ý thức ra đời cùng với quá trình hình thành bộ óc con người, nhờ lao động, ngôn ngữ và những quan hệ xã hội.

Lao động là quá trình con người tác động vào giới tự nhiên nhằm làm ra những sản phẩm phục vụ cho những nhu cầu của xã hội và của chính bản thân mình. Lao động là điều kiện đầu tiên và chủ yếu để con người tồn tại. Nhờ có lao động, con người tách ra khỏi giới động vật. Một trong những sự khác nhau cơ bản giữa con người và động vật là ở chỗ động vật sử dụng các sản phẩm có sẵn trong giới tự nhiên hoặc những sản phẩm do con người ban phát, còn con người thì nhờ lao động mà bắt giới tự nhiên phục vụ mục đích của mình. Như vậy, nguồn gốc trực tiếp quan trọng nhất quyết định sự ra đời và phát triển của ý thức là lao động.

“Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định trong mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, thì vật chất có trước, ý thức có sau. Vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức, song ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người; vì vậy, con người phải tôn trọng khách quan, đồng thời phát huy tính năng động chủ quan của mình”6. Như  vậy là triết học Mác – Lênin không hề coi nhẹ giá trị của ý thức, trong khi vẫn khẳng định vật chất là cái có trước và quyết định ý thức.

Trên đây là những vấn đề cơ bản của vật chất và ý thức trong triết học Mác – Lênin. Ý kiến cho rằng, học triết học Mác – Lênin như “bị ngộ độc” là nhận thức sai,  trái với khoa học, cần phải phê phán và bác bỏ.

——

1.V.I.Lê nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tập 18, tr. 151.

2. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 519.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình triết học Mác – Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 157.

4. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 20, tr. 78.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình triết học Mác – Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 165.

6 Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình triết học Mác – Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 177.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét