Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Cộng đồng mạng qua vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị truy tố!

 


Ngày 30/1/2023, sau 10 tháng bị tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, tỉnh Bình Dương, đã bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Nguyễn Phương Hằng là một cái tên cực kỳ “hot” trên mạng xã hội (MXH) năm 2021 và đầu năm 2022. Từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản MXH YouTube và TikTok, bà Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau được thu hút được hàng triệu người theo dõi, chia sẻ, bình luận.

Có thể nói bà Hằng là một hiện tượng trên MXH khi đó. Những buổi phát trực tiếp của bà Hằng đã gây ra một cơn bão mạng thực sự. Điều đáng tiếc là trong những buổi phát trực tiếp đó bà Hằng đã phát ngôn nhiều nội dung không đúng sự thật và sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, tổ chức, gây nhiều bức xúc trong dư luận và hậu quả xấu trong xã hội.

Trong vụ việc này, ngoài bà Hằng là chủ mưu và 3 trợ lý cùng bị đề nghị truy tố vì đã giúp sức tích cực cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội, không thể không nhắc đến hai yếu tố làm cho vụ việc trở nên phức tạp, có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, đó là các thế lực chống thù địch, phần tử cơ hội chính trị và một bộ phận cộng đồng MXH.

Các tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, Hội anh em dân chủ; một số trang Facebook, blog cá nhân, trang tiếng Việt nước ngoài như RFA, RFI, VOA… đã có rất nhiều bài viết, thông tin, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, hướng lái bản chất vụ việc. Đại loại như: “Công an Việt Nam sử dụng Điều 331 để khởi tố bà Hằng là sai trái”, “Doanh nhân đối đầu với thế lực chính trị như việc trứng chọi đá”, “Ở Việt Nam này luật pháp là thứ không tồn tại”, “Quyền tự do ngôn luận bị bóp nghẹt”… Mục đích rõ ràng của những tổ chức và cá nhân này là nhằm bôi nhọ hệ thống pháp luật Việt Nam; đả phá hệ thống chính quyền trong nước, làm suy giảm niềm tin của người dân đối sự quản lý của nhà nước và vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam.

Điều đáng tiếc là trong số những người xem trực tiếp các buổi phát trực tiếp trên MXH cũng như theo dõi fanpage của bà Nguyễn Phương Hằng có không ít người đã phụ họa theo những suy nghĩ, phát ngôn, hành động của bà Hằng và đám đông một cách tự phát, bất chấp đúng sai. Họ thi nhau ca ngợi bà Hằng và “ném đá” các cá nhân, tổ chức mà bà Hằng nhắc tới trong các buổi phát hình, gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa ứng xử trên môi trường mạng, tạo ra những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội nói chung và nạn nhân nói riêng.

Chỉ đến khi bà Hằng bị bắt giữ và thừa nhận, các thông tin mà bà đã phát ngôn là do bà “đọc trên internet, đọc báo và nằm mơ chứ chưa được kiểm chứng và không có căn cứ chứng minh” thì nhiều “kẻ ném đá” mới tìm cách lẳng lặng rút lui, xóa những bài viết, bình luận của mình trên MXH, coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Pháp luật Việt Nam không cấm bà Nguyễn Phương Hằng hay bất cứ ai  livestream, không cấm họ trở nên nổi tiếng. Bà Hằng có quyền nói lên những suy nghĩ của mình, có quyền chia sẻ với cộng đồng mạng những thông tin mình có. Ai cũng có quyền tự do ngôn luận, nhưng quyền đó phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Đó là giới hạn tất nhiên của quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận nhằm đảm bảo một xã hội trật tự, kỷ cương, bền vững và ổn định. Quốc gia nào cũng phải như vậy thôi.

MXH là con dao hai lưỡi. Nó là công cụ giaio tiếp, kết nối tuyệt vời trong cuộc sống, nhưng cũng có thể khiến xã hội trở nên hoang mạng, bất ổn bởi những thông tin, hình ảnh sai sự thật, chưa được kiểm chứng. Những người sử dụng MXH thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin rất dễ bị thao túng bởi những những thông tin, phát ngôn sai lệch nếu họ không suy nghĩ một cách thấu đáo hơn trước khi đặt tay lên bàn phím.

MXH là ảo nhưng trách nhiệm và hệ quả để lại là thật. Những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm. Không ai có quyền đứng trên pháp luật. Bà Hằng và những đồng phạm sẽ phải đối mặt với những hình phạt của pháp luật Việt Nam. Còn cộng đồng mạng chắc chắn sẽ có thêm một bài học sâu sắc./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét