Sự lóa mắt, lầm đường, lạc lối cần khắc phục
Sau nhiều năm
kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân ta mới có được
cuộc sống hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đất
nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thế nhưng, những
người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta lại không nghĩ như vậy, họ cấu
kết với các thế lực phản động nước ngoài điên cuồng chống phá Việt Nam, từ
sự đố kỵ, họ đã bước qua “lằn ranh đỏ”, phát ngôn và làm nhiều việc sai trái,
trở thành tội phạm, gây nhiều tội ác. Với việc dùng “trăm phương, nghìn
kế” chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, họ xuyên tạc, phủ nhận nền kinh tế
thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Đảng ta lãnh đạo với mục
đích chống phá từ “gốc” cơ sở lý luận, thực tiễn đường lối đổi mới, con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam, lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ
nghĩa (TBCN.
Từ bỏ “cái đuôi
định hướng XHCN”, chỉ xây dựng nền KTTT là trái với mục tiêu, lẽ sống của nhân
dân ta
Đúng vậy! Phát
triển KTTT định hướng XHCN là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta; thể hiện
sinh động kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, vận dụng
sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu có chọn lọc những
kinh nghiệm phát triển KTTT của nhân loại vào điều kiện cụ thể, phù hợp với Việt
Nam.
Vậy mà những người
có quan điểm đối lập với Đảng ta lại cố tình xuyên tạc bản chất nền KTTT định hướng
XHCN. Họ phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân ta
giành được từ công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo. Họ cho rằng KTTT định hướng
XHCN là những yếu tố đối lập nhau như “nước với lửa”, thậm chí loại trừ
nhau; Đảng, Nhà nước ta gán ghép định hướng XHCN với KTTT là phản khoa học… Để
khắc phục sai lầm, theo họ: Đảng, Nhà nước ta phải bỏ “cái đuôi định hướng
XHCN”, chỉ nên giữ lại “KTTT”. Đó là “cách sửa sai tốt nhất để nền kinh tế Việt
Nam cất cánh”, phát triển như các nước TBCN, “đúng quy luật khách quan”.
Ý kiến khác lại
cho rằng, KTTT vốn là “đặc trưng” của CNTB, vận động theo các quy luật của
CNTB, không thể dung hòa với mục tiêu xây dựng CNXH, không thể kết hợp với định
hướng XHCN. “Đảng Cộng sản Việt Nam đã sai lầm khi lấy râu ông nọ cắm vào cằm
bà kia”, gắn “đầu Ngô với mình Sở”; rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang “chơi
trò đuổi hình bắt chữ”, rất dễ sa vào hố sâu, vực thẳm, sẽ thất bại thảm hại. Để
tránh thảm họa cho dân tộc, theo họ: Đảng, Nhà nước Việt Nam phải “xoay trục”,
chuyển hướng sang nền KTTT tư bản chủ nghĩa, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân
phát triển, v.v..
Thực hư luận điệu
nêu trên là như thế nào, đúng hay sai, thành tâm hay chứa dựng mưu đồ chống phá
đường lối đổi mới, phát triển KTTT định hướng XHCN của Đảng ta? Phải chăng họ đang
cố tình gieo rắc sự hoài nghi, tâm lý bi quan, dao động, thiếu niềm tin vào Đảng,
Nhà nước trong nhân dân ta; tìm mọi cách phá vỡ sự thống nhất nhận thức và hành
động trong Đảng, Nhà nước; vì sao họ luôn cho rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam
“không biết làm kinh tế”, “chỉ thích gây chiến tranh”, v.v..
Ai cũng biết
kinh tế quyết định chính trị nhưng chính trị không phải là sản phẩm thụ động,
tiêu cực mà tác động trở lại một cách tích cực đối với kinh tế, nhất là sự phát
triển, hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách vì nó liên quan trực tiếp đến sản
xuất, tăng trưởng kinh tế, chất lượng đời sống nhân dân. Do đó, cơ sở kinh tế
như thế nào thì đường lối chính trị phải tương xứng, phù hợp để tạo động lực
thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Ai đó đã đồng
nhất KTTT với CNTB, khẳng định chỉ có một loại hình
KTTT duy nhất, đó là KTTT của CNTB và nó chỉ có trong CNTB, rồi
quy kết Đảng, Nhà nước ta “hai mặt”: “miệng thì nói định hướng XHCN nhưng việc
làm thì theo KTTT của CNTB, vì Đảng cho phép và khuyến khích kinh tế tư nhân
phát triển. Đây là cách nhìn sai lệch, cốt để “tung hỏa mù” nhằm gây
sự nghi kỵ, dẫn đến sự thiếu tính nhất quán trong Đảng, Nhà nước ta để làm suy
giảm niền tin của nhân dân.
Là học giả, tự
cho mình là uyên bác mà lại “quên”, “không biết nguồn gốc và bản chất của KTTT
là kinh tế hàng hóa” là chuyện nực cười, không thể chấp nhận. Ai cũng biết KTTT
là sản phẩm của văn minh nhân loại, không phải là sản phẩm “riêng có” của CNTB,
nó đã có từ trước CNTB, được CNTB kế thừa, tiếp thu, sử dụng để phát triển
KTTT. Điều ấy sáng rõ như ban ngày, cớ sao họ lại nêu luận điểm vô lý đến vậy;
phải chăng họ có dụng ý xấu.
Sự thật là ở thời
kỳ đầu, khi mới ra đời, KTTT tư bản chủ nghĩa là KTTT tự do cạnh tranh, chưa có
hoặc rất ít sự can thiệp của nhà nước. Lúc đó, sự điều tiết của thị trường –
“bàn tay vô hình”, chưa đưa đến nhiều hệ lụy tiêu cực, chưa xảy ra khủng hoảng
kinh tế theo chu kỳ… Ngày nay đã khác, sự phát triển của nền KTTT đương nhiên
có sự quản lý của nhà nước, vừa có sự điều tiết bởi “bàn tay vô hình”, vừa có sự
điều tiết bởi “bàn tay hữu hình”. Tuy nhiên, sự can thiệp của nhà nước tư sản
có khác nhau nên nền KTTT ở các nước tư bản không giống nhau với nhiều mô hình
KTTT khác nhau, do đó vị thế, quyền lực, lợi nhuận của các nhà tư bản cũng khác
nhau.
Để tồn tại và
phát triển, CNTB đã sử dụng KTTT làm cơ sở xây dựng các mô hình KTTT cho phù hợp
với điều kiện của từng nước. Ở những mức độ khác nhau, các mô hình KTTT tư bản
chủ nghĩa dù được thừa nhận hay không thừa nhận, khách quan xem xét, chúng ta
thấy có một số yếu tố XHCN, tiến bộ, tích cực, chúng ta có thể tiếp thu, vận dụng
để phát triển KTTT định hướng XHCN. Bởi đó là “những hạt nhân hợp lý”, có giá
trị đích thực, không gì có thể cản trở chúng ta tiếp nhận có chọn lọc “những
tinh hoa” để xây dựng CNXH.
Đảng ta xác định
KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ
quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Đây là một kiểu tổ chức kinh tế
vừa tuân theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở thực tiễn và
được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH. Thực
tiễn 37 năm đổi mới đất nước đã kiểm chứng sự đúng đắn này, cần gì phải bàn
cãi. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khá cao (khoảng
6%/năm) trong 35 năm qua[1] đã
chứng minh điều đó.
Không cần “xoay
trục” khi nền KTTT định hướng XHCN phát huy tốt tác dụng
Thực tiễn đổi mới
ở Việt Nam khẳng định các quy luật của KTTT và định hướng XHCN không đối lập
nhau, không loại trừ nhau. Bởi “Nền KTTT định hướng XHCN tiếp tục phát triển;
kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối của nền kinh tế cơ bản được bảo
đảm”[2].
Trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, Nhà nước ta tạo ra khung khổ pháp luật
cho cạnh tranh; bảo vệ, thúc đẩy, tôn trọng cạnh tranh lành mạnh; điều tiết và
kịp thời giải quyết các bất ổn của thị trường. Đó là điều khác biệt cơ bản với
CNTB vì trong nền KTTT, người sản xuất và lưu thông hàng hóa đều chạy theo lợi
nhuận tối đa, luôn muốn chèn ép đối thủ nên dẫn đến sản xuất dư thừa, khủng hoảng
chu kỳ, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, gây bất ổn xã hội.
Nhận thức rõ điều
này, Nhà nước Việt Nam đã có các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm khắc phục những
khiếm khuyết này, không để nền kinh tế mất cân đối lớn, không để xảy ra khủng
hoảng chu kỳ do tự điều tiết của cơ chế thị trường gây ra.
Các yếu tố bảo
đảm định hướng XHCN của nền KTTT gắn chặt với vai
trò quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo để hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, tạo
điều kiện phát huy mặt tích cực; hạn chế, khắc phục mặt tiêu cực của KTTT, giúp nền
kinh tế phát triển nhanh, bền vững, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ai đó cho rằng Đảng
và Nhà nước Việt Nam “kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân” là xuyên tạc sự
thật, cần phải xem xét lại nhận định này. Hơn ai hết, khi tiến hành đổi mới, Đảng,
Nhà nước ta hiểu rõ nền kinh tế Việt Nam đang ở thời kỳ quá độ lên CNXH nên tất
yếu thừa nhận sự tồn tại của đa hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế để
huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Vì vậy, không ai dại khờ bỏ qua lợi thế
và sức mạnh của kinh tế tư nhân, khi nó là một động lực quan trọng, có thể tạo
ra một khối lượng công việc và hàng hóa lớn, cần cho xã hội. Vì vậy, nó được
khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm;
đồng thời, bình đẳng trước pháp luật và với các thành phần kinh tế khác.
Đảng ta cho
phép kinh tế tư nhân phát triển nhưng không đồng nhất với “tư
nhân hóa” nền kinh tế trong nền KTTT định hướng XHCN. Quan điểm này luôn
được khẳng định nhất quán trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đồng thời,
khẳng định rõ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là công cụ, định hướng,
điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững định
hướng XHCN trong phát triển nền KTTT, không để “chệch hướng
XHCN”.
Với chủ trương đúng,
chính sách hay, biện pháp hiệu quả, Đảng ta không cần “xoay trục”, “chuyển hướng”
trong phát triển KTTT định hướng XHCN. Các lý luận gia theo đuôi CNTB nếu không
muốn bị bẽ bàng trước sự cố chấp, hãy đọc kỹ và thuộc bài phát triển KTTT định
hướng XHCN của Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc chắn sẽ có nhận thức mới.
Sự kiểm nghiệm của thực tiễn là khách quan, trung thực
Đảng ta xây dựng
nền KTTT định hướng XHCN không chỉ dựa vào tiêu chí về sở hữu, sự điều tiết của
thị trường mà còn dựa vào các tiêu chí về mục tiêu phát triển nền kinh tế, xã hội…
Điều đó hoàn toàn khác với nền KTTT tư bản chủ nghĩa vì người làm chủ là giới
chủ tư bản “kếch xù”, là giai cấp tư sản, là lợi nhuận…Khác với họ, Việt Nam
phát triển KTTT định hướng XHCN đúng đắn nên chúng ta giành được những thành tựu
to lớn. Vì lẽ đó, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá Việt Nam là một
trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; là điểm sáng trên toàn cầu
về bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Quan điểm cho rằng, Việt
Nam đang đi theo con đường TBCN và “trá hình CNXH” là
hoàn toàn sai trái.
Tại Đại hội
XIII của Đảng, mô hình KTTT định hướng XHCN được Đảng ta xác định
là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là nền
KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của
KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Quan điểm cho rằng
Việt Nam phát triển KTTT thì không thể xây dựng CNXH và chủ trương gắn KTTT với
định hướng XHCN như gắn “nước với lửa” là không có cơ sở khoa học, đã bị thực
tiễn bác bỏ. Đây là cơ sở vững chắc để củng cố niềm tin của nhân dân vào sự
lãnh đạo của Đảng; là luận cứ khoa học để đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn
biến hòa bình” trên lĩnh vực chính trị và kinh tế của các thế lực thù địch.
Đảng ta do Bác
Hồ sáng lập, tổ chức giáo dục và rèn luyện, được soi sáng bằng lý luận
khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, trưởng thành trong phong trào đấu
tranh cách mạng của nhân dân ta, hơn 93 năm qua một lòng một dạ vì nước vì dân,
Đảng đã biết làm gì và làm như thế nào để đất nước có hòa bình, độc lập, tự do,
thì chắc chắn ngày nay Đảng sẽ biết cần phải làm gì tốt hơn để xóa đói giảm
nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giầu đẹp, văn minh; nhân dân có cuộc
sống hạnh phúc.
Nếu ai còn mơ hồ
về điều đó, xin hãy đọc lại Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chiêm nghiệm lại tất
cả những khó khăn, gian khổ mà 93 năm qua Đảng đã trải qua và phân tích thấu đáo
những thành tựu mà Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành được; chắc chắn sẽ thừa nhận
sự thật, sẽ tôn trọng lẽ phải và chân lý.
Nếu còn tiếp diễn
sai lầm, phủ nhận nền KTTT định hướng XHCN, các người chẳng những có tội với
nòi giống, tổ tông; phụ bạc công ơn đấng sinh thành, dưỡng dục; các anh hùng liệt
sĩ, đồng chí, đồng bào mà còn gây thêm tội ác đối với chính những người thân
yêu của mình. Dù lòng khoan dung, độ lượng và vị tha của nhân dân Việt Nam rộng
lớn như biển, trời; song cũng không tha thứ cho những kẻ bán nước, hại dân./.
[1] Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
tập I, Nxb CTQGST, H.2021, tr.20.
[2] Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
tập I, Nxb CTQGST, H.2021, tr.59.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét