50 năm Hiệp định Pa ri, nhưng vẫn
còn cách tiếp cận hoang tưởng và lãng quên lịch sử
Thông Sử
Ngày 27 tháng 1 năm 1973 đã đi vào lịch sử
ngoại giao Việt Nam như một chiến công tài tình của nghệ thuật “vừa đánh vừa
đàm” mà Nguyễn Trãi đã thay mặt nghĩa quân Lam Sơn thực hiện trước quân Minh
xâm lược ở thế kỷ XV. Vào thời điểm lịch sử mà quân Minh đã bị vây chặt trong
thành Đông Quan, bị chặn viện binh từ phương Bắc, lui binh không được, hội quân
chẳng xong, phá vòng vây thất bại, trận Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương
Giang đã đè bẹp tinh thần quân địch, Vương Thông đành phải thoi thóp tính kế
sinh tồn. Như đi guốc trong bụng giặc, nghĩa quân Lam Sơn đã mở đường hiếu sinh
cho đại binh thất trận quay về còn chút thể diện. Vương Thông đành phải chấp
thuận hai bên tổ chức Hội thề Đông Quan (ngày 10/12/1427), thực chất đây là một
lễ công bố sự chấp thuận về mặt ngoại giao giữa ta và địch. Ấy là kế sách diệu
kỳ do Nguyễn Trãi mưu trí hiến kế được Lê Lợi tin dùng: “Ta mưu trí đánh dẹp bằng
cách đánh vào lòng người, khiến không đánh mà quân giặc phải tự khuất phục”.
Trong nội dung lời thề, Vương Thông buộc phải xin hứa trước nghĩa quân Lam Sơn
và thần dân nước An Nam: “Cùng là ngày về đến triều đình, lại không theo sự lý
trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông ở nước An Nam lại bàn khác đi, hoặc
cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân, thì trời, đất cùng là danh sơn, đại
xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu là Vương
Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan
quân cũng không một người nào về được đến nhà”. Sau lời thề độc như vậy, Vương
Thông được hưởng phúc lộc của nước Nam, tàn binh hơn 100.000 người được cấp ngựa,
thuyền, lương thực, thực phẩm trở về đón xuân ảm đạm nơi quê nhà, cuộc rút quân
thực chất là cuộc tháo chạy chỉ khoảng 1 tuần lễ (từ 29/12/1427 đến 3/1/1428).
Ngày rằm tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Vua, hiệu là Lê Thái Tổ, lấy tên nước
là Đại Việt, muôn dân được hưởng thái bình. Để tỏ lòng ước mong tắt họa binh
đao, Vua Lê Thái Tổ dạo chơi trên hồ Lục Thủy đã làm một việc lưu lại cho muôn
đời, gửi một thông điệp bất tử về khát vọng hòa bình bất diệt: trả lại gươm chiến
cho rùa vàng.
Quân Minh khiếp đảm chẳng dám bàn chuyện
sang xâm lăng Đại Việt, nhưng tới thời Mãn Thanh thì lại hung hăng đưa quân qua
đòi “làm cỏ nước Nam”. Chúng lại bị Hoàng đế Quang Trung dẫn đại binh ra
Thăng Long lập nên chiến công hiển hách Ngọc Hồi, Đống Đa (mùa xuân Kỷ Dậu
1789), dạy cho chúng bài học “nước Nam anh hùng là có chủ”, Sầm Nghi Đống treo
cổ tự vẫn, Tôn Sĩ Nghị chẳng kịp buộc yên ngựa, quân quan hoảng loạn tháo binh
làm gãy sập cầu bắc qua sông Nhị Hà. Cuối tháng 12 năm 1946, Hà Nội trở thành
pháo đài “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ngăn không cho quân Pháp đánh nhanh
thắng nhanh. Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” cuối tháng 12/1972 là cái
đinh chốt khóa lại mọi hoang tưởng, tham vọng, mưu mô quỉ quyệt của đế quốc Mỹ
tại Việt Nam. Đến nay cơ đồ dân tộc Việt Nam thực sự ngày một “đàng hoàng hơn,
to đẹp hơn” so với những ngày còn đang trong khỏi lửa chiến tranh chống Mỹ cứu
nước. Tính chân xác của cơ đồ Việt Nam cũng đã được cộng đồng thế giới ghi nhận
và trọng thị.
Tuy nhiên, đáng buồn thay là vẫn còn có những luồng ý
kiến lệch lạc, cố níu kéo những giá trị ảo trong cuộc chiến tranh Việt Nam do đế
quốc Mỹ gây ra. Ngày 27/1/2023, trên trang mạng xã hội SBTN.TV đã bày đặt trò
chơi mang danh “Diễn đàn chính luận”, với tiêu đề “50 năm Hiệp định Ba lê” do
Nguyễn Thành Nam cùng Trúc Hồ tung hứng. Với dung lượng gần 1 giờ đồng hồ, 2
người này đề cập tới một số vấn đề nhạy cảm chính trị, hòng đá xoáy vào tính
khách quan lịch sử xung quanh sự kiện Hiệp định Pa ri ngày 27/1/1973. Việc đầu
tiên là 2 người này bày tỏ quan điểm “thất vọng” về trách nhiệm của Hoa Kỳ đối
với chính quyền do ông Thiệu đứng đầu. Theo đó, 2 ông này lên án gay gắt trách
nhiệm trực tiếp của ông Kít-sing-gơ, rằng lẽ ra không được phép ký một hiệp ước
có lợi cho Bắc Việt, rằng làm như vậy là Mỹ bỏ của chạy lấy người, chỉ lo giữ
thể diện của Hoa Kỳ mà bỏ rơi số phận của chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt
Nam. Tiếp đó, 2 người này tỏ ra cảm thông và ngợi ca ông Thiệu có tinh thần chống
Cộng đến cùng, song do lực bất tòng tâm nên đành thất thủ, hơn nữa họ còn bêu
danh ông Dương Văn Minh từng 2 lần “phản bội Quốc gia cộng hòa”. Rồi cả 2 ông
quay sang tố cáo phía Bắc cộng “xâm lược miền Nam”, họ lên án Bắc cộng bội ước
khi tổng tấn công và nổi dậy năm 1968, cũng như năm 1975. Cuối cùng, họ đắm đuối
với những cái gọi là giá trị “đáng hãnh diện” do chế độ Cộng hòa miền Nam lập
được qua 21 năm dựa bóng quan thầy Mỹ, nào là một gia sản âm nhạc tiền chiến,
nào là một cơ ngơi phồn hoa hơn nhiều nước trong khu vực, nào là sự tự do, dân
chủ cả trên báo chí và cả trong tín ngưỡng, tôn giáo(?). Nỗi buồn sâu lắng nhất
đối với họ là cay đắng đắm đuối đeo đuổi những điều “giá như” miền Nam trụ được
qua cái nạn Hiệp định Pa ri, thì thân phận của họ và gia đình của họ không phải
sống lưu vọng trên đất khách quê người, phía Nam sông Bến Hải sẽ là một “hòn ngọc
viễn Đông”, chí ít cũng chỉ thua Nam Hàn chừng độ 20%. Họ đâu có biết rằng, thời
Nam Hàn do Pắc Chung Hy làm Tổng thống đã phải bán lương tâm cho quỉ, ông ta đã
đưa quân lính đánh thuê cho Mỹ sang miền Nam Việt Nam tham gia tàn sát đồng bào
miền Nam, đổi lại phía Mỹ đã rót tiền cho Nam Hàn thực hiện “công nghiệp hóa”.
Than ôi! Những tâm hồn người Việt lưu vong trong vỏ bọc người Việt xa xứ do thất
sủng chính trị mới thê thảm làm sao. Ở đây không nói tới sự thê thảm của nỗi khổ
bươn chải kiếm miếng cơm manh áo như khi mới tháo chạy hoặc vượt biên trái
phép, mà nói tới sự ảm đạm thân phận tôi đòi mà cứ ngỡ là ông vương bà tướng giữa
bầu trời dân chủ giả hiệu. Sao họ không chịu hiểu, rằng việc Mỹ can thiệp vào
công việc nội bộ của Việt Nam ngay từ khi hậu thuẫn cho bọn Tưởng Giới Thạch
núp bóng đại diện Quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, song thực chất lại
theo đuổi âm mưu “diệt cộng, cầm Hồ”.
Rồi khi thực dân Pháp đuối sức trên chiến trường Đông
Dương thì chiến phí mà Mỹ hà hơi tiếp sức cho Pháp đã chiếm tới hơn 70%, cùng
nhiều loại vũ khí tối tân sản xuất từ Mỹ. Hiệp định Giơ ne vơ đã bị ai phản bội,
Ngô Đình Diệm nếu không có Mỹ hậu thuẫn thì làm sao dám xé toạc Hiệp định Giơ
ne vơ, thay bằng hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất hai miền thì Diệm lại
bày trò trưng cầu dân ý dưới họng súng, lưỡi lê, và tắm máu cộng sản bằng Luật
10/59. Nỗi đau và nỗi buồn trầm uất của những người chung thân phận như Phạm
Thành Nam và Trúc Hồ quả là đáng cảm thương, nhưng mà cũng rất đáng giận, đáng
trách. Sau 50 năm Hiệp định Pa ri mà họ vẫn còn “ôm hận”, vậy thì liệu rồi cho
đến khi về cõi thiên thu, họ vẫn ôm hận thì sao có thể nhẹ gánh nợ trần cho được.
Hiệp định Pa ri không trên trời rơi xuống, đó là thành quả của máu xương trên
chiến trường, là trí tuệ trên bàn đàm phán, là sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng
hòa bình trên thế giới. Duy chỉ có những người như Phạm Thành Nam và Trúc Hồ mới
lạc dòng giữa biển đời lịch sử. Họ không muốn mở mang tư duy hay thiên kiến của
họ đã bị hóa thạch, có lẽ cần thêm 50 năm nữa may chăng họ mới cải não. Bất kỳ
quân xâm lăng nào dù là đầu sỏ, quỉ quyệt nhất cũng không thể khuất phục được
dân tộc Việt Nam, nhưng dân tộc Việt Nam cũng không phải là hiếu chiến, đúng
như nhà thơ Huy Cận đã viết “Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa”. Xin mượn
câu thơ của Tố Hữu để khắc họa lại biểu tượng Việt Nam ở thế kỷ XX: “Trên bãi
Thái Bình dương sóng gió/Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng/Chúng ta đứng thẳng hiên
ngang/Sáng ngời một ngọn hải đăng hòa bình”. Đó là niềm kiêu hãnh và tiền đề lịch
sử vững chắc để dân tộc Việt Nam hiện thực khát vọng dân tộc hùng cường, giàu đẹp,
văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vào giữa thế kỷ XXI./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét