Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Tại sao “phải đổi màu, đổi hướng” khi chúng ta đang đổi mới thành công!

 


 Trông việc của người, biết rõ về ta để tránh xa điều ác

Sau cơn địa chấn dữ dội làm “rúng động thế giới” bởi chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các ông trùm chiến lược và không ít chính khách cỡ bự của chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã “vỗ tay ăn mừng”. Họ cho rằng “CNXH đã cáo chung”, “chủ nghĩa Mác – Lênin đã tận thế”, “các tác phẩm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin là minh chứng của sự sai lầm về quan điểm chính trị, cần đưa vào bảo tàng lịch sử”, “CNXH – một bóng ma ám ảnh châu Âu đã tiêu đời”, “giờ đây phương Tây mới thật sự bình an, giai cấp tư sản có thể kê cao gối để ngủ”, “CNTB quay về thời hoàng kim”, “phương Tây là thiên đường của khát vọng hạnh phúc”, v.v..

Sự thật có phải như vậy không, hay đó chỉ là điều bịa đặt? Những người có lương tri, nhân phẩm không bao giờ tin theo những giọng điệu phán xét “đầy tính thiên vị”, bảo vệ những kẻ xấu đã gây họa cho nhân loại, cản trở tiến bộ xã hội, có thâm thù với các đảng cộng sản và chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tế chỉ ra rằng, sự phát triển của lịch sử không phải là một đường thẳng mà diễn ra quanh co, phức tạp; những lời nói, câu chuyện, phát ngôn của các thế lực thù địch dưới mọi màu sắc không bao giờ là khách quan.

Chúng ta đều biết sự sụp đổ của chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu vào những năm 90 của thế kỷ XX là một tổn thất lớn nhưng nó không phải là “sự cáo chung của CNXH” với tư cách là một học thuyết khoa học, cách mạng, một hình thái kinh tế – xã hội, một chế độ xã hội tốt đẹp – hiện thân của một nấc thang phát triển hơn CNTB. Sự “lộng ngôn” của một số học giả tư sản mang tính chủ quan, “nhìn cây mà không thấy rừng”, đã ngộ nhận về “sự thắng lợi của CNTB” vì mắc bệnh hoang tưởng.

Đúng là, sự đổ vỡ của chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu đã kéo theo sự thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế do nhiều nguyên nhân nhưng nó “không phải là sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lênin”. Đây chỉ là “tai nạn”, một bước thụt lùi tạm thời trong sự phát triển “quanh co, phức tạp của lịch sử”, hoàn toàn không phải là tất yếu khách quan vì các nước CNXH còn lại như Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba,.. dù gặp những khó khăn, thách thức, nhưng đã từng bước ổn định, tiếp tục tiến lên; không những giữ vững trận địa mà còn định hướng vững vàng cho sự phát triển; các đảng cộng sản và công nhân dần dần được khôi phục và thích ứng với hoạt động trong điều kiện mới. Xu thế XHCN tiếp tục đi lên dưới hình thức này hay hình thức khác. CNXH không thể diệt vong. Chủ nghĩa Mác – Lênin không lỗi thời. Quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người không thể bị tiêu diệt.

Sự lựa chọn tinh khôn để phát triển bền vũng, vì nước vì dân

Dù tận dụng được những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, CNTB đã điều chỉnh để thích nghi, tồn tại trong điều kiện mới nhưng nó không thể chứng minh được bản thân nó là lực lượng duy nhất thống trị toàn cầu và xã hội TBCN là tốt đẹp nhất, là sự lựa chọn cho tương lai của nhân loại vì trong lòng nó bao chứa và bộc lộ nhiều mâu thuẫn, khuyết tật; đặc biệt là bản chất bóc lột, khủng hoảng không thể khắc phục, tự nó không thể vượt qua giới hạn ấy. Thế giới đương đại là một bức tranh đa mầu, nhiều sắc; từ hai cực đã chuyển thành đa cực, nhiều trung tâm. Cho nên, các nước dù có chế độ chính trị, xã hội khác nhau, song đều tham gia toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, vừa hợp tác vừa đấu tranh dưới nhiều cung bậc khác nhau do các yếu tố khách quan và chủ quan quy định.

Rõ ràng, thế giới vận động, biến đổi không ngừng; không phải là tất cả các nước đều nằm trong “vòng cương tỏa”,“chịu sự chi phối, áp đặt và chịu sự thống trị của CNTB, do Mỹ cầm đầu”. Điều đó cũng nói lên rằng, “CNTB chưa bao giờ an bình, giai cấp tư sản không thể kê cao gối để ngủ”. Phương Tây ngộ nhận “hòa bình” cốt để che đậy cho những mâu thuẫn, tội ác với những tham vọng đầy ác ý, phản nhân văn. Vì thế, hà cớ gì Việt Nam phải lựa chọn và đi theo con đường TBCN của phương Tây?

Quan điểm cho rằng “Việt Nam đang đi theo vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu”, “không thể thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” chỉ là chiêu trò “té nước theo mưa” nhằm “bẻ lái”, kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam thay đổi con đường đi lên CNXH, từ bỏ mục tiêu đã chọn để rộng đường “đón rước CNTB vào Việt Nam” với tham vọng “xây dựng xã hội dân chủ theo mô hình phương Tây”. Đó là “cái bánh vẽ” không thể ăn và nhân dân Việt Nam không cần!

Mục đích của họ là giáo đầu bằng những luận điểm sai trái với cách nhìn phiến diện, núp dưới danh nghĩa “khuyến nghị”, yêu cầu Đảng, Nhà nước Việt Nam phải tự giác, chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối xây dựng CNXH để chuyển sang đường lối dân tộc và dân chủ tư sản. Cùng với đó, họ “kiến nghị” Đảng ta phải “thay đổi chế độ độc đảng, độc quyền, toàn trị sang chế độ dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa” mà thực chất là phủ nhận thành quả cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Họ đang chà đạp lên những giá trị nhân văn, nhân đạo và hướng lái nước ta đi theo con đường TBCN. Sự “đổi hướng”, “đổi màu” mà họ “khẩn thiết đề nghị” Đảng ta là đi theo con đường TBCN của phương Tây, lấy mô hình các nước G7, G20 để học tập, phát triển. Thật nực cười với chiêu trò lấy “râu ông nọ cắm vào cằm bà kia”, nó hoàn toàn không phù hợp với Việt Nam. Đằng sau nó là một ẩn ý xấu.

 Đáng tiếc là một số ít cán bộ, đảng viên và một bộ phận người dân đã nhận thức không đầy đủ, chưa thấu đáo luận điểm này nên vội vàng cỗ súy cho “sự cách tân”, “đổi mới”, thậm chí đã tuyên truyền, cổ động cho việc “theo gương các nước G7, G20” với mong muốn Việt Nam giống như các nước phương Tây. Ẩn ý của nó là gì chắc chúng ta đều đã rõ; sự suy thoái, tha hóa, biến chất, đánh mất tính đảng, nhân cách đảng viên đến mức nào chúng ta cũng đoán được. Họ đã biến thành “cái đuôi” của các lý luận gia tư sản, đã “cõng rắn cắn gà nhà”, gây nhũng nhiễu đời sống văn hóa tinh thần xã hội ta.

Nhìn lại sự đổ vỡ của chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu hơn 30 năm trước, chúng ta đều đã rõ: đó là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng CNXH chứ không phải là sự sụp đổ của CNXH nói chung. Không ai có thể phủ nhận những thành tựu, kết quả xây dựng CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu; đặc biệt, vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Sự nghiệp xây dựng CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã đạt được những thành công lớn khiến cho Đảng, Nhà nước Liên Xô ngộ nhận là CNXH đã xây xong nên đề ra đường lối đưa Liên Xô bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Chính điều này đã khiến Đảng, Nhà nước Liên Xô liên tục mắc sai lầm, khuyết điểm, dẫn đến trượt dài, cuối cùng sụp đổ. Các đảng cộng sản, công nhân ở các nước XHCN Đông Âu cũng bị cuốn theo “vòng xoáy” ấy; thiếu tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, không có giải pháp hữu hiệu để khắc phục khủng hoảng nên đã “tuột xích”, gánh chịu hậu họa khôn lường.

Nếu chỉ vì sự sụp đổ của chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu mà quy kết CNXH sụp đổ, đã “cáo chung” và phủ định sạch trơn thành quả hơn 70 năm xây dựng CNXH cũng như “sự đổ vỡ của hệ thống các nước CNXH” là một sai lầm. Những kẻ “mượn gió bẻ măng” đã lấy sự kiện này để thêu dệt, quy kết, vu khống chủ nghĩa Mác – Lênin là sai lầm, CNXH là “cái quái thai của lịch sử”, “là sự phát triển trái quy luật khách quan”, “sự lầm lẫn của lịch sử” là hết sức phi lý, không thể chấp nhận.

Sai lầm về đường lối chính trị, sa vào chủ nghĩa đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng đã gây hoang mang, dao động trong nhân dân, dẫn đế sự hỗn loạn xã hội, khiến cho các thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm cho mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, Nhà nước Liên Xô lên cao. Trong bối cảnh ấy, một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Liên Xô đã mắc mưu địch, sa vào “cái bẫy” mà không tự giác phát hiện; khi cần sự đoàn kết, thống nhất thì ban lãnh đạo tối cao đã “bất hòa, bất lực” nên “bung, toang”, có người đã phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân.

Kiên định và tin tưởng vào mục tiêu, con đường đã lựa chọn

Khác xa xứ người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tỉnh táo, không mắc mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đã chia sẻ và ý thức sâu sắc về những “bài học kinh nghiệm xương máu” từ sự đổ vỡ của chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu; nhận biết đầy đủ, sâu sắc giá trị đích thực của những thành quả cách mạng do xương máu, công sức, bản lĩnh và trí tuệ của đồng chí, đồng bào xây đắp nên qua các cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, đã hết sức đề cao cảnh giác; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Trong tình cảnh ngặt nghèo của lịch sử, Đảng ta luôn bình tĩnh, sáng tạo và có nhiều quyết sách quan trọng để lãnh đạo nhân dân ta vượt qua thách thức, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không nhầm lẫn mục tiêu, động lực, con đường xây dựng CNXH với mô hình xây dựng CNXH của nước khác.

Vì thế, Đảng ta đã sáng suốt lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới thành công, đúng nguyên tắc, đúng định hướng XHCN; không lặp lại vết xe đổ của “con đường Liên Xô, Đông Âu”; không nửa vời, thiếu nhất quán như một số nước. Bản lĩnh và trí tuệ trong giữ vững định hướng XHCN, Đảng ta đã kiên quyết “đổi mới nhưng không đổi hướng”, “đổi mới nhưng không đổi màu”, kiên định, sáng tạo, tìm biện pháp đổi mới thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và tâm nguyện của nhân dân Việt Nam, từng bước hiện thực hóa mục tiêu: dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vì vậy, nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; làm cho Việt Nam vững vàng hội nhập quốc tế, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ai đó cố tình đánh đồng đường lối đổi mới của Việt Nam với đường lối cải tổ, cải cách của Liên Xô, Trung Quốc, rồi khuyên Đảng ta phải làm thế này, làm thế kia là một sai lầm, có dụng ý thâm độc.

Suy ngẫm về con đường đổi mới, đi lên CNXH của Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân ta anh hùng. Quan điểm, mục tiêu, mô hình, các đặc trưng, các mối quan hệ lớn, đối tác, đối tượng, triển vọng phát triển đất nước đã được Đảng ta tổng kết sâu sắc trong các Văn kiện của Đảng, chỉ cần cập nhật, bổ sung và hoàn thiện. Đó là một hệ giá trị, cần trân trọng, gìn giữ và nâng niu, là sự khẳng định uy tín, vị thế, vai trò lãnh đạo sáng suốt, tài tình, hợp lòng dân của Đảng ta, hà cớ gì phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, phải đi theo con đường TBCN. Phải chăng những người tự cho mình là “cấp tiến” muốn nhân dân ta mãi mãi là “kiếp ngụa trâu”, muôn đời đau khổ, quay lại chế độ áp bức, bóc lột, bất công, bị ngoại bang nô dịch?

Không bao giờ có chuyện sai trái ấy, đất nước của gần 100 triệu dân đang sinh sống trên dải đất hình chữ S này đã qua gần 100 năm đô hộ của thực dân, đế quốc; đã trải qua hàng nghìn năm của chế độ phong kiến, đã phải hy sinh gần 3 triệu người chỉ vì các cuộc chiến tranh xâm lược nên quá hiểu giá trị của mỗi ngày sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam không dễ gì bị lừa gạt, không bao giờ mắc mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Sự thật là như vậy, nó luôn luôn khách quan, rất đáng trân trọng. 

Dân tộc Việt Nam xứng đáng có được Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Chân lý ấy muôn đời tỏa sáng. Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi./.

Dương Duy

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét