Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Sự phát triển, những thách thức và hướng quản lý thông tin trên mạng xã hội (Bài 2)

             Thực tiễn cho thấy, thông tin chính thống thường chậm trễ, đi sau thông tin trên MXH. Bị động chạy theo dư luận xã hội do thông tin phi chính thống trên MXH tạo ra, chưa kịp thời đấu tranh, chỉnh hướng, phản bác những thông tin sai trái, thù địch trên mọi mặt đời sống xã hội, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Điều này đang thách thức các cơ chức năng mà trước hết là hệ thống tuyên huấn, Thông  tin - truyền thông và báo chí chính thống. Đây là yếu tố chủ quan liên quan đến trình độ, năng lực thức tiễn của đội ngũ cán bộ mang tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu.


                Cũng như các lĩnh vực khác, muốn hóa giải được thách thức của MXH phải “chuyển động” từ người đứng đầu cơ quan, đơn vị làm tuyên huấn, thông tin – truyền thông, báo chí, văn học nghệ thuật mà trước hết liên quan đến đội ngũ chuyên môn đông đảo phóng viên, biên tập, văn nghệ sĩ, tòa soạn các ấn ấn phẩm báo in, báo hình, báo điện tử chính thống đủ mạnh để không bị động, chủ động định hướng, dẫn dắt truyền thông trên MXH. Nếu người đứng đầu đơn vị đó không phải là “chim đầu đàn” về nghiệp vụ và không thạo về công tác quản lý, chuyên môn đương nhiên là tác động đến việc bao quát, tổng hợp, nắm bắt thông tin, chỉ đạo nhạy bén, nâng cao chất lượng, số lượng thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch trên MXH.

Chúng ta không thể ngăn cấm MXH bằng những mệnh lệnh hành chính, mà phải biết tận dụng mặt tích cực của nó để định hướng dư luận bảo vệ cái đúng, cái tốt; đấu tranh với cái sai, cái xấu. Điều đó chỉ có thể được hiện thực hóa khi xác lập được giải pháp sát hợp và hiệu quả.

Theo TS Trần Văn Thạch(1) hướng quản lý MXH thì phải quản lý thông tin và định hướng giá trị cho công chúng. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật là biệp pháp hàng đầu.

Đến nay, chúng ta đã có các quy định pháp luật về sử dụng MXH như: Nghị định 72/2013/NĐ - CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng; Thông tư số 09/2014/TT - BTTTT, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và MXH; Nghị định 15/2020/NĐ - CP do Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; đặc biệt là Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018 và bắt đầu có hiệu lực từ 01/0/2019.

Luật An ninh mạng là các quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này có thêm nhiều điều luật nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh mạng. Điều này đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet cần hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hoạt động trên môi trường không gian mạng.

Tiếp đến, cấp có thẩm quyền có kế hoạch chủ động cung cấp thông tin chính thống kịp thời, đầy đủ lên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống để thông tin nhanh, chuẩn xác.

Để phản bác những thông tin xuyên tạc sai sự thật do các thế lực thù địch ngụy tạo ra, thì không có biện pháp nào hữu hiệu bằng việc tăng cường cung cấp thông tin tích cực chính thống cho công chúng. Vì vậy, việc thường xuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên các phương tiện truyền thông là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm loại bỏ mưu đồ lợi dụng MXH để trục lợi chính trị của các thế lực thù địch.

Xây dựng công cụ lọc và phát hiện tin giả, tin sai sự thật, để kịp thời phòng ngừa, cảnh báo ngay từ đầu, chủ động ngăn chặn sự lan truyền và cảnh báo sớm tin giả ngay khi nó xuất hiện trên mạng xã hội. Đây là giải pháp đã được lãnh đạo Bộ TT&TT đề ra, song quá trình thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện tin giả chưa thật kịp thời hoặc khâu cảnh báo còn chậm trễ. Nhiều sự việc để tin giả lan truyền sâu rộng vào xã hội, chi phối đến suy nghĩ và hành động của đông đảo công chúng rồi mới cảnh báo, ngăn chặn nên hiệu quả rất kém.

Xây dựng bộ quy tắc ứng xử bắt buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH ở Việt Nam phải tuân theo. Dựa trên những khuôn mẫu, chuẩn mực đã được các quy định pháp luật về kinh doanh và sử dụng MXH, nhất là những quy định trong Luật An ninh mạng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung thêm cho phù hợp với tình hình mới để làm bộ quy chuẩn buộc mọi cá nhân và tổ chức sử dụng MXH trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ.

Thời gian gần đậy, Bộ TT&TT đã chủ động đàm phán với Google và Facebook, yêu cầu các doanh nghiệp này phải cam kết và nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin phản động, xấu độc trên hai MXH này khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả quản lý an ninh mạng nhanh và ổn định lâu dài. Các cơ quan chức năng cần sử dụng tối đa lợi thế quốc gia có chủ quyền, nắm giữ quyền lực quản lý kinh tế để bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh MXH phải tuân thủ luật pháp nước ta một cách triệt để.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thông tin trên mạng xã hội, dịch vụ internet, thuê bao di động. Tăng cường điều tra, thu thập, phát hiện, xử lý thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, như hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên MXH, hay chia sẻ thông tin trái với quy định của pháp luật, mưu đồ chống lại Đảng và Nhà nước ... Đi liền với giải pháp này là biện pháp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, đưa tin sai sự thật trên MXH.

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây. Điển hình như, ngày 19/7/2021, Trung tâm này đã lên tiếng bác bỏ và cảnh báo thông tin thất thiệt về hình ảnh được cho là “xác chết của bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh”. Trung tâm này khẳng định, đó là hình ảnh chụp tại một bệnh viện của Myanmar, chứ không phải tại TP Hồ Chí Minh như một số tài khoản Facebook tung tin trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch. VAFC khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả trên. Vụ việc được VAFC chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

 Như vậy, mọi mưu đồ xuyên tạc, bóp méo thông tin, bịa đặt thông tin, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động đều nhắm tới người dân, hòng lừa dối, xúi giục, lôi kéo người dân chống lại chính thể xã hội. Vì vậy, mọi người dân phải ứng xử có trách nhiệm khi tham gia MXH.

Không gian mạng được ví như là môi trường sống thứ hai của con người trong xã hội hiện đại. Thực tế đó càng đặt ra yêu cầu mọi người phải có ý thức, trách nhiệm cao khi tham gia MXH. Không chỉ đòi hỏi người tham gia MXH phải ứng xử chuẩn mực trong tỏ bày ý kiến, hay lời bình luận (comment) mà còn phải có thái độ biết phản đối, đấu tranh chống lại lời bịa đặt, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch với mưu đồ xấu. Trước những thông tin, sự việc trái chiều, cần bình tỉnh kiểm chứng qua những kênh thông tin chính thống chứ không vội vàng chia sẻ hay bình luận thiếu căn cứ hoặc tin theo một cách mù quáng.

Vẫn biết việc quản lý MXH để ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch là khó khăn, nhưng nếu kiên trì, biết triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phù hợp để tạo sự đồng thuận giữa các tổ chức và cá nhân trong xã hội thì không kẻ thù nào có thể phá vỡ được thành trì niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, cùng hướng về tương lai tốt đẹp của đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét