Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Cần hiểu rõ Quy định số 80-QĐ/TW về Công tác quản lý cán bộ và chiêu trò của những “kẻ ảo tưởng”!

              Quy định 80 - QĐ/TW là sự tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Quy định này nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Đồng thời, bảm đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị; đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Quy định này áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

  


Thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 80 - QĐ/TW ngày 18/8/2022, về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định này thay thế Quy định số 105 - QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị. Tại điều 2 của Quy định 80-QĐ/TW đã nêu rõ mục đích, yêu cầu là: 1. Tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. 2. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị; đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 3. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Vậy mà, một số người lại có nhận thức trái ngược về mục đích của Quy định 80 - QĐ/TW , như Nguyễn Bá Bình trong bài: “Mục đích cuối cùng của ‘Quy định 80’ là gì?”[1] . Nguyễn Bá Bình, con người có đôi mắt đen tối, có tâm địa nham hiểm, lòng dạ phản trắc, ý đồ thâm độc mới có nhận thức về mục đích của Quy định 80-QĐ/TW như sau: “Sau hàng loạt các biện pháp răn đe, kìm hãm và ngăn chặn đối với xã hội dân sự, nay trước Hội nghị Trung ương 6, ĐCSVN muốn “robot hóa” các định chế trong đảng. Mục đích cuối cùng là để, nhất nhất nghe và làm theo lệnh của một người duy nhất, đó là TBT Nguyến Phú Trọng, nhằm tuyệt đối hóa “các loại ý chí”, triệt tiêu mọi mầm mống của tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. “ … Để mô hình “Đảng cử, Dân theo” vận hành hanh thông tuyệt đối, cần phải có những biện pháp an toàn hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa. Đó là lý do BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam công bố Quy định 80 – QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ”. “Tại Quy định 80, thẩm quyền của BCT lấn át, qua mặt cả BCHTW, so với quy định cũ 105 – QĐ/TW ban hành ngày 19/12/2017”. “… Bộ Chính trị coi BCHTW như một “robot được lập trình sẵn” và chỉ cần “bấm nút” là cỗ máy vận hành, khỏi cần bàn cãi gì nữa. Khôi hài ở chỗ BCT lại “xin ý kiến” Trung ương khi phê chuẩn các cấp phó”.

Nghiên cứu kỹ Quy định 80 - QĐ/TW, có thể nêu ra một số điểm mới trong Quy định 80 - QĐ/TW, so với Quy định 105 - QĐ/TW như:

Về nội dung quản lý cán bộ: So sánh Điều 1, Quy định 105 với Điều 4, Quy định 80 thì nội dung quản lý cán bộ được bổ sung thêm việc bổ nhiệm lại, tái cử, chỉ định, phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức cán bộ.

Về nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ: So với Điều 10, Quy định 105 và Điều 16, Quy định 80 có những điểm mới là khi bổ nhiệm cán bộ sẽ xem xét thêm tiêu chí là uy tín của cán bộ. Bổ sung nguyên tắc “Không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật”.

Về  điều kiện bổ nhiệm cán bộ: So với Điều 14, Quy Định 105 thì Điều 18 Quy định 80 về điều kiện bổ nhiệm cán bộ được bổ sung thêm 2 điều kiện. Đó là, cán bộ được giới thiệu tại nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Và nhân sự phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đối với việc bổ nhiệm sĩ quan trong lực lượng vũ trang do Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương quy định cụ thể cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Quy định 80 cũng đã thay đổi điều kiện về bổ nhiệm cán bộ đối với cán bộ bị kỷ luật như: Cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật cách chức. Quy định trước đây quy định: “cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên sẽ không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong vòng ít nhất 12 tháng. Như vậy, Quy định 80 đã cụ thể hơn so với quy định trước đây. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn. Bởi phải có thời gian để cán bộ có điều kiện phấn đấu, để tổ chức, tập thể đánh giá, nhìn nhận đúng về sự phấn đấu của cán bộ. Đồng thời có độ chín muồi để cán bộ có thể hoàn thành nhiệm vụ sẽ đảm nhận.

Về đối tượng điều động, biệt phái: trước đây theo Quy định 105 (Điều 22) thì mọi cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ đều là đối tượng được điều động biệt phái khi có yêu cầu công tác. Tại Điều 29, Quy định 80 đã có những thay đổi: Chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý là đối tượng sẽ được điều động biệt phái cán bộ. Quy định mới này cụ thể hơn, sát thực tế hơn.

Về trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị : Tại Điều 4, Quy định 105 nêu 8 nội dung. Điều 6, Quy định 80 - QĐ/TW nêu 9 nội dung, trong đó thêm nội dung “Ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các Ủy viên Trung ương, gồm cả dự khuyết). Trước đây quy định Bộ Chính trị phải phê duyệt các chức danh quy hoạch diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nay Quy định 80 đã phân cấp cho Ban Tổ chức Trung ương thực hiện việc này là đúng với trách nhiệm và quyền hạn của Ban Tổ chức Trung ương, nên việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn, sát với thực tiễn, hiệu quả hơn. Nội dung thứ hai trong quy định cũ: “Trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương”, thì tại mục 2, Điều 6 Quy định 80 nội dung này mở rộng hơn, cụ thể hơn: “Trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để :

– Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

– Xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc,Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ.

– Kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bộ Chính trị, trước đây ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư “quyết định nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong phạm vi phụ trách của mình (trừ các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng). Nay theo Quy định 80-QĐ/TW Bộ Chính trị ủy quyền nhiều nội dung hơn: “Quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý, giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức Chính trị – xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định. Và bổ nhiệm lại đối với cán bộ diện Bộ chính trị quản lý theo quy định (trừ các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng).

Việc quy định trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị nhất là với các chức danh chủ chốt như vậy là rõ ràng hơn, cụ thể hơn, sát thực tế hơn và giúp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nói như Nguyễn Bá Bình: “thẩm quyền của BCT lấn át, qua mặt cả BCHTW”, “Bộ Chính trị coi BCHTW như một “robot được lập trình sẵn” và chỉ cần “bấm nút” là cỗ máy vận hành, khỏi cần bàn cãi gì nữa” là nói bừa, thiếu hiểu biết, mang dụng ý xấu. Điều 3, Quy định 80 - QĐ/TW nêu các Nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc: “Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ”. Nguyên tắc này cho thấy rõ không thể có việc“nhất nhất nghe và làm theo lệnh của một người duy nhất” như phát ngôn bậy bạ của Nguyễn Bá Bình.

Rõ ràng, Quy định 80 - QĐ/TW, với việc bổ sung nhiều nội dung mới, sửa đổi câu chữ cho chính xác, là một bước tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn về công tác cán bộ của Đảng. Quy định 80 - QĐ/TW, rõ ràng hơn, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn Quy định 105 - QĐ/TW  ban hành từ năm 2017, góp phần bảo đảm dân chủ, công khai, trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Từ đó tạo ra sự minh bạch giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân có thể giám sát công tác cán bộ.

Nguyễn Bá Bình còn bậy bạ viết rằng: “Ý nghĩa thời sự của việc giờ đây, đảng cho công bố công khai “Quy định 80” trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 6, một mặt, là để tái khẳng định quyền lực của Bộ Chính trị. Mặt khác, việc tăng cường quyền lực của Bộ Chính trị vào thời điểm hiện nay càng cho thấy, Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng và các phe cánh đang rất lo lắng trong việc phải thâu tóm bằng được đa số các ủy viên trung ương đối với các vấn đề nhân sự tới đây”. “Tình thế lưỡng nan hiện nay trong vấn đề nhân sự tại TƯ 6 sắp tới là: “chân ghế” TBT và “các chân ghế khác” của “Bộ tam” còn lại đều bất lợi. Tính cả ngoài “Bộ tứ” một vòng, cả Võ Văn Thưởng lẫn Tô Lâm đều như “cá mắc cạn”. Đấy là chưa nói, việc thay ông Nguyễn Phú Trọng vẫn phải chờ đến “phút 89” đã đành; vì chưa thật rõ, “chiếu chỉ cuối cùng” của Thiên triều sẽ nhắm vào ai? Và khi có ứng viên rồi thì làm thế nào để thống nhất trong hơn 200 UVTW. Vì vậy, ngoài “chiếu chỉ” của Thiên triều, “chiếu chỉ của bản địa” cũng cần phải được quán triệt trong Trung ương. Sứ mệnh của “Quy định 80” chính là thế !”.

Hội nghị Trung ương 6 có nội dung về sắp xếp nhân sự hay không thì chưa biết, vì hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam chưa công bố Chương trình hội nghị. Nhưng Nguyễn Bá Bình cũng như một số bồi bút Nguyễn Nam, Nguyễn Lan, Âu Dương Thệ, Thái Việt … đang “cầm đèn chạy trước ô tô” đua nhau bịa ra các phương án sắp xếp nhân sự, kết tội, hạ bệ các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam; tung tin, đồn nhảm về “phe cánh” trong Bộ Chính trị, về sự mất đoàn kết trong nội bộ Đảng trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự. Cái “tình thế lưỡng nan hiện nay trong vấn đề nhân sự  tại TƯ 6 sắp tới” do Nguyễn Bá Bình bịa đặt ra, dựa theo những tin vịt, những đồn đoán vô căn cứ của đồng bọn về các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, đang được đăng tải nhan nhản trên các trang mạng của các tổ chức phản động. Chẳng có lý do gì Tổng Bí thư phải “lo lắng trong việc phải thâu tóm bằng được đa số các ủy viên trung ương đối với các vấn đề nhân sự tới đây”. Vì nếu có sự bố trí, sắp xếp nhân sự trong Hội nghị Trung ương 6, thì Bộ Chính trị sẽ chuẩn bị kỹ về nhân sự, Ban Chấp hành Trung ương là tập thể đoàn kết và có trách nhiệm rất cao. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Nên nếu có nội dung về nhân sự trong Hội nghị Trung ương 6 thì nhân dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào Ban Chấp hành Trung ương sẽ lựa chọn được những cán bộ xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng./.



[1] đăng trên VOA, ngày 15/9/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét