Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

Sự phát triển, những thách thức và hướng quản lý thông tin trên mạng xã hội

Thời đại “ bùng nổ” thông tin trên Internet,  nhất là mạng xã hội (MXH) trong xu thế chủ động  hội nhập của Việt Nam bước sang năm đầu tiên của thập niên thứ ba của thế kỷ XXI càng khẳng định vị thế truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội, là một bộ phận không thể thiếu trong sự nghiệp CNH, HĐH, bảo vệ chủ quyền của đất nước.  Hơn nữa MXH giờ đây là phương tiện truyền tải thông tin chủ yếu, rất quan trọng với đặc điểm nổi trội là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ vô hạn (cả về không gian và thời gian), tác động rất lớn đến hệ tư tưởng.. Chính vì vậy, các thế lực thù địch, phần tử phản động đã và đang triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước đang đặt ra những thách thức rất lớn.

 


Ngày nay, mạng xã hội đã lan tỏa, trở thành một thứ “quyền lực” tác động đến mọi quốc gia, dân tộc trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhưng MXH mang tính hai mặt. Bên cạnh tính ưu việt, mạng xã hội cũng bộc lộ hạn chế không nhỏ, tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội, con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. 

1. Vai trò của mạng xã hội trong hoạt động truyền thông hiện nay, xu hướng phát triển của mạng xã hội

Mạng xã hội (social media) là thuật ngữ để chỉ một cách thức truyền thông kiểu mới, trên nền tảng dịch vụ trực tuyến, do đó các tin tức có thể chia sẻ, lưu truyền nhanh chóng và có tính chất đối thoại vì có thể cho ý kiến hoặc thảo luận với nhau. Khác với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, với MXH thì mỗi cá nhân có thể trở thành một “nhà báo” đồng thời là một nhà phát tin và nhà bình luận. MXH có thể là các trang kết nối các thành viên như Facebook, Twitter, Whatsapp, Instagram… hoặc cũng có thể thông qua các video clip trên Youtube, Tik Tok, hoặc khả năng phát trực tiếp như tính năng “Livestream” trên Facebook...

MXH là phương tiện truyền tải thông tin quan trọng và phổ biến của truyền thông xã hội. Đặc điểm nổi trội của MXH là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn. Trên nền tảng Internet, MXH trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống, tác động một cách trực tiếp, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội. MXH đã tham gia vào mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi cá nhân, mỗi nước và cộng đồng quốc tế.

Ở Việt Nam, kể từ năm 2005, khi mà internet băng thông rộng được triển khai mạnh và phát triển bùng nổ, thì các hoạt động truyền thông xã hội cũng trở nên rất sôi động. Đến nay, truyền thông xã hội ở Việt Nam có thể nhận diện ở các khu vực hoạt động với nhiều cá nhân tham gia thường xuyên. Chẳng hạn trong phòng chống CoVid 19, chúng ta cài đặt ứng dụng Bluezone giúp phát hiện các tiếp xúc gần, từ đó giúp cơ quan y tế tìm được nhanh nhất những người từng tiếp xúc với ca nhiễm (nghi nhiễm) Covid-19, kể cả những trường hợp không có biểu hiện bệnh. Hoặc ứng dụng mã VI QR trên Zalo đăng ký tiêm phòng CoVid 19 không phải công văn giấy tờ phiền hà, tiện ích cho cơ quan quản lý, tiêm phòng và người được tiêm phòng khi được báo tin.

Việt Nam hiện dân số hơn 96 triệu người, bằng 1,4% dân số thế giới, là một trong số các nước có lượng người truy cập thông tin trên Internet đứng đầu thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam: Số lượng người dùng internet ở Việt Nam năm 2020 là 68,17 triệu người, tăng 6,2 triệu người so với năm 2019 (tăng đến 10%); có hơn 145 triệu thiết bị di động được kết nối với internet, bình quân mỗi người dùng 2,1 thiết bị di động và có hơn 65 triệu người dùng các mạng xã hội: Facebook, Youtube, Zalo, FB Messenger, Instagram, Tiktok, Twitter, Skype, Viber, Printest, Line, Linkedin, Wechat, Whatsapp, Twitch, Snapchat (theo thứ tự từ cao đến thấp).

Còn theo Chuyên trang thông tin về dịch CoVid 19 của TTXVN đăng tải ngày 2/9/2021(https://ncov.vnanet.vn) dẫn nguồn tin từ Bộ TT&TT nêu số liệu Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số nhưng không có con số phân tích cụ thể.

Công nghệ thông tin đã đặt nền móng cho nền “dân chủ điện tử” (electronic democracy)”[1] (1). Dân chủ điện tử được công dân sử dụng khi liên lạc, truyền thông và công nghệ thông tin nghiêng về phía trao quyền cho công dân.

Kết quả nghiên cứu của một công ty chuyên về điều tra xã hội học trong lĩnh vực internet cho thấy, hơn 95% số người truy cập internet để đọc thông tin, chủ yếu thông qua các website tổng hợp và các mạng xã hội. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm và sử dụng thông tin là nhu cầu chủ đạo của người dùng internet. Hơn nữa, những số liệu thống kê không chính thức cũng cho thấy, các website truyền thông xã hội chiếm đến 80% số lượng người sử dụng thường xuyên trong số 10 website lớn nhất ở Việt Nam.

Mạng xã hội Facebook mới đây đã đưa ra một con số thống kê về thói quen và hành vi sử dụng Facebook của người Việt. Mỗi tháng Việt Nam có tới 30 triệu người dùng Facebook, trong đó có 27 triệu người có sử dụng các thiết bị di động để truy cập mạng xã hội này. Nếu tính trên phạm vi hàng ngày, số người truy cập Facebook nói chung và số người truy cập Facebook qua di động nói riêng lần lượt là 20 triệu và 17 triệu người và trung bình mỗi người dành ra tới 2,5 giờ cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Qua những con số nêu trên có thể thấy, truyền thông xã hội đang cạnh tranh với các phương tiện truyền thông đại chúng khác về số lượng người xem và quảng cáo, nhất là đối với báo in xu hướng ít người đọc đang trên đà teo dần. Nhiều tờ báo in truyền thống lâu năm ở trên thế giới phải đình bản chuyển sang báo, tạp chí điện tử. Ở nước ta, báo, tạp chí in cũn rơi vào tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, kết quả các khảo sát cho thấy số người xem truyền hình, đọc báo, tạp chí, báo mạng, nghe đài, băng, đĩa lớn hơn số người viết, xem truyền thông xã hội.

2. Các thế lực thù địch sử dụng MXH để hoạt động chống phá

Theo chiều tích cực, MXH là nguồn cung cấp thông tin nhanh, nhậy đến với công chúng. Sự phát triển của MXH ở Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. MXH thực sự là kho chứa lượng thông tin, kiến thức khổng lồ, góp phần làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao nhu cầu hưởng thụ, trao đổi thông tin trong cộng đồng xã hội. Trong thời đại mà thông tin ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc nắm bắt thời cơ, vận hội để hợp tác và phát triển, thì những tiện ích mà MXH mang lại đã giúp cho kinh tế - xã hội ngày càng phát triển hơn nữa.

Nhờ những công cụ tiện ích và hữu dụng mà MXH cung cấp cho người sử dụng nhiều công dụng, chẳng hạn như chức năng live stream của Facebook cùng với những tiện ích khác trong việc post hình ảnh, lời thoại…, bất kỳ người dùng MXH nào cũng có thể sản xuất tin, bài như một tòa soạn thu nhỏ với sự tích hợp đầy đủ các loại hình “báo in”, “báo nói” và “báo hình” để trao đổi, chia sẻ với nhiều người. Hoạt động kinh doanh hàng hóa đang tràn ngập thị trường online với mức chi phí cực rẽ (do không phải thuê mặt bằng làm cửa hàng) là minh chứng cho sự tiện ích mà MXH mang lại cho xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh chiều tác động tích cực, thì chiều tác động tiêu cực của MXH cũng không hề nhỏ. Đặc biệt, việc các thế lực thù địch, phần tử phản động, chống đối chính trị đã và đang triệt để lợi dụng MXH để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Với khoảng 72 triệu người hiện sử dụng MXH ở Việt Nam, bất kỳ người dùng MXH nào cũng có thể tạo ra thông tin và tham gia vào hoạt động truyền thông. Với tính năng "chia sẻ", "bình luận" và "lan truyền" thông tin rất tiện lợi, nhanh chóng, MXH đã và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần xã hội. Những địa chỉ, những diễn đàn trên MXH có hàng chục ngàn, hàng triệu người kết bạn và hàng trăm ngàn đến hàng triệu người đăng ký theo dõi. MXH đang trở thành nơi hình thành các luồng dư luận xã hội.

 Các thế lực thù địch, phản động với dã tâm là muốn xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nên đã không từ âm mưu thủ đoạn nào. Chúng triệt để lợi dụng không gian MXH làm “mặt trận chính” để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Âm mưu của chúng là thông qua MXH bằng các mánh lới thông tin xuyên tạc, “đổi trắng thay đen” thực hiện chiêu thức “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với mục tiêu “phi chính trị hóa” Quân đội. Đó là một trong những nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Nghiêm túc nhìn nhận“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội tuy chưa có biểu hiện rõ nét, phạm vi không rộng, tính chất chưa nghiêm trọng, song nó đang hiện hữu và ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc; mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội. Nhận thức rõ điều đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi đó là một nội dung trọng tâm trong tổng thể các nội dung, biện pháp đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” gắn với xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Các sự việc diễn ra những năm gần đây như lợi dụng sự cố gây ô nhiễm môi trường biển ở tỉnh Hà Tĩnh hoặc mỗi khi Trung Quốc có hành vi xâm lấn lãnh hải của Việt Nam, … thì các thế lực phản động đã lợi dụng MXH để phát tán những thông tin xuyên tạc rằng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta hèn nhát, đã nhượng đất đai... Chúng còn sử dụng MXH làm cầu nối để kích động, xúi giục một bộ phận quần chúng cả tin tham gia bạo loạn nhằm thực hiện “Cách mạng màu”, tiến tới hòng lật đổ, thay đổi thể chế chính trị như đã từng xảy ra tại không ít quốc gia ở khắp các châu lục, gây cảnh “nồi da xáo thịt”, dân chúng những nước đó lâm vào cảnh khốn cùng.

Gần đây nhất, chúng không ngừng xuyên tạc hình ảnh người lính giúp dân chống dịch CoVid 19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam là hành vi xúc phạm, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc trên MXH. Hình ảnh người lính lên đường vào Nam cùng với lực lượng tuyến đầu giúp chính quyền và nhân dân các tỉnh phía Nam chống dịch trong những ngày qua đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Sự có mặt của họ ở những điểm nóng đã giúp người dân bình tâm, tin tưởng vào tính kỷ luật, tinh thần tận hiến của bộ đội Cụ Hồ, thêm tin tưởng vào khả năng sớm kiểm soát được dịch bệnh. Nhiều người thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn và cả nguy hiểm mà người lính và những lực lượng ở tuyến đầu đang đối mặt ở tâm dịch. Vậy nhưng cũng có những tiếng nói lạc lõng, giễu cợt, xuyên tạc hình ảnh và việc làm nhân văn của người lính, kích động, chia rẽ vùng miền, gây bức xúc dư luận xã hội. Nó cho thấy thái độ vô văn hóa, vô ơn của những phần tử cơ hội hùa theo thế lực thù địch.

Nhiều thông tin không chính thống trên mạng xã hội đã làm nhiễu loạn, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chỉ đạo, điều hành. Nhiều người rất hoang mang bởi khó để phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả do các thế lực có động cơ xấu tạo dựng lên. Vì thế, thời gian qua xuất hiện không ít thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn bịa đặt, vu khống, sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức và cá nhân lãnh đạo, quản lý xã hội, gây hoang mang và bất bình trong dư luận xã hội. Loại thông tin độc hại này đã và đang trực tiếp làm MXH trở thành thế giới ảo theo đúng nghĩa đen, và làm cho sự thiện chí, lương thiện của hàng triệu người lành mạnh, tử tế dùng mạng xã hội như bị chìm lấp trong trận đồ bát quái giữa thật và giả, giữa trắng và đen, giữa tích cực và tiêu cực.

Do đó, đấu tranh thông tin phản bác, chỉnh hướng thông tin sai lệch trên MXH là phải kịp thời, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, không riêng gì một cơ quan nào. Nhưng trước hết đòi hỏi các cơ quan chức năng, đội ngũ những người làm tuyên giáo, thông tin - truyền thông, các cơ quan báo chí chính thống, văn nghệ sĩ phải có trình độ, năng lực thực tiễn, mang tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu về các lĩnh vực đời sống xã hội để phản ứng nhanh nhậy, kịp thời, dẫn dắt dư luận đúng hướng, bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước./.



[1] David Beetham - Kevin Boyle (2009), Giới thiệu về dân chủ: 80 câu hỏi - đáp (câu hỏi số 50), UNESCO.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét