Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

Chính nghĩa tất thắng hung tàn!!

 


Khi Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo về việc Việt Nam với tư cách thành viên của ASEAN sẽ tham gia ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023 – 2025, đã có một số ý kiến chỉ trích từ giới gọi là “đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”, đấu tranh chống chính quyền Việt Nam hoặc các tổ chức ở hải ngoại luôn chỉ trích “Việt Nam vi phạm nhân quyền, độc tài, đảng trị”, v.v. Họ cho rằng, Việt Nam “không xứng đáng ứng cử vào vai trò đó”(!). Càng gần đến ngày bầu cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025, sự chống phá của họ càng quyết liệt hơn.

Ngày 17/9/2022, trên trang Việt Nam Thời Báo với bài: “8 tổ chức nhân quyền gửi thư cho LHQ phản đối Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền” được cho là lấy từ VOA. Bài viết cho hay: “Tám tổ chức nhân quyền vừa gửi thư chung cho Đại diện Thường trực của các Quốc gia thành viên của Đại hội đồng LHQ kêu gọi không nên bỏ phiếu cho Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, với lý do rằng “Việt Nam là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và triền miên, không tuân thủ các cam kết, có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền (HRC)”(!).

Thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trước đó, Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 – 2016. Lần này, Việt Nam tái cử và khả năng đắc cử của Việt Nam rất cao vì cả khối ASEAN đã đồng ý để giới thiệu Việt Nam ứng cử vào vị trí đó. Vì thế, sự chống phá của họ quyết liệt hơn cũng là điều dễ hiểu. Họ luôn rêu rao là đấu tranh vì tự do, dân chủ, nhân quyền cho gần 100 triệu dân Việt Nam, nhưng việc làm của họ lại ngược lại. Đó là họ luôn muốn Việt Nam bất ổn định chính trị, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước bị xói mòn, thực chất là họ đang phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mà không có đại đoàn kết toàn dân tộc thì không tạo nên sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do vậy thành tựu của sự nghiệp này bị hạn chế. Vì thế, chính nhân dân sẽ là người phải hứng chịu hậu quả do họ gây ra. Miệng thì họ nói vì nhân dân, nhưng việc làm lại trái ngược. Việc làm đó của họ không chỉ đáng chê trách mà còn đáng nguyền rủa!

Họ cho rằng, Việt Nam vi phạm nhân quyền, nên không xứng đáng đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025, nhưng lại lờ đi việc Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đề cao chủ trương về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế; tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống xu hướng chính trị hóa quyền con người, ủng hộ cách tiếp cận dựa trên đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau; đề cao và thúc đẩy việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền phát triển phù hợp quan tâm chung của các nước đang phát triển.

Họ cho rằng, Việt Nam “có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền (HRC)” là cố tình lờ đi việc Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế LHQ về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên (Việt Nam đã tham gia từ rất sớm và là thành viên của 07 trong 09 công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người), hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thành viên theo các công ước này và có nhiều đối thoại với 05 cơ quan công ước về quyền con người. Những cách làm hay của Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền (UPR), đã được LHQ và nhiều nước trong khu vực ghi nhận và chia sẻ.

Với những nỗ lực xuyên suốt và đóng góp của mình, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng hàng đầu của LHQ; đồng thời đã và đang đảm nhiệm, phát huy vai trò “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” tại các diễn đàn này, như: tại Hội đồng Bảo an LHQ (2008 – 2009; 2020 – 2021), Hội đồng Nhân quyền LHQ (2014 – 2016), Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (2016 – 2018; 1998 – 2000), Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (2014 – 2016; 2021 – 2023), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017 – 2021; 2023 – 2027), Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính Thế giới (2022 – 2025), Hội đồng chấp hành Chương trình phát triển LHQ (UNDP), các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO). Điều đó chứng tỏ vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao không chỉ trên lĩnh vực quyền con người mà còn nhiều lĩnh vực khác. Vì thế, Mỹ và Triều tiên đã lựa chọn Hà Nội cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (năm 2019). Khi đó Tổng thống Mỹ Ð. Trăm đã giới thiệu với nhà lãnh đạo Triều Tiên ông Kim Châng Ưn rằng: Việt Nam là một nước theo chủ nghĩa xã hội và là mô hình rất thành công, người dân Việt Nam được hưởng tất cả những điều mà thế giới đang hưởng. Thiết nghĩ, nhận xét của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm ở trên đã bác bỏ mọi cáo buộc xuyên tạc về Việt Nam của các thế lực có thâm thù với Đảng, Nhà nước Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tám tổ chức nhân quyền mà họ nhắc đến “bao gồm cả tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ khác nhau, trong đó có Asia Democracy Network (Mạng lưới Dân chủ Châu Á (ADN)), Committee to Protect Journalists (Ủy ban Bảo vệ Nhà báo), Innovation for Change – East Asia (Đổi mới để Thay đổi – Đông Á), Martin Ennals Foundation, PEN America (Pen Mỹ), The 88 Project (Dự án 88)”(!). Đó là các tổ chức luôn có thâm thù với chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng tầm ảnh hưởng rất rất nhỏ bé. Nên các tổ chức này gửi thư gửi Đại diện Thường trực của các Quốc gia thành viên của Đại hội đồng LHQ phản đối Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025 cũng giống như muỗi đốt cột điện, không thể cản trở việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét