Nhân dịp Chủ tịch nước Cộng hòa
XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Tokyo dự tang lễ cựu thủ tướng Shinzo Abe, tổ
chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) đã gửi thư cho Thủ tướng Nhật Bản Fumio
Kishida, kêu gọi nước Nhật nêu tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Theo HRW
tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vô cùng tồi tệ, cần được chính phủ Nhật Bản
quan tâm và thúc đẩy thay đổi.
Một trong những nội
dung mà HRW đề cập đến là Việt Nam gia tăng “đàn áp nhà bất đồng chính kiến”… Để
chứng minh cho nhận định này, HRW dẫn ra vụ Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh
Bá Tư, Trịnh Bá Phương làm ví dụ. Theo lập luận của HRW, Cấn Thị Thêu cùng Trịnh
Bá Tư, Trịnh Bá Phương là những “nhà bất đồng chính kiến” và việc Việt Nam xử
tù họ là “đàn áp người bất đồng chính kiến”, vi phạm quyền tự do ngôn luận của
công dân.
Chúng ta chẳng lạ gì
luận điệu đối trắng thay đen, gắp lửa bỏ tay người, bóp méo, xuyên tạc làm sai lệch
bản chất vụ việc, “biến” những kẻ vi phạm pháp luật trở thành những “người
hùng” – nhằm lấp liếm, cổ xúy, nuôi dưỡng, kích động những phần tử chống phá Việt
Nam của HRW và một số tổ chức, cá nhân thù địch. Nhưng dù bằng luận điệu, chiêu
trò gì, tinh vi, biến ảo đến đâu đi chăng nữa HRW cũng không thể che đậy được sự
thật.
Cần khẳng định rằng
ba mẹ con Cấn Thị Thêu là những đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Việt
Nam. Từ lâu ba đối tượng Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương đã
mang tư tưởng tiêu cực, bất mãn chính trị. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức
năng được thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án, do có tư tưởng tiêu cực, bất mãn nên
trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến ngày 14-1-2020, Trịnh Bá Tư và Cấn Thị
Thêu đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân phát trực tiếp 8 video có nội dung
xuyên tạc, phỉ báng chính quyền; bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Các
video vi phạm của Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư phát, đăng tải đã được nhiều đối
tượng có tư tưởng chống chế độ, chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo dõi,
bình luận bôi nhọ, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền…
Ngoài ra, Cấn Thị
Thêu và Trịnh Bá Tư còn đăng, phát những video chứa nội dung kêu gọi, kích động
nhân dân chống chính quyền; đưa thông tin xuyên tạc về vụ việc xảy ra tại xã Đồng
Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), vu khống, xúc phạm uy tín của các tổ chức,
ngành, bôi nhọ làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Trong quá trình khám xét nơi ở của các bị cáo, cơ quan điều tra đã phát hiện,
thu giữ nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, bịa đặt nhằm chống Nhà
nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Sau phiên sơ thẩm, Cấn
Thị Thêu và Trịnh Bá Tư kháng cáo kêu oan. Tại phiên phúc thẩm ngày 24-12-2021,
căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được làm rõ về hành vi phạm tội của các bị
cáo, Hội đồng xét xử TAND Cấp cao đã bác đơn kháng cáo của Cấn Thị Thêu và Trịnh
Bá Tư, quyết định giữ nguyên mức hình phạt 8 năm tù giam dành cho mỗi bị cáo như
phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt.
Còn đối với Trịnh Bá
Phương, là con trai của Cấn Thị Thêu nên Phương cũng bị ảnh hưởng, mang nặng tư
tưởng tiêu cực, bất mãn chính trị và liên tục có những hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 23-6-2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can,
thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với Trịnh Bá Phương về tội “Làm,
tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống
Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo điều
tra của cơ quan chức năng, các hành vi soạn thảo, đăng tải, phát tán nhiều
video clip, bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong quần
chúng nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam của Trịnh Bá
Phương đã được làm sáng tỏ. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 15-12-2021, Tòa
án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt Trịnh Bá Phương mức án 10 năm tù giam.
Cũng như mọi quốc gia
trên thế giới, Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do nói chung, quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí và thông tin nói riêng của người dân. Hiến pháp nước Cộng
hòa XHCN Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình…” Tuy nhiên, việc thực
hiện các quyền này do pháp luật quy định, chứ không phải là tự do vô hạn độ, vô
chính phủ.
Những việc làm của Cấn
Thị Thêu cùng hai con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư thực chất là hành vi lợi
dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước. Việc các cơ quan chức năng
khởi tố, điều tra, đưa ra xét xử đối với Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá
Phương là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm của họ gây
ra đối với xã hội. Ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác, những đối tượng vi
phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đều bị xử lý
nghiêm theo quy định của pháp luật. Ở đây hoàn toàn không có chuyện bắt giữ, xử
lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp những nhà “bất đồng
chính kiến” như những luận điệu mà HRW đưa ra.
Lợi dụng nhân quyền để
can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia trong đó có Việt Nam đó là bản
chất của HRW. Hơn thế, hiện nay Việt Nam đang ứng cử làm thành viên Hội đồng
Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Nhằm ngăn cản Việt Nam, tổ chức HRW và một số
tổ chức mang danh bảo vệ nhân quyền tìm mọi cách kêu gọi LHQ bác bỏ đơn ứng cử
của Việt Nam. Hành động gửi thư cho Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đề nghị nêu về
tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng nằm trong mưu đồ đó.
Nhưng tất cả chỉ là
vô nghĩa. Thực tế khẳng định, bảo đảm cho mọi người dân được hưởng các quyền của
mình và có cơ hội phát triển toàn diện, làm cho cuộc sống của người dân ngày
càng được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội… là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và
nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực hướng tới. Những chiêu trò của HRW dù có tinh vi,
xảo quyệt tới đâu đi chăng nữa cũng không thể đánh lừa được dư luận, càng không
thể phủ nhận được thành tựu và những đóng góp của Việt Nam trong bảo đảm quyền
con người nói chung và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do
thông tin nói riêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét