Phạm Thái Hưng
Ngay từ trước năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Dù thực dân Pháp hung ác, xảo quyệt đến đâu cũng không thể ngăn cản được chúng ta tiến lên. Chúng ta nhất định sẽ thắng lợi, nước Việt Nam nhất định sẽ được độc lập, đó là dòng thác lịch sử không gì ngăn nổi”.
Ngày 2 – 9 – 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “ Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập”. Tuyên ngôn độc lập cũng thể hiện lời thề mạnh mẽ, kiên quyết của cả dân tộc trong ngày lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Để có được tự do, độc lập như Hồ Chủ tịch viết trong bản Tuyên ngôn: “Một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát – xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, sáng lập và rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh cùng Đảng của mình huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, biết xây dựng, thúc đẩy thời cơ cách mạng, tận dụng những thuận lợi trong nước và quốc tế để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng. Tháng Tám năm 1945, khi thời cơ cách mạng đến, Hồ Chủ tịch kiên quyết chỉ đạo: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Khi vừa mới có độc lập tự do, với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, chúng ta đã ngay lập tức cùng lúc phải chống chọi với: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Cả dân tộc lại phải gồng mình chống giặc, đặc biệt là giặc ngoại xâm để giữ vững lời thề độc lập. Với đường lối: Kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế và tinh thần như lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19 – 12 – 1946 của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. Trong Diễn văn đọc tại “Ngày kháng chiến toàn quốc”, ngày 5 – 11 – 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Bọn thực dân Pháp phải biết rằng: Dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến. Vì dân Việt Nam tin chắc rằng thế nào kháng chiến này cũng thành công”.
Từ 1946 đến 1954, đường lối kháng chiến trên đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện đúng đắn, sáng tạo. Đơn cử như trong Kháng chiến toàn dân, chúng ta đã triển khai sức mạnh của cả dân tộc “bất kỳ đàn ông, đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ…” và “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”; cả nước đồng lòng, chung sức kháng chiến chống thực dân xâm lược. Hay như trên lĩnh vực quân sự, chúng ta đã xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, triển khai vũ trang toàn dân, bảo toàn lực lượng, vừa đánh vừa phát triển…Nhờ vậy, kháng chiến thắng lợi, lực lượng vũ trang của ta cũng trưởng thành vững mạnh với nhiều đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích…
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình của Hồ Chủ tịch, của Đảng, sức mạnh đoàn kết, ý chí quyết tâm, hành động dũng cảm của toàn dân, toàn quân cùng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Dân tộc Việt Nam đã kháng chiến thành công, đã giữ vững lời thề độc lập, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nét đặc sắc trong bảo vệ độc lập dân tộc của 9 năm kháng chiến còn thể hiện ở việc chúng ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc, làm tốt công tác xây dựng, phát triển Đảng, củng cố chính quyền, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Chúng ta đã tiến hành tiêu thổ kháng chiến, đồng thời triển khai xây dựng kinh tế tự cấp và tập trung thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, trong đó có công nghiệp quốc phòng để vừa trực tiếp phục vụ kháng chiến, vừa tạo cơ sở, tiền đề phát triển sản xuất, kinh tế, văn hóa xã hội sau khi kháng chiến thắng lợi.
Thực tiễn những thắng lợi to lớn, toàn diện trên đây đã đập thẳng vào các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị khi chúng âm chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc sống độc lập tự do của đất nước và nhân dân Việt Nam. Vừa qua, một số tổ chức, cá nhân tìm mọi cách “lật lại lịch sử” dân tộc nhằm gây hoài nghi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mới đây, “Đảng Việt Tân” phát tán tài liệu phản động dưới dạng cuốn sách “Đôi dòng sử Việt” mang nhiều nội dung xuyên tạc, sai lệch, vu cáo cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam, nói xấu Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực xấu, chống phá luôn tìm mọi cách phủ nhận thành tựu của cách mạng Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng cho rằng: Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong bối cảnh cánh cửa chính trị ở Việt Nam chỉ “khép hờ” vì xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, do đó Cách mạng Tháng Tám chỉ là “quả ngọt trời cho” và sự “ăn may” chứ không gắn với vai trò lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản. Thậm chí chúng còn trắng trợn xuyên tạc rằng nếu không có ngày 2 – 9 và 9 năm kháng chiến thì dân tộc Việt Nam đã: tránh được cuộc chiến tranh đẫm máu? Từ đó, chúng tìm mọi cách tách rời mối quan hệ Đảng với dân, dân với Đảng, đòi đa nguyên, đa Đảng… Nhưng những chiêu trò chống phá đó đều đã và đang nhận lấy quả đắng từ thực tiễn tốt đẹp và tương lai tươi sáng của cách mạng Việt Nam, của tinh thần cảnh giác, ý chí quyết tâm, niềm tin và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Điều 1 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: “ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định chúng ta phải xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để giữ vững lời thề độc lập, thực hiện những điều thiêng liêng, quý giá trên đây, cả dân tộc Việt Nam chúng ta đã và đang tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hơn 92 năm qua, Đảng ta đã thực hiện tốt lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên, Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân”.
Để giữ vững lời thề độc lập, chúng ta phải tiếp tục phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của cả cộng đồng với vai trò to lớn và sức mạnh toàn diện của nhân dân để xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong đó đặc biệt chú ý giữ vững và tăng cường sự gắn bó hữu cơ, máu thịt của mối quan hệ giữa Đảng với dân, dân với Đảng. Phải tạo được sức mạnh vô biên từ sự thống nhất “Ý Đảng, lòng dân”; thực hiện tốt phương châm mà Đảng luôn khẳng định: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Để giữ vững độc lập tự do chúng ta vừa chủ động tự lực cánh sinh nhưng đồng thời phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Góp phần giữ vững lời thề độc lập, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt lời dạy của Hồ Chủ tịch trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/1964): “ Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét