Ngày 25/7, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng bài: “Chạy chức chạy quyền: không thể dẹp chỉ bằng quy định của Đảng”. Trong bài viết, họ rêu rao, rằng: “dù có ban hành bao nhiêu quy định đi chăng nữa mà đảng vẫn đảm nhiệm công tác nhân sự thì không dẹp bỏ được nạn chạy chức chạy quyền dẫn đến tham nhũng” và “nếu chỉ chăm chăm vào việc xóa bỏ nạn chạy chức chạy quyền hay con ông cháu cha bằng những quy định, mà không quyết tâm thay đổi cơ chế hiện hành, thì mọi việc chỉ dừng lại ở mức độ kêu gọi, hy vọng mà thôi”!
Cần khẳng định ngay rằng, những luận điệu trên là hết sức lố bịch, nhằm xuyên tạc Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Chúng ta đã biết, ngày 11/7/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ký ban hành Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, thay thế Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Quy định số 114-QĐ/TW, gồm có 5 chương và 16 điều, nội dung cơ bản tiếp tục kế thừa nội dung đã được quy định trong Quy định số 205. Lần này, Quy định số 114-QĐ/TW có bổ sung, sửa đổi nhiều điểm mới rõ hơn, cụ thể hơn, rộng hơn để phù hợp với tình hình thực tế. Trước đây, xác định chạy chức, chạy quyền là một tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng bây giờ, nếu chỉ chống chạy chức, chạy quyền thì chưa hết được tiêu cực, mà còn nhiều tiêu cực khác. Cho nên tên của Quy định số 114-QĐ/TW là “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, sẽ đầy đủ hơn, rộng hơn, bao hàm, kín kẽ hơn tất cả các mặt.
Quy định số 114-QĐ/TW, đã mở rộng nội hàm “nhốt quyền lực vào cơ chế” bằng những điều cụ thể: cấm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, gồm: dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình, để người có quan hệ gia đình, mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Quy định còn nói rõ: không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, v.v.
Con người là tài sản quý nhất, công tác cán bộ là công tác con người, là công tác đầu tiên, then chốt trong mọi công tác của Đảng, thể hiện Đảng lãnh đạo trực tiếp về công tác cán bộ. Quy định số 114-QĐ/TW ban hành thể hiện tính minh bạch, tin cậy trong công tác lãnh đạo; tăng cường trách nhiệm kiểm soát quyền lực; kịp thời phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới. Đồng thời, thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc hình thành và xây dựng văn hóa chính trị công bằng, trung thực, giúp tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cái trò xuyên tạc của RFA sẽ chẳng lừa bịp được ai, mỗi người hãy đề cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét