Cứ mỗi độ thu về, “Lũ hát nước" lại ra sức xuyên tạc, phủ định thành quả, ý nghĩa và tầm vóc của Cách mạng tháng Tám trên một số trang mạng. Chúng đưa ra những luận điệu cũ rích, rằng Cách mạng tháng Tám năm là “sự ăn may”, rằng Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của Đồng minh chống phát xít, khi quân đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật… Có kẻ còn trắng trợn đổi trắng thay đen, “kết tội” rằng: thành quả Cách mạng tháng Tám nhanh chóng rơi vào tay Đảng Cộng sản và đây là nguyên nhân khiến dân tộc Việt Nam rơi vào “thảm họa” chiến tranh, dân tộc phân ly, đất nước bị tàn phá. Chúng rêu rao rằng ngày nay tình trạng nghèo đói, lạc hậu là do đi theo con đường cách mạng vô sản; nếu đi theo con đường tư bản thì Việt Nam tránh được chiến tranh mà vẫn có độc lập, phát triển tới phồn vinh!…
Thực tế
hiện nay nước ta là một nước độc lập, hòa bình, ổn định và đang trên đà đổi mới,
phát triển, đạt nhiều thành tựu to lớn trên các mặt, có vị thế và uy tín quốc tế
ngày càng cao. Ngược dòng lịch sử cho thấy Cách mạng tháng Tám thành công là thắng
lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt đánh
dấu mốc son trong lịch sử dân tộc. Đó là giành chính quyền về tay nhân dân, nước
Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông
Nam Á; chấm dứt chế độ phong kiến và kết thúc hơn hơn 80 năm đô hộ của thực
dân, phát xít. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc
lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong
kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở
thành một Đảng cầm quyền.
Sự kiện
lịch sử đó cũng được quốc tế ghi nhận như một mốc son chói lọi của phong trào
giải phóng dân tộc trên thế giới – khẳng định một dân tộc thuộc địa tự mình đứng
lên đấu tranh giải phóng, giành độc lập, tự do cho mình. Sức lan tỏa của Cách mạng
tháng Tám đã thức tỉnh các dân tộc trên thế giới, các nước Phi, Mỹ La tinh, cổ
vũ phong trào giải phóng dân tộc để giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột. Sử gia
người Na Uy S. Tonesson đã đánh giá: “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một
cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng
chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, và là một cuộc cách mạng xã hội chống
lại chủ đất và những người thu thuế”. Nhà sử học Mông Cổ TS. Sanomish
Dashtsevel đánh giá: “Cách mạng tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt
Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ
Tổ quốc, xây dựng đất nước. Cuộc Cách mạng tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối
với phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ ở các nước châu Á và trên thế giới”…
Thắng
lợi Cách mạng tháng Tám không chỉ là kết quả của sự nghiệp cách mạng trong 15 năm
(1930-1945) qua các cao trào 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 (trong đó, từ buổi
ban đầu dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chủ động cùng với lực lượng
đồng minh chống phát xít), mà còn là kết quả của sự nghiệp cách mạng giải phóng
dân tộc trong gần một thế kỷ của nhân dân ta. Cách mạng tháng Tám thắng lợi
càng không chỉ là kết quả của 15 ngày tổng khởi nghĩa, và càng không phải là “sự
ăn may” mà là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, đầy
hy sinh, gian khổ của nhân dân ta dưới sự tổ chức lãnh đạo sáng suốt, tài tình
của Đảng và Bác Hồ. Đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng lâu dài về thế và lực cũng như
khả năng nhận định, chớp thời cơ “nghìn năm có một” để giành thắng lợi. Cả dân
tộc Việt Nam đã nhất tề vùng lên, với quyết tâm và tinh thần “dù phải đốt cháy
cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc”, làm nên
thành công của Cách mạng tháng Tám “long trời, lở đất”.
Trong
hành trình cách mạng giải phóng dân tộc, để chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa
giành chính quyền, tại Hội nghị Trung ương tám, tháng 5/1941, Trung ương Đảng
và Bác Hồ đã chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc
lên hàng đầu. Hội nghị đề ra chủ trương tịch thu ruộng đất của đế quốc, địa chủ
Việt gian chia cho dân nghèo, giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất, người cày
có ruộng. Chủ trương này đã thể hiện rõ quan điểm lấy dân làm gốc, khoan thư sức
dân để chuẩn bị nguồn lực cho sự nghiệp cách mạng lâu dài.
Chúng
ta còn nhớ nạn đói khủng khiếp trong thời điểm đầu những năm 40 thế kỷ 20 đó, với
chính sách bóc lột tàn khốc, thực dân Pháp và phát xít Nhật bắt người dân ta nhổ
lúa trồng đay, đây chính là nguyên nhân khiến cho hơn 2 triệu người dân bị chết
đói. Nhiều người phải ăn rễ cây, cỏ dại để chống đói, tình cảnh rất thê lương.
Trước tình hình đó, Mặt trận Việt Minh đã phát động Cao trào phá kho thóc Nhật,
hàng trăm kho thóc được phá, hàng nghìn tấn thóc được chia cho dân nghèo vượt
qua nạn đói. Khẩu hiệu và hành động phá kho thóc giải quyết nạn đói cho thấy Đảng
lấy lợi ích và mạng sống của người dân lên trên hết, trước hết; và khi Cách mạng
tháng Tám nổ ra, nhân dân đã một lòng ủng hộ sức người sức của đi theo cách mạng.
Tổng khởi nghĩa tháng Tám diễn ra và giành thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại cuộc
mít tinh lớn ở vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời,
đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam
Dân chủ cộng hòa nay là nước CHXHCN Việt Nam.
Cách mạng
tháng Tám thành công do nhiều nguyên nhân, đó là từ sức mạnh truyền thống yêu nước
của dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta,
và nhân tố tiên quyết là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ.
Cho nên xuyên tạc lịch sử là tội không thể dung tha; và sự thật là không kẻ nào
có thể xuyên tạc được những sự thật sự kiện lịch sử đó…/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét