Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

Luật pháp và công lý luôn bình đẳng trước tất cả mọi người

 


Gần đây dư luận xôn xao, bàn tán về vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Trên trang Baotiengdan.com có bài viết “Công lý cần cho tất cả chúng ta” của Nguyễn Đắc Kiên, nội dung bài là sự tản mạn của tác giả về một câu chuyện được kể lại của một luật sư Triệu Quốc Mạnh- Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn–Gia Định, kể lại từ những năm 1975 và việc tình cờ đọc lá thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa. Qua câu chuyện tác giả đặt một câu hỏi lớn, một sự trăn trở về tính độc lập trong xét xử và ông đã phán một điều là chân lý rằng: Công lý dành cho tất cả mọi người, điều đó là đương nhiên, tất thảy mọi người đều biết, nhưng ẩn sâu đằng sau 2 câu chuyện và những nhận định đó là hàm ý về một sự phán xét có hàm ý chê bai, nói xấu về hiện tượng ông cho rằng vấn đề yếu kém của nền tư pháp nước nhà.

Đúng là việc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, vấn đề thượng tôn pháp luật để đảm bảo công lý cho tất cả mọi người dân là điều chúng ta mong mỏi, hướng tới và luôn hoàn thiện mỗi ngày, tuy nhiên câu chuyện đó không phải giải quyết trong một sáng chiều mà cần thời gian, có lộ trình, sự điều chỉnh để thích nghi, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong mỗi giai đoạn.

Câu chuyện mà dư luận đang quan tâm hiện nay của Nguyễn Văn Chưởng được tóm gọn rằng: Vào ngày 3/8/2007, Cơ quan CSĐT tội phạm Công an TP. Hải Phòng đã bắt giữ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Dương) là công nhân của Công ty TNHH Đại Phát (Hải Phòng), đã có vợ, không tiền án, tiền sự. Đồng thời, cũng bắt giữ Đỗ Văn Hoàng và Vũ Toàn Trung cùng ngày với Chưởng. Trong số đó, Chưởng bị xác định là kẻ đứng đầu. Anh phải đối diện án tử hình vì hai tội giết người và cướp tài sản. Vũ Toàn Trung (TP. Hải Phòng) bị kết án 23 năm tù và Đỗ Văn Hoàng (TP. Hải Phòng) đã bị kết án tù chung thân vì hai tội giết người và cướp tài sản. Nguyễn Thị Lan Phương (Hải Phòng) bị phạt 12 tháng tù nhưng được cho hưởng án treo. Còn Nguyễn Trọng Đoàn (em ruột của Chưởng) bị kết án 2 năm tù vì tội che giấu tội phạm. Sau phiên tòa, Nguyễn Văn Chưởng, Ðỗ Văn Hoàng và Nguyễn Trọng Ðoàn kháng cáo. Tại hai phiên tòa, cả ba bị cáo này đều kêu oan, không nhận tội. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo, y án sơ thẩm….

Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng, khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một nguyên tắc hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, được sửa đổi bổ sung năm 2001, Hiến pháp 2013 và Điều 23 Bộ luật Tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) năm 2015. Có thể hiểu nguyên tắc này theo hai khía cạnh là độc lập với các yếu tố bên ngoài và độc lập với các yếu tố bên trong. Độc lập với các yếu tố bên ngoài là khi nghiên cứu hồ sơ cũng như khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không bị phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra, không bị lệ thuộc vào cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát. Quá trình nghiên cứu hồ sơ và tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phải xem xét, thẩm tra đánh giá chứng cứ và các tình tiết khác của vụ án một cách thận trọng, tỉ mỉ, khoa học, toàn diện, kể cả chứng cứ có trong hồ sơ và chứng cứ tại phiên tòa. Bản án của Tòa án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa. Khoản 3 Điều 326 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định “khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và các tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa”.

Nguyên tắc độc lập xét xử còn đòi hỏi sự độc lập của hội đồng xét xử với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các cá nhân. khi xét xử, Tòa án không có cấp trên, cấp trên của Hội đồng xét xử chính là pháp luật. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không bị ràng buộc, không bị chi phối bởi bất kỳ ý kiến của ai. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp hoặc tác động vào các thành viên của Hội đồng xét xử để ép họ phải xét xử vụ án theo ý chủ quan của mình. Mọi hành động can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào đều làm ảnh hưởng tới tính khách quan của vụ án và đều bị coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên trong hoạt động xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, của bất kỳ ai và phải nắm bắt dư luận xã hội, nhưng khi quyết định, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp của mình, xem xét mọi vấn đề một cách độc lập, không được để cho ý kiến bên ngoài làm ảnh hưởng tới tính khách quan của vụ án.

Những câu chuyện cụ thể trong xét xử thực tiễn ở đây ta không bàn sâu, bởi có thể có vụ việc diễn ra chưa hoàn toàn đạt theo yêu cầu, tuy nhiên tôi tin, công lý và luật pháp Việt Nam luôn dành cho tất cả mọi người, hướng tới những điều tốt đẹp cho nhân dân, đáp ứng những mong muốn cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của từng cá nhân, để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền phát triển bền vững và ổn định./.  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét