Trân Phúc Đông A
Những suy diễn mang tính định kiến,
quy chụp, xuyên tạc bản chất của tham nhũng và chống tham nhũng của Trần Trung Đạo
trong bài viết “Tham nhũng dưới chế độ cộng sản” đăng trên thongluan.net
ngày 15/7/2023 là nhằm mục đích chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội
chủ nghĩa.
Một là, cần phải khẳng định với Trần
Trung Đạo rằng, về lý luận thì tham nhũng gắn liền với quyền lực; ở đâu có quyền
lực thì ở đó có và có nguy cơ xảy ra tham nhũng. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng, thì tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; thời đại nào, chế
độ nào, quốc gia nào cũng có và không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một
thời gian ngắn. Ở Việt Nam, sớm nhận thức rõ tác hại của tham nhũng là một
trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, cho nên, Đảng và Nhà nước đã
chủ trương phòng và đấu tranh chống tham nhũng ngay từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí
Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Trên tinh thần xác định: “Tham
ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính
phủ”[1],
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định “chống
tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc
trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”[2],
mà còn cảnh báo, chỉ ra tác hại của tham nhũng, nguyên nhân của tham nhũng và
biện pháp để phòng, đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả… Tuy nhiên, vì tính chất
phức tạp, gay go, khó lường của tham nhũng khi gắn liền với quyền lực, làm tha
hóa quyền lực cũng như bị quyền lực tha hóa, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở
Việt Nam vẫn đang được tiếp tục đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục, không ngừng,
không nghỉ… gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; và ngày càng đạt được
những kết quả khả quan.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế
công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, thì đa số các nước đang “đứng
yên” tại chỗ trong cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là những quốc phát triển.
Thực tế, trong số 180 quốc gia trong bảng xếp hạng thì có 124 nước không cải
thiện được tình hình tham nhũng và 31 nước có tình trạng tham nhũng tồi tệ hơn.
Chỉ có 24 quốc gia, trong đó có Việt Nam là “có bước tiến trong cuộc chiến chống
tham nhũng trong năm vừa qua”. Điều này có nghĩa là, luận điệu “dưới chế độ cộng
sản tham nhũng mang tính đảng” và diễn giải “tính đảng độc tài chuyên chính” đẻ
ra “tính đảng tham nhũng thối nát” và vì thế “tính đảng tham nhũng thối nát”
không thể nào bị ngăn chặn hay xóa bỏ khi nào “tính đảng độc tài chuyên chính”
còn tồn tại” của Trần Trung Đạo là bịa đặt, là phản động.
Về mặt thực tiễn, ở các quốc
gia theo chế độ đa nguyên, đa đảng đối lập cũng vẫn có tham nhũng; thậm chí một
số nguyên thủ quốc gia như ở các nước Tunisia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippin,
Indonesia, Pakixtan, Brazil… cũng dính vào tham nhũng. Những quốc gia có thể chế
mạnh mẽ và nền dân chủ hoạt động hiệu quả “thường đứng đầu chỉ số”, như “Đan Mạch
với số điểm là 90, Phần Lan, New Zealand bám đuổi sát nút với số điểm 87” cũng
vẫn có tham nhũng. Cho nên, luận điệu “tính đảng độc tài chuyên chính” đẻ ra
“tính đảng tham nhũng thối nát” và từ đó đi đến kết luận “đó là quan hệ nhân quả
giữa “chuyên chính” và “tham nhũng”, và quan hệ đó tồn tại suốt chiều dài của đảng
CS” của Trần Trung Đạo vừa man trá, thâm độc vừa lố bịch, sặc mùi quy chụp, chống
phá chế độ.
Hai là, vì thực tế tham nhũng không phải
chỉ là “sản phẩm” của chế độ xã hội chủ nghĩa, của chế độ một Đảng lãnh đạo như
ở Việt Nam, cho nên luận điệu liệu tham nhũng có thể được “ngăn chặn hay xóa bỏ
dưới chế độ CS hay không” và “câu trả lời đúng theo quy luật xã hội là không” của
Trần Trung Đạo cũng là vớ vẩn, lãng xẹt. Và cũng như vậy, việc Trần Trung Đạo
cho rằng “Lenin xem tham nhũng là kẻ thù số một của chế độ nhưng không diệt được
tham nhũng”; “Nikita S. Khrushchev cũng thề sống chết với tham nhũng nhưng cuối
cùng, một trong những nguyên nhân chính và sâu xa nhất đã nhận chìm chế độ CS
Liên Xô chính là tham nhũng” để đi đến kết luận “một khi toàn bộ đời sống đất nước
đặt trọn trong tay một nhóm người nắm giữ mọi quyền sinh sát, nhóm người đó sẽ
lạm quyền, sẽ tham ô, sẽ tham nhũng, sẽ băng hoại và sẽ thối nát” về thực chất
là nhằm mục đích xuyên tạc và phủ nhận vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị của Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Không chỉ có vậy, Trần Trung Đạo
còn quy kết “tham nhũng ở các nước dân chủ phát xuất từ lòng tham cá nhân và
tham nhũng dưới chế độ CS phát xuất từ hệ thống”, để từ đó đổ lỗi cho thể chế;
cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là do “một chế độ toàn trị tồn tại bằng tuyên
truyền lừa bịp và nhà tù”. Cùng với đó, những luận điệu của Trần Trung Đạo khi
cho rằng Liên Xô, Trung quốc và Việt Nam đều giống nhau ở bản chất là “độc tài
toàn trị”, là “kìm kẹp”, bưng bít “thông tin” và không “minh bạch”; đều có
“tính đảng “độc tài chuyên chính” và “tham nhũng thối nát” quan hệ hữu cơ” với
nhau, cho nên “hậu quả giống nhau không tránh khỏi”, là “không thể khác”… đều
nhằm mục đích dẫn dụ những người “nhẹ dạ cả tin” tin rằng: muốn chống tham nhũng
thì phải xóa bỏ chế độ một đảng; muốn chống tham nhũng triệt để thì phải thực
hiện đa nguyên đa đảng, xã hội dân sự, tam quyền phân lập…
Thâm độc hơn nữa là Trần
Trung Đạo không chỉ phủ nhận những kết quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng
ở Việt Nam, mà còn cho rằng “những kẻ đáng tội hơn không phải Đinh La Thăng, Tất
Thành Cang, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long v.v.. mà là cơ chế CS”. Trong quan
niệm của Trần Trung Đạo thì “cơ chế chính trị CS đã bắc thang cho các cán bộ CS
leo lên đài danh vọng và tạo cho họ cơ hội làm giàu trên sự chịu đựng của nhiều
triệu dân nghèo, của hàng ngàn học sinh mỗi ngày phải lội sông, lội suối đến trường,
của hàng vạn trẻ thơ không áo ấm mùa đông”. Song, Trần Trung Đạo cố tình không
hiểu rằng, cán bộ cũng là một con người. Và, nếu họ không/thiếu/sao nhãng việc
tu dưỡng đạo đức thì rất dễ bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, dễ bị “viên đạn bọc đường”
quyến rũ dẫn đến suy thoái, biến chất, sa ngã. Đinh La Thăng, Tất Thành Cang,
Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long… và ai đó nữa nếu vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật
Đảng, vi phạm pháp luật vì tham ô, tham nhũng cũng đều có nguyên nhân sâu sa là
thiếu tu dưỡng; là để tính cá nhân chủ nghĩa trỗi dậy, lấn át lời thề trước Đảng,
Tổ quốc và Nhân dân, cho nên đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Tuy nhiên, những người đó chỉ là
một bộ phận chứ không phải là toàn bộ cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt
Nam, lại càng không phải là do cơ chế đã “tạo ra” họ. Vì rằng, cũng một cơ chế,
thể chế đó nhưng có biết bao cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu thực hành đạo đức
cách mạng, sống liêm khiết; luôn vì Tổ quốc và nhân dân mà phụng sự hết lòng,
thậm chsi hy sinh cả tính mạng. Cho nên, nói đến tận cùng thì thực chất điều mà
Trần Trung Đạo muốn chính là: Từ việc xuyên tạc bản chất của tham nhũng, quy kết
tham nhũng là do một Đảng lãnh đạo gây ra và chừng nào còn xây dựng chủ nghĩa
xã hội, còn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì chừng đó không thể xóa bỏ được
tham nhũng… để đi đến kết luận là “tham nhũng tại Việt Nam là một loại cỏ
độc ăn sâu trong đất, không thể cắt, không thể nhổ mà phải thay bằng đất mới”.
Dã tâm của Trần Trung Đạo ẩn giấu
sau những luận điệu phản động bàn về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam chính là mong
muốn thay đổi thể chế, cơ chế hiện thời ở Việt Nam; là cổ súy cho cái gọi là có
ngày “chế độ độc tài sụp đổ” và thay bằng “đất mới”- chế độ tư bản chủ nghĩa. Tuy
nhiên, có một sự thật phải nhắc để Trần Trung Đạo hiểu là: Tham nhũng và chống
tham nhũng không phụ thuộc vào thể chế chính trị hay đa nguyên đa đảng mà phụ
thuộc vào bản chất, quan điểm và quyết tâm chính trị của đảng. Thực tế, quan điểm,
chủ trương, quyết tâm chính trị, giải pháp chống tham nhũng và kết quả chống
tham nhũng những nhiệm kỳ gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam là minh chứng sống
động cho thấy rõ dù là một đảng cầm quyền, Việt Nam vẫn có thể phòng, chống
tham nhũng gắn với việc phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội… hiệu quả;
vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sẽ thành công mà không cần
phải đa nguyên đa đảng./.
[1]Hồ
Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.357
[2] Hồ
Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.358
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét