Nhân chuyến thăm Cộng hòa Angola (ngày 14-15/7/2023), ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã trao tặng và dự lễ đặt tượng Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam. Một việc làm đầy ý nghĩa văn hóa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, góp phần giáo dục cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Angola luôn noi gương Hồ Chí Minh, trau dồi đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoàn thành trọng trách giữ mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, mở rộng hợp tác giữa Việt Nam với Angola. Trớ trêu thay, việc làm như vậy lại khiến cho Lê Trung Khoa ngứa mắt, ngứa mồm, lôi ra những chuyện thiêng liêng liên quan đến dựng tượng đài Hồ Chí Minh và tượng đài bất tử ở Việt Nam làm câu chuyện đàm tiếu, xuyên tạc. Lê Trung Khoa tru tréo rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam dựng tượng đài Hồ Chí Minh ở khắp mọi nơi, bỏ tiền tỷ dựng nhiều tượng đài trên khắp mọi miền đất nước, trong khi đó lại bỏ bê việc xây trường, xây bệnh viện (?). Khoa còn hù dọa là trước đây tượng đài của một số lãnh tụ cộng sản từng bị đập phá, “rồi có ngày tượng Hồ Chí Minh cũng sẽ bị như vậy”. Thậm tệ hơn, Khoa còn đem chuyện tượng Hồ Chí Minh không thể so sánh với hình của ông Oa – Sinh -Tơn trong tờ đô la Mỹ, cũng không mạnh bằng đồng bảng Anh.
Đồng tiền, dù của bất kỳ quốc gia nào cũng là một giá trị thiêng liêng của dân tộc đó, nó là biểu trưng cho tính tự chủ về kinh tế. Đồng bảng Anh hay đồng đô la Mỹ dù là biểu trưng của 2 nước có tiềm lực kinh tế hàng đầu thế giới, nhất là đồng đô la của Mỹ được coi là đồng tiền hiện diện cho giá trị thanh toán toàn cầu, nhưng không thể coi đó là giá trị thay thế cho bản mệnh của quốc gia, dân tộc khác. Ngày nay, đồng đô la đang bị lung lay vị thế hơn bao giờ hết, nhất là chịu tác động bởi cuộc chiến tại Ukraine, khi mà đồng Rúp của Nga, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Rupee của Ấn Độ, đồng Ero của cộng đồng châu Âu đang ngày một có xu hướng thoát khỏi sự lệ thuộc của đồng đô la. Đồng tiền Việt Nam có nhiều hình ảnh được đưa vào các mệnh giá, đó đều là những hình ảnh đại diện cho niềm kiêu hãnh dân tộc. Các danh thắng tầm cỡ thế giới, các di tích tiêu biểu, trong đó có hình ảnh Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi nhưng nguồn lực tài chính thì hết sức kiệt quệ, ngân khố trung ương khi về tay nhân dân chỉ vẻn vẹn còn 1.250.000 đồng Đông Dương bằng tiền mặt, trong đó có 58 vạn đồng là tiền hào rách nát, chờ tiêu hủy. Quỹ của Trung ương Đảng lúc bàn giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ còn 24 đồng Đông Dương. Kinh tế cùng kiệt, nạn đói tiếp tục đe dọa, giặc ngoại xâm kéo vào đông nghịt, bè lũ tay sai đục nước béo cò, nạn mù chữ che lấp mặt bằng dân trí. Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã phát động “Tuần lễ vàng”, lập “Quĩ độc lập”, theo đó đồng bào cả nước đã thể hiện tinh thần ái quốc vĩ đại, gom góp vàng bạc, châu báu để cứu nguy tài chính quốc gia, đồng thời ra sức tăng gia sản xuất đẩy lùi nạn đói. Đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, các tầng lớp nhân dân đã đem sức mình vun đắp cho nền độc lập non trẻ. Nhờ vậy, đất nước đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Tiếp đó, người dân yêu nước đã nghe theo lời của Đảng, Bác Hồ cầm súng đứng lên trường kỳ kháng chiến vệ quốc ròng rã 30 năm. Qua gần 40 năm đổi mới, cơ đồ dân tộc đã có được tầm vóc, tư thế như ngày hôm nay, chính là được soi rọi bởi tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, tượng đài hay hình tượng Bác Hồ hoàn toàn xứng tầm là biểu tượng cho ý chí tự lực tự cường dân tộc, là động lực hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường.
Các tượng đài ở khắp mọi miền đất nước cũng là một phần máu thịt trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, không ở nơi đâu lại nhiều tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ như ở Việt Nam, bởi vì dân tộc này dường như không ngơi nghỉ ngọn lửa chiến tranh. Điều đó thể hiện Việt Nam là một dân tộc kiên trung bất khuất, biết giữ nước và dựng nước đi liền với nhau, đạt được tầm văn hóa, văn minh ở mức độ cao, rất đáng trân trọng. Giang sơn gấm vóc dân tộc hôm nay là thành quả ngàn đời dựng xây và bảo vệ. Trong toàn bộ đời sống xã hội, người dân yêu nước dù ở bất kỳ vị trí nào thì cũng luôn biết xả thân vì nước. Những người anh hùng dân tộc chính là những con người xuất thân từ muôn dân, nhưng họ đủ tầm trí tuệ và nhiệt huyết để qui tụ muôn dân, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh bại mọi kẻ xâm lăng và phản quốc. Trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc ở thế kỷ XX, có những người mẹ, người bà đã phải hy sinh tới cả chục người (bao gồm chồng, con, cháu của mình) cho Tổ quốc trường tồn. Trước năm 1975, nước Mỹ đã toan tính đem giá trị dân chủ kiểu Mỹ và sức mạnh đồng đô la Mỹ thay thế giá trị dân tộc Việt Nam ở phía Nam sông Bến Hải. Đã có hàng chục triệu người sống trong chế độ cộng hòa miền Nam Việt Nam lầm tưởng thiên đường dân chủ, tự do, phồn hoa. Máu đã đổ ròng rã 21 năm trời và hận thù dân tộc còn đeo đẳng với một bộ phận người Mỹ gốc Việt đang lưu vong bên kia bờ Đại tây dương. Sau gần nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh, nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại cùng với những người bên kia chiến tuyến đi tìm lại hài cốt của bộ đội Việt cộng từng bị họ giết hại, họ mong trút bớt gánh nặng lương tri. Sự hòa hợp dân tộc và sự hòa giải giữa những người bị coi là xâm lăng với những người vệ quốc thật đáng trân quí. Thế nên, việc dựng tượng đài tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng là điều hiển nhiên trong đạo lý đền ơn đáp nghĩa. Những tượng đài như vậy cũng là để giáo dục thế hệ hiện tại và tương lai phải biết được cái giá máu xương của độc lập, tự do.
Việc ai đó, ở đâu đó có hành vi đập đổ tượng đài các lãnh tụ quốc tế cộng sản thời hậu Xô Viết là một việc làm thiếu văn hóa. Bởi vì, những con người từng một thời có công mở đường đấu tranh chống áp bức cường quyền thì đáng được tôn trọng. Chưa kể, ở nhiều nước châu Âu còn đang xảy ra hiện tượng bài xích cộng sản, đập phá tượng đài chiến thắng phát xít của Hồng quân Liên Xô. Việc đem giá trị đồng đô la chi phối tư duy chính trị, dung dưỡng hận thù dân tộc cũng là một biểu hiện phản văn hóa. Dân tộc Việt Nam tôn vinh các anh hùng dân tộc, trong đó tiêu biểu nhất là Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng với đạo lý làm người và mang tầm văn hóa cao. Những kẻ bán mình cho đồng đô la rồi sẽ có kết cục chẳng tốt đẹp, vì nhãn quan chính trị đã bị đồng tiền làm tha hóa lương tri và phẩm giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét