Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

Ai đang muốn xoá bỏ lịch sử?

 

Từ năm 1975 đến nay, truyền thông phương Tây nói tiếng Việt và các nhóm chống cộng cờ vàng vẫn phủ nhận ý nghĩa của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong mắt họ, Mỹ không đưa quân đến xâm lược Việt Nam, mà chỉ gửi quân để giúp họ chống cộng, là cuộc chiến mang tính ý thức hệ. Nhiều nhóm cờ vàng thậm chí còn tin rằng thực dân Pháp không xâm lược Việt Nam, mà giúp Việt Nam… khai hoá văn minh. Thế là họ lờ đi mọi biểu hiện hiển nhiên của một cuộc xâm lược – như việc thực dân Pháp xử bắn Nguyễn Thái Học và bắt giam Phan Bội Châu, hay việc quân đội Mỹ hậu thuẫn vụ ám sát Ngô Đình Diệm khi Diệm không làm theo ý Mỹ.

Với thái độ như vậy, lẽ ra họ chẳng có tư cách để bàn luận về ngày Thương binh Liệt sĩ của Việt Nam. Nhưng rốt cuộc họ đã làm vậy trong những bài viết kiểu như  “Thương binh, liệt sĩ, cựu binh VN trong cuộc chiến chống Trung Quốc có bị lãng quên?”, được đăng trên trang RFA tiếng Việt hôm 27/07. Sau khi phỏng vấn một “biểu tình viên” No-U từng chiến đấu trong Chiến tranh Biên giới phía Bắc, RFA kết luận:

“Truyền thông chính thống của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu ngày 27/07 (Ngày thương binh, liệt sĩ) năm nay với nhiều điểm nhấn đặc biệt vào hai cuộc ‘kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ’, và dường như thiếu vắng việc nhắc đến những sự kiện về các liệt sĩ, thương binh, cựu binh của Việt Nam đã đổ máu, chiến đấu trong giai đoạn cuộc chiến tranh chống Trung Quốc ở Biên giới phía Bắc (02/1979, cũng như ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang và các nơi khác).”

Khi trả lời phỏng vấn, Ngô Nhật Đăng than phiền rằng chính phủ Việt Nam đã lãng quên các cựu binh trong Chiến tranh Biên giới phía Bắc, cả về mặt tri ân lẫn mặt đãi ngộ, và cho rằng đây là một sự bất công. Ông Đăng cũng nói rằng chính phủ đang tránh nhắc đến cuộc chiến, khiến nó bị lãng quên khỏi lịch sử, và khiến người dân không nhận thức được mối đe doạ từ Trung Quốc đối với chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Ngay sau đó, các trang chống cộng đã cóp nhặt những lời này của Ngô Nhật Đăng, để tuyên truyền rằng chính phủ Việt Nam đã “quy phục” Trung Quốc, nên “che giấu” lịch sử về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung.

Nhưng mỉa mai thay, bất cứ ai biết tra Google đều có thể nhìn thấy một thực tế ngược lại.

Vừa mở chuyên trang “Ngày Thương binh Liệt sĩ” của báo Nhân Dân, người ta lập tức thấy bài viết “Trở lại Vị Xuyên thăm chiến trường ác liệt năm xưa” nằm ở vị trí trang trọng, dành cho các bài tiêu điểm. Đây là phóng sự được viết bởi một cựu chiến binh về thăm chiến trường cũ Vị Xuyên nhân ngày 27/07. Những khung cảnh ác liệt và đau thương, để lại sang chấn mà Ngô Nhật Đăng nhắc đến – như những “đồi thịt băm” hay những ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ – đều được mô tả trong phóng sự này. Và nhìn những lễ tưởng niệm có hàng nghìn người tham dự, những cột báo dày đặc mục bài về Chiến tranh Biên giới Việt-Trung và trận Gạc Ma vào mỗi dịp tháng 2, tháng 3 hằng năm, không ai có thể nói rằng chính phủ Việt Nam đang cố xoá lịch sử về cuộc chiến.


Trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ vừa qua, các cấp chính quyền cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tri ân những người từng chiến đấu trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Ngày 26/07, tỉnh Hà Giang đã tổ chức trang trọng Lễ truy điệu, nhằm đưa hai hài cốt liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Chính quyền nhiều địa phương lân cận, như tỉnh Yên Bái, cũng cử người đến dâng hương tưởng niệm tại Vị Xuyên. Dường như Ngô Nhật Đăng và các nhà chống cộng khác đã tự thu mình vào đáy giếng, ngưng tiếp nhận thông tin từ các bộ phận khác của xã hội Việt Nam, để rồi không biết đến những hoạt động tưởng niệm vừa kể.

Và nếu các nhóm cờ vàng đã nhắc đến ngày Thương binh Liệt sĩ, thì họ nghĩ sao về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ? Họ có tiếp tục phủ nhận chúng, lờ đi chúng, làm như thể chúng chưa tồn tại, bất kể những vụ thảm sát mà Pháp và Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam hay không? Nếu họ vẫn làm như vậy, thì ai mới là người đang tìm cách xoá bỏ lịch sử, vì đã quy phục các thế lực nước ngoài?

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét