Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

Đừng chọc gậy vào quan hệ Việt Nam - Campuchia

 


Cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII ở Campuchia đã kết thúc với thắng lợi áp đảo của Đảng CPP do Thủ tướng đương nhiệm Hun Sen đứng đầu; và người được kế nhiệm sẽ là ông Hun Manet (con trai ông Hun Sen). Trước kỳ bầu cử này, nhiều trang mạng xã hội đen (nổi lên là BBC New tiếng Việt, RFA, VOA, THOIBAO.DE…) đã hóng chuyện và đưa ra nhiều bình luận, thậm chí còn đóng vai “gia cát dự” rung cây dọa khỉ, rằng: sẽ có nội chiến ở xứ Chùa Vàng; nội các mới ở Campuchia sẽ ngả về Mỹ, thân Trung Quốc, xa lánh Việt Nam(???). 

Mới đây, trên Thoibao.de, với lời bình của Kim Vũ, cư dân mạng lại hồ nghi câu chuyện vốn đã cũ mèm, song luôn được khới đi khới lại trong mánh khóe châm chọc mối quan hệ Việt Nam – Campuchia. Theo đó, Kim Vũ hồ đồ đại thể rằng, không biết khi ông Hun Manet nắm quyền thì Việt Nam sẽ phải chiều lòng Campuchia những gì mới có thể “lôi kéo” được Campuchia về phía mình. Có 3 vấn đề mà Kim Vũ coi là vướng mắc lớn ảnh hưởng tới quan hệ Việt – Cam, đặt ra thách thức với ông Hun Manet: vấn đề cắm mốc biên giới, vấn đề cuộc chiến năm 1979, vấn đề người Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống ở Campuchia. Kim Vũ nói vấn đề thương thuyết về cắm mốc biên giới vẫn gieo nhiều hoài nghi trong chính trường Campuchia, có một phe phái đối lập với ông Hun Sen từng tố cáo ông này “phạm tội” để cho Việt Nam cắm mốc “lấn chiếm đất” của Campuchia.

Còn vấn đề lịch sử đã rõ mười mươi, nhưng Kim Vũ vẫn làm ngơ như là đứng ngoài lề lịch sử chính trị, vẫn nhắc lại quan điểm coi cuộc chiến năm 1979 là sự “xâm lược” của Việt Nam. Kim Vũ còn nói thêm có một vấn đề gây “đau đầu” cho ông Thủ tướng mới của Campuchia là giải quyết vấn đề người Việt Nam sang làm ăn, sinh sống và định cư ở Campuchia. Cả 3 vấn đề nêu trên đều có lịch sử sâu xa của nó. Trước hết về cuộc chiến năm 1979, đến nay sau hơn 1/3 thế kỷ, các tổ chức quốc tế và dư luận thế giới đã nhận đúng bản chất diệt chủng man rợ thời hiện đại ở Campuchia, thấy được tính chính nghĩa của Việt Nam, nhất là Tòa án quốc tế đã xét xử bọn Khơme đỏ, bọn trùm sỏ chế độ diệt chủng đã phải cúi đầu nhận tội. Người dân yêu nước chân chính ở Campuchia đã đặt tên cho quân tình nguyện Việt Nam là “đội quân Nhà Phật”, được đức Phật thả xuống cứu người dân vô tội thoát khỏi họa diệt chủng. Tượng đài ghi công và tưởng niệm bộ đội Việt Nam trên đất Capuchia là minh chứng cho tình hữu nghị được vun đắp bằng xương máu vô giá biết nhường nào. 

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng để hồi sinh, Thủ tướng Hun Sen đã cho ra mắt phim tư liệu phản ánh về những ngày đen tối nhất của Campuchia và con đường cứu nước của ông. Cũng nhân dịp này, hai bên Việt Nam – Campuchia đã cho mở tuyến đường lịch sử mà ông Hun Sen từ đất mẹ sang cầu cứu Việt Nam, rồi từ Việt Nam trở về giải phóng đất mẹ. Đấy là những nhân chứng sống phủ quyết luận điểm cho rằng Việt Nam xâm lược và chiếm đóng Campuchia. Vấn đề biên giới giữa 2 nước, về cơ bản đã thống nhất được nguyên tắc chung và xác định cương giới giữa hai nước, quá trình đàm phán để xác định vị trí cắm mốc, tiến hành cắm mốc, phải được làm hết sức cẩn trọng, vì không chỉ căn cứ vào các điều kiện cư dân mỗi nước đang làm ăn sinh sống, mà còn phải dựa vào các cứ liệu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán riêng có của mỗi nước. Khi cột mốc đã được cắm, thì từng cột mốc đều mang giá trị thiêng liêng chủ quyền quốc gia của từng nước. Mốc giới đường biên giữa Việt Nam với các nước láng giềng phải là mốc giới hòa bình hữu nghị. Có điều mà các trang mạng đen không nhận thức đầy đủ là, dù chính quyền nào, dù cá nhân nào cầm quyền ở Campuchia thì cũng không thể đảo ngược tình thế, không thể đổi trắng thay đen lịch sử. Campuchia muốn giữ được ổn định, hòa bình để phát triển thì họ phải giữ được quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam là một láng giềng đặc biệt, từng đem xương máu của mình để cứu bạn, coi việc giúp bạn là tự giúp mình. Nếu ai đó phủ nhận lịch sử, trước hết họ sẽ phải hứng chịu búa rìu dư luận của người dân yêu nước chân chính trên đất nước xứ Chùa Vàng. 

Vấn đề người Việt Nam hiện đang sinh sống, làm ăn trên đất Campuchia (ý nói một bộ phận cư dân di cư tự do, chưa được nước sở tại cấp phép định cư hợp pháp) thì các cơ quan ngoại giao nhà nước sẽ phải có nhiều diễn đàn thương thuyết mới có thể tháo gỡ. Công tác bảo hộ người Việt tại Campuchia chắc chắn luôn là mối quan tâm của Nhà nước Việt Nam. Trong khi chờ đợi, khuyến nghị bà con người Việt đang làm ăn sinh sống trên đất Campuchia phải chấp hành luật pháp nước sở tại. Kiến nghị Thủ tướng và nội các sắp ra mắt ở Campuchia cần chỉ đạo các cấp chính quyền ở Campuchia cần quan tâm tới việc tuyên truyền, có cơ chế bảo vệ người Việt đang sinh sống trên đất bạn.

Mới đây, nhân cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Hun Sen. Ông Hun Sen đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn đối với Campuchia từ trước tới nay. Ông cũng khẳng định rằng, các nhà lãnh đạo của Campuchia trong nhiệm kỳ mới với sự đứng đầu của đại tướng Hun Manet sẽ tiếp tục gìn giữ, vun đắp mối quan hệ truyền thống giữa hai nước ngày càng phát triển. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, dù có ai đó, thế lực nào đó chọc gậy bánh xe chính trị thì cũng chẳng thể đảo ngược xu thế hợp tác toàn diện, hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi của hai nước Việt Nam và Campuchia. /.

 Minh Thanh

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét