Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2023

Xin lỗi! Bôi nhọ tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam ư?! - Không có cửa đâu!

 

Kiên quyết đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo ở Việt Nam
để phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

Gần đây trên các trang mạng xã hội thường xuyên vin vào một số vụ việc, hiện tượng để đăng tải các bài viết xuyên tạc về tự do tôn giáo để chống phá, gây mất đoàn kết nội bộ dân tộc, trên trang Tiếng Dân News có bài với nhan đề: “Đảng Cộng sản Việt Nam và Tà thuyết đấu tranh tôn giáo”, trong đó tác giả cho rằng ở Việt Nam “Phật giáo luôn được ưu tiên, các cơ sở tôn giáo, thờ tự và số lượng Phật tử trên cả nước ngày một tăng trong khi đạo Công giáo, Tin lành luôn bị cản trở sự phát triển…” đây là những nhận định, những xảo biện không có căn cứ, nhằm mục đích gây rối loạn lòng dân, hòng làm giảm và đánh vào niềm tin của nhân dân dành cho Đảng và hệ thống chính trị của chúng ta.

Đã từ lâu, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo và ban hành những chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và Hiến pháp, pháp luật. Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những quan điểm nhất quán này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013. Trong các văn kiện của Đảng luôn nhất quán quan điểm: Tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Một dấu mốc quan trọng phải kể tới nữa, đó là ngày 18/6/2004, Chủ tịch nước đã ký ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Tiếp tục thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, Luật Tín ngưỡng tôn giáo được Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 2 năm 2016 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là sự cụ thể hóa quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo, thể hiện nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Những nội dung mới của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng được bổ sung để tạo sự tương thích với luật pháp quốc tế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, ký kết và thi hành nhiều hiệp định. Từ những chủ trương nhất quán này, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Tất cả những quyền của người dân về tôn giáo đều được Nhà nước Việt Nam quy định rõ từ việc quản đạo, hành đạo, truyền đạo… Nơi thờ tự của các tôn giáo được luật pháp Việt Nam bảo vệ. Tất nhiên, pháp luật Việt Nam cũng quy định việc thành lập tổ chức tôn giáo phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức, văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Ngoài ra trong các chỉ thị, nghị quyết tiếp theo, tư duy lý luận của Đảng về vấn đề tôn giáo tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX đã tổng kết và phát triển tư duy lý luận của Đảng về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo đó, nhận thức mới về vấn đề tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”.

Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật”. Tại Đại hội lần thứ XIII, quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi thời kỳ cách mạng về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng được tiếp tục khẳng định, nhưng cũng có quan điểm, chủ trương được bổ sung, phát triển phù hợp với giai đoạn hiện nay, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên cần nhận thức và thực hiện.

Thực tế cũng cho thấy, trong giai đoạn 2003 đến nay, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể, phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Qua thống kê cho thấy, năm 2003 cả nước có 06 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Đến năm 2022, Nhà nước ta đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với khoảng 27 triệu tín đồ, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự…

Thực tế các hệ thống văn bản pháp luật, các chính sách về dân tộc và tôn giáo với những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam cho thấy bài viết trên đã trắng trợn bóp méo, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm kích động gây mâu thuẫn, xung đột, chia rẽ tình đoàn kết giữa các tôn giáo. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quan điểm, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và tôn trọng tất cả các tôn giáo cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động và phát triển./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét