Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Lại một đám “ngưu tầm ngưu” diễn trò “phong thánh”

 



Đọc bài viết “Với đất nước và dân tộc này họ hoàn toàn vô tội” của một “chú ngựa non háu đá” có tên Phạm Minh Vũ nhằm “phong thánh” cho mấy kẻ vi phạm pháp luật về những hành vi chống phá Đảng, Nhà nước và sự yên bình của nhân dân Việt Nam, làm người ta nhớ đến câu thành ngữ mà người Việt Nam ai cũng biết: “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Nó hàm chỉ những kẻ xấu thường hay tìm đến những kẻ xấu khác để cùng giao du hay mưu đồ làm những việc mờ ám, hại đời, hại người.

Theo quan điểm cá nhân của tôi cho rằng, họ là tầng lớp tinh hoa của đất nước” đó là lời “phong thánh” chung của Phạm Minh Vũ dành cho Phạm Thị Đoan Trang, Đỗ Nam Trung, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm. Dù 4 cái tên này không còn xa lạ gì với cộng đồng mạng và cơ quan bảo vệ an ninh của đất nước, nhưng cũng thấy cần dựng lại chân dung những kẻ này để xem đám trâu ngựa này gọi nhau là “tinh hoa đất nước” như thế nào?

Trước hết, Phạm Minh Vũ-kẻ phong thánh cho bốn kẻ kia, từ một sinh viên vô kỷ luật trượt dài trên hành trình phạm tội. Phạm Minh Vũ sinh năm 1992, tại Quảng Trị, từng là sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình 1 tại tỉnh Hà Nam nhưng bị đuổi học vì những hoạt động tội lỗi, đi ngược lại những quy định của nhà trường, thường truy cập vào những trang phản động và bị tiêm nhiễm những tư tưởng chống đối, rồi tham gia vào tổ chức phản động “Hội anh em dân chủ” của Nguyễn Văn Đài, tham gia điều hành trang phản động của tổ chức này và liên kết với các đối tượng Đỗ Nam Trung, Lê Thị Phương Anh tham gia vào các hoạt động tụ tập đông người, tuần hành gây rối an ninh trật tự. Phạm Minh Vũ nhận tiền của tổ chức phản động này để thu thập tài liệu, biên soạn bịa đặt, kích động và kêu gọi công nhân trong các khu công nghiệp nghỉ việc, tụ tập biểu tình phá rối an ninh trật tự tại các tỉnh phía Nam. Phạm Minh Vũ đã sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook để phát tán 174 trang tài liệu có nội dung đả kích chế độ, kích động biểu tình, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Phạm Minh Vũ đã bị khởi tố, điều tra theo Điều 258, Bộ luật Hình sự, sau đó đã bị tòa tuyên phạt 18 tháng tù giam về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước. Sau khi ra tù, không chịu hoàn lương, Phạm Minh Vũ tiếp tục có nhiều hoạt động chống phá Việt Nam. Lo sợ bị bắt, Phạm Minh Vũ đã trốn ra nước ngoài và tiếp tục xuyên tạc, bôi nhọ quê hương, đất nước trên các trang mạng xã hội.

Vậy chân dung của những kẻ được Vũ “phong thánh” và gọi là “tinh hoa của đất nước” thì thực tế ra sao?

Thứ nhất, Phạm Đoan Trang, trước khi được Phạm Minh Vũ “phong thánh”: “cuộc đời chị đã hoàn toàn dâng hiến cho đất nước, dân tộc này”, thì Phạm Đoan Trang còn được nhận nhiểu “danh hiệu” khác do các thế lực thù địch, những con buôn chính trị khoác áo dân chủ nhân quyền gán cho. Thực sự đây là một đám “ngưu tầm ngưu”. Phạm Đoan Trang sinh năm 1978 tại Hà Nội, trong một gia đình nền nếp, bố mẹ và các anh trai của Trang đều là cán bộ nhà nước. Bản thân Trang cũng được ăn học đến nơi đến chốn. đã học Đại học Ngoại thương Hà Nội; là phóng viên và cộng tác viên của một số báo.  Đến tháng 1/2013, Trang là phóng viên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội, xuất cảnh đi Philippines không xin phép nên bị kỷ luật buộc thôi việc. Sau khi trở về nước, Phạm Thị Đoan Trang trở thành “người bất đồng chính kiến”, là một trong những đối tượng cầm đầu nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam”, có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “VOICE”, thường xuyên cấu kết với các phần tử chống đối, phản động trong và ngoài nước; các hội, nhóm chống đối sử dụng chiêu trò “phản biện xã hội” để xuyên tạc, kích động, cổ súy các hành vi chống đối, biểu tình, vi phạm pháp luật nhằm chống Đảng, Nhà nước. Ả ta còn viết hàng trăm tài liệu nội dung xuyên tạc, phản động; thực hiện trên 50 lượt trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài; viết, tán phát 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, kích động lật đổ chế độ. Phạm Thị Đoan Trang là một trong những đối tượng được các thế lực thù địch bên ngoài hậu thuẫn mạnh mẽ nhất. Năm 2017, Trang được trao tặng cái gọi là giải thưởng nhân quyền Homo Homini; năm 2019 được Tổ chức phóng viên không biên giới – RSF đề cử giải thưởng tự do báo chí. Chính vì thế ngay sau khi Phạm Thị Đoan Trang bị bắt, các tổ chức mang danh nhân quyền, tự do này đã lập tức giở lại các chiêu bài cũ, kêu gào, lên tiếng đòi trả tự do cho đối tượng này. Với hành vi vi phạm pháp luật, ngông cuồng chống phá Đảng và Nhà nước như vậy, pháp luật xử lý nghiêm minh với kẻ này là hoàn toàn đúng, sao có thể xem thị là “tinh hoa của đất nước” được?

Thứ hai, Đỗ Nam Trung sinh năm 1979 tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Đây cũng có thể xem là một nhân vật “cộm cán” trong làng dân chủ rởm, với nhiều hành vi vi phạm pháp luật, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Tháng 1/2011, đối tượng Đỗ Nam Trung từng bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xử phạt 9 tháng tù giam vì đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Đỗ Nam Trung nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của những đối tượng xấu, rồi mời Trung tham gia làm quản trị viên cho trang mạng “Hội yêu nước” và đặt cho Trung một nickname mới là “Trung Nghĩa”. Đến năm 2014 bị Toà án tỉnh Đồng Nai tuyên án 14 tháng tù giam về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 Bộ luật Hình sự năm 1999. Trong tài khoản facebook, có 362 trang tài liệu nội dung xuyên tạc, vu khống đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Đỗ Nam Trung được các tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài, các thế lực thù địch móc nối, tung tin bịa đặt, vu khống, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Thứ ba, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm cùng trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội. Nực cười cho cái gọi là “tinh hoa của đất nước” này đều chưa học hết phổ thông và trước khi phạm tội cũng chưa từng bước ra khỏi lũy tre làng. Lợi dụng mạng xã hội Facebook, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thực hiện việc phát trực tiếp các video, đăng tải các bài viết, chia sẻ trên tài khoản cá nhân, xuyên tạc, bịa đặt tình hình diễn ra tại Đồng Tâm, phỉ báng chính quyền nhân dân, kích động nhân dân chống đối chính quyền, thóa mạ, hạ uy tín lực lượng chức năng, xúc phạm uy tín danh dự của người khác, gây hoang mang trong nhân dân, nhằm mục đích chống phá Nhà nước. Vào tháng 12/2021, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Bá Phương 10 năm tù và Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Sau đó, 2 bị cáo có đơn kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Tâm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Trên cơ sở các tài liệu, kết luận giám định, lời khai, diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, việc Tòa sơ thẩm tuyên 2 bị cáo là có đủ căn cứ, đúng người, đúng tội, không oan. Tòa phúc thẩm tuyên giữ nguyên hình phạt sơ thẩm đối với 2 bị cáo: Trịnh Bá Phương 10 năm tù và Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù. Ngoài hình phạt tù, tòa còn tuyên phạt quản chế bị cáo Phương 5 năm, quản chế bị cáo Tâm 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Như vậy, kẻ phong thánh Phạm Minh Vũ và bốn kẻ được Phạm Minh Vũ phong thánh đều có quá trình sa ngã, dần trượt từ một công dân thành những kẻ phá hoại đất nước. Chúng giống hệt nhau ở sự háo danh, hám tiền và ngông cuồng, ảo tưởng, chính vì vậy chúng tâng bốc, cổ súy cho nhau là điều dễ hiểu và cũng rất nực cười. Chúng thực sự là đám “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” vậy!

 

Võ Minh Quân

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét