Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Cái trò suy diễn hòng nói xấu công tác cán bộ của Đảng

 



Xung quanh chuyện nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước ta vừa diễn ra, trên mạng xã hội đang xuất hiện những ý kiến hòng đòi làm nhân sự của Đảng. Họ cho rằng, hai Phó Thủ tướng thôi giữ chức vụ nghỉ theo chế độ là đấu đá nội bộ, bổ nhiệm hai Phó Thủ tướng là chọn người cùng phe cánh để cất nhắc(!). Đó là trò suy diễn hòng nói xấu công tác cán bộ của Đảng.

Họ cho rằng, do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng du học các nước phương Tây, nên không được trọng dụng. Vì Đảng sợ các ông đi theo con đường TBCN. Đúng là hai ông đã từng học ở các nước tư bản, nhưng không phải vì thế mà không trọng dụng!

Ông Phạm Bình Minh sau khi đã học một số trường trong nước, đi du học. Năm 1994, ông tốt nghiệp thạc sĩ Luật và Ngoại giao tại Trường Luật Quốc tế và Ngoại giao Fletcher trực thuộc Đại học Tufts, ông thuộc lớp sinh viên đầu tiên qua Mỹ học dưới sự tài trợ của học bổng Fulbright.

Ông Vũ Đức Đam được Nhà nước cử đi du học tại Université Libere de Bruxenlles, Thành phố Bruxelles, Vương quốc Bỉ (năm 1982), hoàn thành chương trình học tập năm 1988.

Họ cho rằng, vì ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam đã từng học các nước tư bản nên không được trọng dụng là không khách quan, là suy diễn theo chủ ý xấu. Thực tiễn cho thấy, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng du học Mỹ. Năm 1993, ông sang Mỹ du học chương trình Thạc sĩ Quản trị Công cộng, chuyên ngành Tài chính công, tại Viện Đại học Oregon, theo chương trình học bổng Fulbright.

Từ năm 1995 đến 2012: Ông Nguyễn Thiện Nhân đã học 4 khóa đào tạo khác nhau tại Đại học Harvard (Mỹ) như: khóa đào tạo Chuyên gia Thẩm định Dự án Đầu tư tại Đại học Harvard… nhưng ông ấy vẫn được trọng dụng, giữ nhiều cương vị khác nhau. Ông Nguyễn Thiện Nhân từng giữ chức Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006 – 2010); Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2013 – 2017); nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa X (1997 – 2002), khóa XII (2007 – 2011) và khóa XIII (2011 – 2016), khóa XIV (2016 – 2021) và hiện là Đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 – 2026).

Điều đó cho thấy, họ nói ông Phạm Bình Minh, ông Vũ Đức Đam do Tây học nên không được trọng dụng, vì Đảng sợ các ông “chệch” định hướng XHCN là dựng chuyện, là suy diễn theo chủ ý xấu của họ. Hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam thôi giữ các chức vụ trong Đảng, Nhà nước là theo nguyện vọng cá nhân. Bởi xét một cách khách quan, ít nhiều các ông có liên đới trách nhiệm để xảy ra tiêu cực ở lĩnh vực do mình phụ trách. Ông Phạm Bình Minh để xảy ra vụ việc tiêu cực ở Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), ông Vũ Đức Đam để xảy ra vụ việc Việt Á. Trong khi Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/01/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Trong đó, từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được nhân dân đánh giá cao, nên đã dành được nhiều tình cảm của nhân dân, việc hai ông thôi giữ các chức vụ đã tạo nên nhiều tiếc nuối trong dân chúng. Nhưng vì để xảy ra tiêu cực ở lĩnh vực mình phụ trách mà hai ông có nguyện vọng thôi đảm nhiệm chức vụ lại càng được nhân dân đánh giá cao. Việc làm này của hai ông đã thể hiện trách nhiệm rất cao trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nên được nhân dân dành cho nhiều tình cảm hơn. Điều đó chứng tỏ, hoàn toàn không có chuyện “đấu đá nội bộ”, để “thanh chừng những người cấp tiến” như họ rêu rao.

Tương tự như vậy, việc Trung ương và Thủ tướng Chính phủ giới thiệu với Quốc hội bầu ông Trần Hồng Hà (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Trần Lưu Quang (Bí thư thành phố Hải Phòng) giữ chức Phó Thủ tướng cũng không phải chọn cánh hẩu, phe cánh. Bởi công tác cán bộ là công tác của tập thể cấp ủy.

Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; trong đó, nêu rõ 02 nguyên tắc quản lý đội ngũ cán bộ. Nguyên tắc thứ hai xác định: Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Cụ thể, những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật cán bộ phải do cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo có thẩm quyền thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số.

Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện quyết định của tập thể về cán bộ, công tác cán bộ trong phạm vi được phân công phụ trách.

Cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng; cấp ủy cấp dưới phải chấp hành quyết định của cấp ủy cấp trên về cán bộ và công tác cán bộ.

Như vậy, rõ ràng công tác cán bộ là của tổ chức đảng, của tập thể, nên việc cho thôi giữ các chức vụ của ông Phạm Bình Minh, ông Vũ Đức Đam và các ông Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang được Quốc hội phê chuẩn đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2016 hoàn toàn không có chuyện “đấu đá nội bộ” hay chọn “cánh hẩu”, “phe cánh” như họ cáo buộc. Vậy nên, thôi ngay trò suy diễn hòng nói xấu công tác cán bộ của Đảng./.

N.V

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét