Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Trơ trẽn và lố bịch

 


Ngày 11/10/2022, Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên hợp quốc nhiệm kỳ  2023 – 2025 đến nay vẫn tạo sự hậm hực của những người có thâm thù, chống đối chế độ ta. Trang Việt Tân, ngày 02/01/2023 với bài viết: “Việt Nam được bầu vào HĐNQ Liên hợp quốc không có nghĩa là đã mặc được một chiếc áo giáp nhiệm màu”. 

Việc trở thành thành viên HĐNQ Liên hợp quốc nhiệm kỳ  2023 – 2025, Việt Nam luôn nhận thức cần thực thi quyền con người ngày càng tốt hơn trên bình diện quốc gia và đóng góp cho vấn đề này trên bình diện quốc tế, không cần đến lời “nhắn nhủ” của Việt Tân. Lời “nhắn nhủ” đó chưa phải là điều đáng nói, mà thái độ hậm hực khi họ viết rằng: “Cộng sản Việt Nam được bầu vào HĐNQ Liên hợp quốc, đây có thể nói là một hành động phỉ báng nghiêm trọng đối với những người trân quý những giá trị của nhân phẩm và nhân quyền tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung”(!) mới là điều đáng nói. Đó là thái độ đòi dùng “bàn tay che cả mặt trời”. Một tổ chức tự xưng, tự lập không ai công nhận lại phủ nhận kết quả của một tổ chức của thế giới là Đại hội đồng Liên hợp quốc thì thật là Việt Tân đã không biết mình là ai. Đúng là “Đũa mốc chòi mâm son”. Đáng ra, Việt Tân phải biết xấu hổ khi không thừa nhận kết quả bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhưng các dây thần kinh xấu hổ, liêm sỉ của Việt Tân đã bị trơ lâu rồi, không còn hoạt động nữa nên mới phát biểu liều mạng như vậy. Bởi, Việt Tân đã bất chấp thực tế thực thi nhân quyền ở Việt Nam được các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về Phát triển con người toàn cầu 2021-2022, đánh giá, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thực hiện tốt việc đảm bảo quyền con người. Chỉ số phát triển con người tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, lên thứ 115 năm 2021. Về chỉ số phát triển giới, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia, nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất toàn cầu. Với những thành tựu và kinh nghiệm thực tế có được sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp tục thể hiện trách nhiệm, góp phần thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở khu vực và quốc tế.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây đã đánh giá: “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới”. 

Ông Jean-Pierre Archambault, nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp – Việt cho rằng: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”.

Bà Caitlin Wiesen, nguyên trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đã có nhiều ấn tượng về Việt Nam, nhất là công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tình trạng nghèo cùng cực tại Việt Nam đã giảm từ tỷ lệ cao nhất khoảng 40% ở những năm 1990 xuống dưới 5% vào năm 2020. Đó chính là sự thay đổi phi thường. Đồng thời, Bà cũng đánh giá rất cao những thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bà nói: “Chính phủ Việt Nam đã nhận được đánh giá cao của người dân và cộng đồng quốc tế vì đã chủ động dự báo được tình hình đại dịch, nhanh nhạy và thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong việc kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, các biện pháp nhanh chóng và minh bạch với ưu tiên hàng đầu là an toàn của người dân được coi là những yếu tố then chốt củng cố niềm tin và sự ủng hộ của người dân với chính phủ và các nhà lãnh đạo”. 

Ông Hervé Conan (Giám đốc quốc gia  Cơ quan Phát triển Pháp) rất ấn tượng về những thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Ông nhận xét: “Hình ảnh của người phụ nữ hiện nay hoàn toàn khác với hình ảnh cách đây 30 năm, vốn luôn gắn liền với công việc bếp núc và chăm lo nhà cửa. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Việt Nam cũng cho thấy vai trò rất tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới trên thế giới khi là một trong những nước đầu tiên thông qua Công ước về cấm mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ cách đây hơn 40 năm và sau đó là Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995”. 

Bà Phạm Thu Ba – Quyền Trưởng đại diện, Tổ chức PLAN tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi thực sự vui mừng khi Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ về chỉ số phát triển giới. Điều đó thể hiện được sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn 2021 – 2030 nhằm mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội, để phụ nữ và nam giới tham gia thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Các thành viên Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) cũng hoan nghênh những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo các quyền trẻ em, đặc biệt là việc xây dựng và cải thiện, sửa đổi luật pháp của Chính phủ khi ban hành luật trẻ em 2016 thay thế luật chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em năm 2004.

Thế nhưng, bất chấp thực tế khách quan đó, Việt Tân vẫn hậm hực việc Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm thành viên HĐNQ Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Từ đó, họ kêu gọi đồng bọn: “Khiếu kiện nghiêm túc và kết quả là điều kiện thiết yếu để dẫn tới cuộc bầu phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc như đã làm đối với hai thành viên Lybia và Nga (đưa hai nước này ra khỏi HĐNQ)” thì thật là trơ trẽn và lố bịch./.

 Phù Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét