Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Họ phủ nhận đạo đức cách mạng

 GS,TS Đàm Đức Vượng



Trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì có một số người phản ứng lại, nói rằng, “sự sinh đạo tặc tràn lan trong giới tinh hoa của Mafia bắt người từ người khai sinh ra Đảng” (ý nói Chủ tịch Hồ Chí Minh). Có bài nói rằng, “đạo đức Hồ Chí Minh chẳng qua chỉ là đạo đức phong kiến Khổng Tử”. “Đạo đức cách mạng là ở trên trời sa xuống, không có trong thực tế”… Đó là những luận điệu sai trái. Rõ ràng, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng nhiều phương tiện, nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đánh vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vào chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, vào nền tảng đạo đức cách mạng của Việt Nam…

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, đạo đức của chúng ta là đạo đức cách mạng. Có mặt gì tiếp thu được ở tiến bộ Nho giáo, thì cũng là tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, cũng là đạo đức cách mạng.

Người viết nhiều tác phẩm bàn về đạo đức cách mạng, trong đó phải kể đến tác phầm “Sửa đổi lối làm việc” (1947 – ký tên XYZ) và tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (1958 – ký tên Trần Lực). Đó là những tác phẩm chỉ giáo cho chúng ta con đường đi tới đạo đức cách mạng.   

Chúng ta “làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ”1. “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”2. Người luận rằng, sinh trưởng trong một xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen… Vết tích xấu xa nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ có dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng, xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”3. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần thì hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững ý chí chiến đấu và tinh thần gian khổ. Họ “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”4, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, địa vị, không quan liêu, không kiêu ngạo. Đó cũng là một biểu hiện của đạo đức cách mạng.

Tóm lại, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là:

“Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

Ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí minh tiến bộ”5.

“Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”6.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cách mạng phải thấy rõ điều đó và đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân để hết lòng hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và cho toàn thể nhân dân lao động, vì ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy, đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định số đông cán bộ, đảng viên ta làm đúng như thế. Nhưng cũng có một số không làm đúng, để cho chủ nghĩa cá nhân thâm nhập. Họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn công tác theo ý thích của cá nhân mình, không muốn làm công tác mà Đảng và tổ chức giao cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị giảm sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng giám sút.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì những thắng lợi mà chúng ta đã đạt được mới chỉ là bước đầu trên đường đi muôn dặm. Chúng ta phải tiến lên, cách mạng phải tiến lên. Nếu không tiến, tức là thoái, và nếu thoái thì thắng lợi đã đạt được sẽ không thể củng cố và phát triển. Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh phải lâu dài và gian khổ, vì còn có kẻ địch chống lại cách mạng. Người nhận định kẻ địch gồm có ba loại: kẻ địch thứ nhất là chủ nghĩa tư bản, đế quốc và phản động là kẻ địch rất nguy hiểm; kẻ địch thứ hai là thói quen và lạc hậu cũng là kẻ địch to, nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ, do đó, chúng ta phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận và rất lâu dài; kẻ địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, nó chờ dịp để ngóc đầu dậy, là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia. Vì vậy, đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải kiên quyết đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu đầu hàng. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng.

Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Một khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng.

Đạo đức cách mạng là hòa mình với nhân dân thành một khối, tin nhân dân, hiểu nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân; lời nói và việc làm của người cán bộ và đảng viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết nhân dân chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên nhân dân hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, học chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. “Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”7.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng là cái gì rất thực tế. “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện, bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”8.

Con người ta “có gì sung sướng, vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”9.

Người rất mong các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng đều cố gắng, đều tiến bộ.

Đó là những nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những người xuyên tạc và làm méo mó đạo đức cách mạng là người đó đi ngược dòng lịch sử, cần phải phê phán.

——

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.601.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.601.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.602.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.603.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.603.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.604.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.611.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.612

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.612

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét