Kết quả cuộc bỏ
phiếu tín nhiệm đối với 44 cán bộ cấp cao tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn
ra ngày 25/10/2023 vừa qua, được dư luận xã hội trong nước và quốc tế rất quan
tâm và đánh giá là tích cực. Ấy vậy mà những “cái lưỡi không xương” vốn quen chọc
ngoáy, lại thiên thẹo cho rằng, những người được phiếu tín nhiệm cao đều là những
vị giữ chức vụ cao nên người bỏ phiếu có sự nể nang; rằng “Quốc hội chỉ là cái đuôi
của Đảng, phải làm theo Đảng, vì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 đã
lấy phiếu tín nhiệm trước đó, các vị ấy đều thuộc nhóm tín nhiệm cao rồi”; rằng
“qua 4 kỳ lấy phiếu cũng chỉ là hình thức, đánh lừa dân là dân chủ thôi, vì sau
mỗi lần như vậy thì chẳng có vị nào phải thôi chức, mặc dù dư luận đã xì xào
ông nọ, bà kia có vấn đề, lần này phải được xem xét về năng lực và phẩm chất”,
v.v và v.v…
Để
làm rõ những luận điệu nêu trên, xét thấy cần chỉ ra sự lươn lẹo, cố tình “cắt đầu
xén đuôi” những văn bản nói rõ mục đích, tiêu chuẩn, cách làm để thực hiện cuộc
bỏ phiếu tín nhiệm này ở cả Trung ương Đảng và Quốc hội bảo đảm sự khách quan,
công tâm và minh bạch. Thiết nghĩ, cần dẫn ra đây Quy định số 96-QĐ/TW ngày
1/2/2023 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam mà các vị cố tình phớt lờ, một
văn bản căn cốt, có nội dung và phương châm tiến hành rất khoa học, sát hợp thực
tiễn tình hình hiện nay. Theo Quy định 96, những trường hợp “có trên 50%, nhưng
dưới 2/3 số tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy
hoạch các chức vụ cao hơn, xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhận, bố trí
công tác khác, hoặc cho từ chức”. Nhưng kết quả hai đợt bỏ phiếu ở Ban Chấp
hành Trung ương và Quốc hội vừa rồi, đều không có vị nào thuộc diện quy định
nói trên. Vậy các ông muốn lật ngược một thực tế mà cả hai cơ quan quyền lực của
Đảng và Quốc hội đã tiến hành nghiêm túc, cẩn trọng để làm vừa lòng các ông,
thì đấy mới là “dân chủ thực chất và đáp ứng nguyện vọng của số đông” ư?!
Thứ hai, các ông đã quên hoặc cố
tình tảng lờ một mục đích nhân văn của các đợt lấy phiếu tín nhiệm này là giúp
cán bộ “tự soi”, “tự sửa” và “không để cán bộ tín nhiệm thấp giữ chức vụ lâu”.
Như vậy, giữa cái lý và cái tình của một
số chủ trương, được đông đảo cán bộ và nhân dân đồng tình; trong khi đó, các
ông chỉ hong hóng chờ sau bỏ phiếu có dăm vị phải rời ngay chức vụ thì đấy mới
là biểu hiện “dân chủ” và “đáp ứng mong mỏi của nhân dân”(!) Xin thưa, kiểu lập
luận này thực chất là sự kích động, chia rẽ và phân tâm xã hội – mà từ lâu rồi,
điều này đã thấm vào máu các ông, do đó, bất cứ sự kiện nào trong đời sống kinh
tế, chính trị của Việt Nam, các ông đều muốn “bẻ lái” theo ý cá nhân, thì mới
làm các ông hả lòng, hạ dạ?!
Thứ ba, các ông quên đi một câu ngạn
ngữ của Việt Nam “thấy cây mà không thấy rừng”, chỉ một hiện tượng nhỏ,
các ông tập trung thổi phồng, khuếch đại; trong khi dư luận của số đông thì các
ông lại làm ngơ, hoặc cố tình không đếm xỉa? Xin dẫn ra đây mấy bình luận của một
tờ báo quốc tế chung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm này.
Trang bnn.netwword (Hồng Kông) cho rằng,
việc làm này “thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình vì các nhà lãnh
đạo phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Sức mạnh của cuộc bỏ phiếu tín
nhiệm thậm chí còn vượt ra ngoài phạm vi Quốc hội, khuyến khích sự tham gia của
công chúng vào tiến trình chính trị, thúc đẩy đối thoại giữa Chính phủ và người
dân, đồng thời thúc đẩy một nền dân chủ toàn diện và bao trùm hơn. Mặc dù chỉ
riêng việc bỏ phiếu tín nhiệm chưa thể đánh giá tổng thể, cung cấp những hiểu
biết sâu sắc về lòng tin của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ có thể vận dụng kết
quả cuộc bỏ phiếu này để nâng cao niềm tin vào sự lãnh đạo của mình và giải quyết
mọi quan ngại và vấn đề nảy sinh”. Vậy các ông nghĩ gì về bình luận này?
Cuối cùng, xin được hỏi: các ông hay
dùng từ “lòng dân” để phê phán các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Nhưng xin hỏi nhân dân mà các ông dẫn ra là nhân dân nào, hay là do chính các ông tưởng tượng
ra, rồi lu loa để thỏa mãn sự vu cáo đê hèn? Nên nhắc lại rằng, 500 đại biểu Quốc
hội các khóa đều do cử tri – những người đại diện cho nhân dân cả nước lựa chọn
bầu ra để hình thành nên Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và cũng
là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Do vậy, mượn từ nhân dân để nói những điều xằng bậy, là các ông tự
phơi bày sự vô liêm sỉ, một biểu hiện xúc phạm trắng trợn và nghiêm trọng đối với
danh dự của nhân dân Việt Nam, mà chính ông Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa sang thăm
Việt Nam tháng 9 vừa rồi, đã phải thốt lên rằng: “tôi rất có thiện cảm và nể phục
một dân tộc anh hùng và thiện chí, đã sẵn sàng gác lại quá khứ, xóa bỏ hận thù,
hướng tới tương lai, nâng tầm quan hệ Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược toàn
diện vì lợi ích lâu dài, nhiều mặt của cả hai nước, hai dân tộc”.
Có lẽ
chẳng cần bình luận thêm vì sự việc đã rõ như ban ngày. Mong các "Ngài" hãy chấm dứt
ngay cái thủ đoạn đê hèn chuyên “gắp lửa bỏ tay người” để thỏa mãn mưu đồ xấu
xa là đi ngược lợi ích của nhân dân và đất nước Việt Nam!./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét