Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

“Dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn”



Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam – với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng . Đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ, là việc làm thường xuyên, có tính nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hơn 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Bài 1

Phải nói rõ cả thuận lợi và khó khăn, ưu điểm và khuyết điểm

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để giữ được uy tín, niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân với Đảng đòi hỏi Đảng cần phải luôn luôn có sự trung thực với nhân dân. Chỉ có bằng việc nói thật với nhân dân cả những thuận lợi và khó khăn, ưu điểm cũng như khuyết điểm thì Đảng mới huy động được sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng chung. Vào năm mới Tân Sửu 1961, Hồ Chí Minh viết: “Dân ta rất tốt, nhưng không phải có nhân dân tốt là làm được tất cả. Phải làm cho nhân dân hiểu: Đảng và Chính phủ luôn luôn phục vụ nhân dân; phải nói thật với nhân dân những thắng lợi cũng như những khó khăn. Có thế nhân dân mới hăng hái sản xuất”. Ở bài viết đăng trên báo Sự thật tháng 4 – 1949 với tiêu đề “Thuốc đắng dã tật – nói thật mất lòng”, Hồ Chí Minh nhắc nhở khi phạm khuyết điểm thì không được bưng bít, vì như câu tục ngữ “Sừng có vạch, vách có tai”, trước sau người ta cũng biết. Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, yêu cầu tính trung thực trong tuyên truyền, tránh bôi đen hay tô hồng thông tin. Trong lời căn dặn các cán bộ tuyên truyền ngày 8 – 1 – 1946 đăng trên báo Cứu quốc ngày 9 – 1 – 1946, Người căn dặn: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh sai lạc sự thực”.

Vấn đề quan trọng đặt ra là Đảng cần phải nói thật với nhân dân những nội dung gì? Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền một số thông tin bịa đặt, vu cáo cho rằng: những người cộng sản Việt Nam “chỉ thích ngắm màu hồng”, thành công, thắng lợi, và: “Để yên dân, để giữ sự ổn định xã hội, để lôi cuốn dân chúng vào sự nghiệp của mình, cách phổ biến nhất thường thấy ở người cộng sản và thể chế của họ là chỉ nhấn mạnh, ca ngợi, tung hô thành công, đồng thời lờ đi, im đi những thất bại”.

Nhưng sự thật không phải như vậy. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng phải nói rõ, chính xác những ưu điểm, thành tựu và cả những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm, không giấu giếm nhân dân. Người rất chú ý đến việc nói thật với nhân dân về những khó khăn, khuyết điểm của Đảng. Người có thái độ rất nghiêm khắc với những cán bộ, đảng viên che giấu khuyết điểm, không chịu nói thật với nhân dân, không chịu phê bình và tự phê bình, sửa chữa khắc phục khuyết điểm. Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương phải kiên quyết, không thể tha thứ những cán bộ có thái độ, việc làm khinh miệt, dối trá với nhân dân. Trên Báo Sự thật ngày 15 – 10 – 1949, Hồ Chí Minh viết: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cùng với việc chỉ ra đúng những thành tựu, ưu điểm, thuận lợi, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nêu rõ những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm, thậm chí cả những sai lầm, thực hiện công khai, minh bạch với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật cùng những chủ trương, biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời, hiệu quả. Quá trình tiến hành cuộc chiến “chống giặc nội xâm” là tham nhũng, tiêu cực, Đảng chỉ rõ những kết quả đã đạt được và cả những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu, trong nội bộ tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn có những diễn biến phức tạp. Nghị quyết xác định rõ: “Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu… Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.Tháng 5 – 2023 vừa qua, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, bên cạnh việc khẳng định những thành công, thuận lợi là cơ bản, Đảng thẳng thắn nhận định, đánh giá: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng vẫn còn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là. Đảng cũng kiên quyết chỉ ra thực trạng: Một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm, có trường hợp cũng phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam nói rõ sự thật để quyết tâm sửa chữa, khắc phục tình trạng còn che giấu khuyết điểm. Trên thực tế, còn xuất hiện nhiều biểu hiện né tránh, không tự giác chỉ ra sai phạm, khuyết điểm trong một số tổ chức Đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hoạt động kiểm tra của Đảng, nhất là ở cơ sở vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra: rất ít vụ việc được phát hiện từ công tác tự kiểm tra, hoạt động kiểm tra giám sát của Đảng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII, tháng 10 – 2021 cũng yêu cầu Đảng phải “Chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực” và “Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn”.

Toàn Đảng đã đồng thuận, thống nhất cao xác định đó là việc khó nhưng rất cần thiết phải làm và quyết tâm kiên quyết, kiên trì làm cho bằng được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét