Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

“Dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn” - P3




 Vẹn tròn niềm tin yêu với Đảng

Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định mối quan hệ máu thịt, hữu cơ, son sắt giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng. Trong đó, Đảng là người đầy tớ trung thành của nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu hy sinh; nhân dân tin theo Đảng, vững bước tiến theo sự lãnh đạo của Đảng vì sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Trong Di chúc lịch sử của Người để lại cho chúng ta, Chủ tịch  Hồ Chí Minh khẳng định: “… nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Và Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Với mục tiêu: Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xác định Đảng phải thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời Đảng đề ra phương châm: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phương châm này đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện có hiệu quả trên thực tế, được dư luận đông đảo trong và ngoài nước ghi nhận, chứ không phải như thông tin xuyên tạc vừa xuất hiện trên mạng xã hội là: “Những điều ghi trong Hiến pháp thì người ta (chính quyền) ghi cho vui thôi, chứ người ta làm là theo ý người ta. Người ta ghi một đằng, nhưng họ làm lại là một nẻo, chứ họ có làm theo Hiến pháp đâu. Làm gì mà có chuyện (người dân) làm chủ, dân đâu có biết gì?”. “Cái khẩu hiệu “Dân biết, dần bàn, dân làm, dân kiểm tra”, là họ đề ra cho vui thôi, họ đề ra để chứng tỏ có sự dân chủ chứ người ta có thực hiện quái đâu?”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, hiệu quả để Đảng và các tổ chức, cán bộ, đảng viên của Đảng, làm cho dân tin bằng việc nỗ lực cố gắng phát huy ưu điểm, chỉ rõ và khắc phục, sửa chữa khuyết điểm… Cùng với việc phải trung thực, nói thật với nhân dân, không che giấu nhân dân, thực hiện chu đáo công việc người đầy tớ của nhân dân, tất cả vì nhân dân phục vụ. Yêu cầu Đảng phải tạo thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp và lắng nghe ý kiến, tiếp thu để sửa chữa khắc phục.

Hồ Chí Minh cũng thường xuyên đề nghị nhân dân thực hiện tốt trách nhiệm, tình cảm với Đảng quang vinh của mình. Nhân dân vừa hăng hái tham gia thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, vừa tích cực góp ý, xây dựng Đảng, đấu tranh với những sai phạm khuyết điểm của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khi bàn về vấn đề Cần kiệm liêm chính, vào khoảng tháng 6 – 1949, Hồ Chí Minh viết: “Quan tham vì dân dại. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm”. Ngày 10 – 1 – 1946, nói chuyện với nông dân và điền chủ tỉnh Hưng Yên, Người nêu rõ: “Nước ta thời Pháp thuộc, thực dân Pháp lấy tiền quỹ để đắp đê, nhưng chúng chỉ bỏ vào việc đắp đê rất ít, còn bỏ vào túi chúng. Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới”.

Thực tiễn đòi hỏi nhân dân cần thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với Đảng, với đất nước. Bản thân từng người dân luôn vững tin theo Đảng, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình trên từng cương vị cụ thể. Điều rất đáng trân trọng là đông đảo nhân dân thường xuyên quan tâm, đóng góp ý kiến với Đảng với Nhà nước về nhiều nội dung, công việc quan trọng. Khi Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được đưa ra công khai toàn văn để lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng của đông đảo nhân dân thì đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp được tổng hợp gửi về Trung ương. Tính đến đầu tháng 4 – 2023 vừa qua, đã có gần 12 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cả nước góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường… Những việc làm ý nghĩa đó thể hiện trách nhiệm, tình cảm sâu sắc của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với đất nước và chính mình. Nhân dân cũng có những đóng góp rất tích cực vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhiều ý kiến đóng góp, phát hiện, khiếu nại, tố cáo của nhân dân đã giúp cho Đảng cũng như các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật, kịp thời kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử những vi phạm kỷ luật Đảng hay vi phạm pháp luật Nhà nước.

Từ thực tiễn cho thấy: việc đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng, chống tham nhũng của nhân dân phải mang tính xây dựng, hiệu quả; kiên quyết đấu tranh, khắc phục những biểu hiện lợi dụng tự do, dân chủ, nhân danh góp ý, xây dựng để có những lời nói việc làm sai trái, gây tổn hại cho Đảng, nhân dân và đất nước. Do vậy, Đảng và hệ thống chính trị cũng như người dân phải cùng chủ động, kịp thời khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, vi phạm của mọi tổ chức, cán bộ, đảng viên và từng công dân trong quá trình thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, chúng ta phải thực hiện nghiêm chỉnh nội dung mà Nghị quyết Trung ương năm, khóa XIII đề ra: “Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng, đảng viên với nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên”.

Những tư tưởng, chủ trương, thành tựu cũng như mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trên là nguồn động lực to lớn, cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước và nhân dân takiên quyết, kiên trì tăng cường đoàn kết thống nhất, vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét