Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

Bài 2: Dấu ấn của quyết đoán - quyết tâm - quyết định

 

Bài 2: Dấu ấn của quyết đoán - quyết tâm - quyết định

 

Trên cơ sở pháp lý vững chắc, những quyết sách trong 4 kỳ họp bất thường của Quốc hội đã kiến tạo thời cơ mới cho đất nước, nhân lên niềm tin sâu sắc trong đồng bào và cử tri cả nước. Kết quả đó giáng đòn chí mạng vào sự vu khống trắng trợn rằng “Quốc hội bù nhìn, chỉ là cái vỏ bọc hữu danh vô thực”.
          Đột phá với quyết sách chưa có tiền lệ

Quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Quốc hội, đặt người dân ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nội dung lớn, đặc biệt quan trọng, cấp bách tới quốc kế dân sinh đều được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự.
Qua quá trình thảo luận, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thông qua 1 luật và 3 nghị quyết quan trọng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
          Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, việc quyết định, triển khai các chính sách hỗ trợ đặc biệt, kịp thời, đột phá, có sức lan tỏa sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tới, không để nước ta rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ, cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế.
Năm 2021, tăng trưởng GDP nước ta cách xa so với chỉ tiêu đặt ra đầu năm. Do đó, nếu gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế được thông qua đầu năm 2022 sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn 2022-2023 và dư âm hết cả nhiệm kỳ. Nếu để tới kỳ họp tháng 5-2022 Quốc hội mới xem xét thì sẽ bị chậm trễ, đánh mất thời cơ khắc phục yếu kém và bứt phá vững chắc. Đặc biệt, Quốc hội xem xét cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ nhằm thúc đẩy một địa phương vốn là động lực cho Đồng bằng sông Cửu Long trở thành đầu tàu, tác động tích cực tới các tỉnh trong khu vực cũng như đóng góp cho cả nước.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nếu Quốc hội không cùng với Chính phủ có những quyết đáp nhanh chóng sẽ làm lỡ thời cơ của đất nước. Quốc hội chủ động tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất ngay vào những ngày đầu tiên của năm 2022 nhằm giải quyết kịp thời, cấp bách hai nhiệm vụ song song, đó là vừa phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19 và vừa phục hồi, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, không chỉ đáp ứng cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Lần đầu tiên tại một kỳ họp, Quốc hội quyết định chủ trương 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia, đi kèm với đó là cơ chế, chính sách đặc thù, chưa có tiền lệ.

Sau các kỳ họp bất thường với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; khắc phục hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng; phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập với quốc tế; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...

Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 45-KL/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển vùng, ngành, lĩnh vực. Đây là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, của người làm công tác phòng, chống dịch; đồng thời, để bảo đảm cơ sở pháp lý nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn bình thường mới, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến ngày 31-12-2024. Việc ban hành Nghị quyết được mong đợi sẽ khắc phục những tồn tại, vướng mắc đối với các chính sách đã thực hiện trong giai đoạn cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và xử lý được tình trạng tồn đọng trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hiện nay.

Bên cạnh đó, Quốc hội còn ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 được ban hành nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm, đánh giá cao những vấn đề được Quốc hội quyết định tại các kỳ họp bất thường. Đặc biệt là gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội khoảng 350.000 tỷ đồng (tương đương hơn 8% GDP), góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02% - lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Trong 5 quyết sách quan trọng được Quốc hội thông qua có một nội dung “rất lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ” là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, việc Quốc hội ban hành 1 luật, sửa đổi 8 luật, là nguồn lực và căn cứ pháp lý quan trọng để Chính phủ, các địa phương triển khai thực hiện, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

“Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào… Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”.

 

Chủ tịch HỒ CHÍ MINH: Bản lĩnh, trí tuệ, biến “nguy” thành “cơ”

 

Thực tiễn là câu trả rời thuyết phục nhất, đanh thép nhất để phủ quyết, làm thất bại hoàn toàn những luận điệu vu khống, bịa đặt của các thế lực thù địch, chống đối. Những quyết sách kịp thời, đúng và trúng được thông qua tại phiên họp bất thường của Quốc hội đã góp phần quan trọng để biến "nguy" thành "cơ", đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả rất đáng tự hào.

Sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế do tác động từ nhiều yếu tố, trong đó thể hiện kết quả điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ngành; sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, đội ngũ doanh nghiệp, song đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của Quốc hội qua quyết sách "đặc biệt, đặc cách, đặc thù". Đó là tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.

Kỳ họp bất thường của Quốc hội khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân. Thành công cũng như kết quả tại các kỳ họp bất thường còn minh chứng cho tính kịp thời, đúng đắn của Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh thực tiễn có nhiều biến động như hiện nay, với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Đây chính là nền tảng, bước tiến vững chắc để hướng tới một “Quốc hội hoạt động thường xuyên” trong tương lai. Quốc hội với trọng trách của mình đã chủ động giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, ứng biến kịp thời trong điều kiện tình hình đất nước có nhiều biến động. Quốc hội đã phát huy trí tuệ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và vận dụng tư duy, tầm nhìn chiến lược để phụng sự cho sự nghiệp của nhân dân. Kỳ họp bất thường còn cho thấy một Quốc hội dũng cảm đương đầu vượt qua khó khăn, thách thức, vì mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Các quyết sách được ban hành trong một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ với nhiều tâm huyết, công sức của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đại biểu Quốc hội. Những quyết sách đó mở ra cơ chế đặc biệt, trong đó các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, phân cấp mạnh mẽ tới từng bộ, ngành, địa phương mà lâu nay chưa từng áp dụng. Quốc hội còn giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với luật trong thời gian Quốc hội không họp để kịp thời đồng hành cùng Chính phủ.

Hơn một năm trước, nhiều đại biểu Quốc hội phân vân về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình là 6,0 đến 6,5% trong bối cảnh hàng loạt thách thức đặt ra. Từ Nghị quyết 43 được ban hành tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về triển khai thực hiện Nghị quyết 43 và 17 văn bản quy phạm pháp luật khác tạo khung pháp lý tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế giới đánh giá Việt Nam như một biểu tượng nổi lên của “kỷ nguyên hậu Covid-19” và khả năng mạnh lên sau đại dịch.
Các kỳ họp bất thường của Quốc hội tiến hành một nhiệm vụ rất quan trọng là kiện toàn nhân sự tham gia các chức danh lãnh đạo Nhà nước cấp cao, nhằm bảo đảm cho bộ máy hoạt động liên tục, thông suốt. Qua đây, chúng ta có thể thấy công tác lập pháp của Việt Nam và hoạt động của Quốc hội ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn cuộc sống sôi nổi, biến động nhanh, đồng thời tiếp cận tính chuyên nghiệp ngày càng cao hơn.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp), với những chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, khi cần thay đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn là không có gì bất thường. Không chỉ cuối năm 2022, đầu năm 2023 mà từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Quốc hội cũng phải làm công tác nhân sự khi có những yếu tố chủ quan, khách quan thay đổi về những chức danh do Quốc hội bầu để bảo đảm hoạt động điều hành của Chính phủ.
Nêu quan điểm đối với việc chưa có tiền lệ về công tác cán bộ tại các kỳ họp bất thường của Quốc hội, nhiều đại biểu và cử tri chung nhận định, vấn đề đó sẽ dần trở thành bình thường khi mỗi cán bộ, lãnh đạo ý thức được nhiều hơn về trọng trách của mình, về việc tự nguyện rút lui khi thấy không còn đáp ứng tốt mọi yêu cầu công việc.

Ở thời đại kỷ nguyên số, bất cứ một sự dùng dằng, chần chừ, mất thời gian nào cũng là lãng phí và bỏ lỡ cơ hội để phát triển, cho nên sự dứt khoát, khẩn trương trong công tác cán bộ, cũng là một phẩm chất cần thiết, một yêu cầu bức thiết. Công tác nhân sự được kiện toàn hợp lý, kịp thời giúp bộ máy ổn định, vững vàng, tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng, nhất là trong giai đoạn nhiều biến đổi khó dự báo như hiện nay.

Với kỳ họp bất thường, Quốc hội đã cho thấy tính chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt, thể hiện rõ “3 quyết” - quyết đoán, quyết tâm và quyết định, như khái quát ngắn gọn của người đứng đầu Quốc hội.

Quốc hội chỉ họp bất thường khi hội tụ đủ các điều kiện là giải quyết các vấn đề thực sự cấp thiết, đột xuất, được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín muồi và có sự đồng thuận, thống nhất cao. Sau nhiều lần tổ chức kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cụ thể hóa các quy định, trình tự tổ chức kỳ họp bất thường tại Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), có hiệu lực ngày 15-3-2023, bảo đảm chuyên nghiệp, công khai, minh bạch.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội BÙI VĂN CƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét