Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng Nhân dân Việt Nam và bạn bè Quốc tế!

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song từ tận đáy lòng, từ trái tim người Việt Nam và bạn bè quốc tế luôn nhớ về Người, ghi nhận sự cống hiến của Người với những tình cảm đẹp nhất, xúc động nhất. Nhưng với âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch chưa hiểu đúng hay thậm chí cố tình không hiểu đúng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố tình xuyên tạc, phủ nhận, bịa đặt và bôi đen về Người; mới đây thôi trang Facebook Thoi bao.de xuyên tạc: “Thêm sự thật thần tượng ông Hồ lại gây sốc cho những kẻ sùng bái…”. Tác giả bài viết này cho rằng đó là những kẻ vô liêm sỉ, chuyên dùng lời lẽ, lập luận với tâm địa xấu xa để vu cáo, xuyên tạc, thậm chí dùng những ngôn từ chợ búa “đánh mõ gõ thớt” để gây sự chú ý của dư luận hòng thực hiện dã tâm của mình.

Như ta thấy, nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân tiến bộ trên thế giới nói chung đều thừa nhận rằng: Hồ Chí Minh – Nhà cách mạng vĩ đại, là tấm gương sáng ngời về nhân sinh quan cách mạng, trọn đời phấn đấu hy sinh, hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người đã để lại cho các thế hệ dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần vô cùng quý báu. Đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đạo đức Hồ Chí Minh là: Tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí… Người từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Thực tế đã chứng minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình khi đã là Nguyên thủ quốc gia, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người vẫn không dành một lợi ích gì cho riêng mình.

Phong cách Hồ Chí Minh, phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người đó là: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; làm việc dân chủ, khoa học, ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương…Người đúc kết phong cách thành mấy câu rất đơn giản, ai cũng có thể hiểu và áp dụng vì dễ nhớ, dễ thuộc nhưng lại rất biện chứng. Đó là: Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành.

Từ di sản tinh thần là tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất; Theo Nghị quyết của UNESCO: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của Nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. Trong Từ điển Danh nhân văn hóa thế giới xuất bản tại Anh và Mỹ, đã dành hai trang 332 – 333 ghi rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản bị lật đổ. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ 20”. Việc UNESCO, Tổ chức đại diện cho đạo đức và trí tuệ của nhân loại, ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với nhân dân tiến bộ trên thế giới. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp, cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân Việt Nam và thế giới; đồng thời tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, bản sắc văn hóa và khát vọng của Người và dân tộc Việt Nam về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc. Tư tưởng, giá trị nhân văn, đạo đức và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức lôi cuốn, khích lệ các dân tộc bị đô hộ, đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do, công lý và tiến bộ xã hội. Nghị quyết là minh chứng hùng hồn khẳng định sự đúng đắn, chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh của nhân loại trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Nghị quyết cũng là sự cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới và phát triển, để đất nước ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn trong trái tim nhân loại tiến bộ trên thế giới, không một tổ chức, cá nhân nào có quyền xuyên tạc và xúc phạm bởi đó là hình ảnh một danh nhân văn hóa đã được Tổ chức Văn hóa và giáo dục Liên hợp quốc thừa nhận; bất kỳ hành vi nào thể hiện thái độ thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc đều không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội, và có dấu hiệu vi phạm Pháp luật. Cụ thể, tại khoản 1, điều 8; điều 16 và điều 18 Luật An ninh Mạng năm 2018 đã nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin có nội dung xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc; tình cảm của nhân dân ta đối với Người bắt nguồn từ lòng biết ơn sâu sắc về những công lao to lớn mà Người đã dành cho nước cho dân, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhân dân ta từ thế hệ này qua thế hệ khác mãi mãi lưu truyền câu ca dao mang đậm nghĩa tình.

"Đố ai đếm đủ vì sao;

Đố ai đếm được công lao Bác Hồ.

Công ơn đã vậy thì lòng biết ơn cũng vậy!

Trăm năm bia đá thì mòn;

Ngàn năm ơn Bác vẫn còn ghi sâu…"

        Thời gian càng lùi xa, những nghiên cứu, đánh giá toàn diện, đầy đủ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên có ý nghĩa và giá trị lớn lao; như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết Lời tựa cuốn sách song ngữ Việt – Anh có tên Tình cảm của nhân dân thế giới với chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó nêu rõ: “Rất hiếm người trở thành một huyền thoại ngay từ lúc còn sống như Chủ tịch Hồ Chí Minh, và khi Bác Hồ đã ra đi, tên tuổi và sự nghiệp của Người trường tồn với non sông đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và trong trái tim nhân loại. Người để lại một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, mãi mãi nguyên vẹn những giá trị to lớn mang tính thời đại, một tấm gương đạo đức, phong cách, lối sống sáng ngời”. Hiện nay, hệ thống di tích lưu niệm cùng hàng chục nghìn các di vật về Người hiện hữu ở 35 tỉnh thành Việt Nam và khắp các châu Á, châu Âu, châu Mỹ… Trên thế giới đã có 22 quốc gia dựng 36 tượng, tượng đài Hồ Chí Minh; 6 bia tưởng niệm; 6 đại lộ; 7 con đường mang tên Người. Đặc biệt là Khu di tích Phủ Chủ tịch nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc, bao gồm 15 di tích bất động sản, hơn 1700 di tích động sản cùng cảnh quan môi trường vườn cây, ao cá…đó là tình cảm từ đáy lòng, từ trái tim các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế dành cho Người, vì vậy khi thế lực thù địch suy luận thiếu căn cứ khoa học, phi sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh là xúc phạm vào niềm tin yêu, sự kính trọng của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế dành cho Người.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét