Việt Dũng
Điệp
khúc chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng là điều không có gì mới, nhưng các thế
lực thù địch ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm. Xuyên tạc, chủ
nghĩa Mác – Lênin, tưởng Hồ Chí Minh, trong đó xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ
Chí Minh là sự tấn công trực diện vào những vấn đề cốt lõi thuộc nền tảng tư tưởng
của Đảng. Chính vì vậy, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ
đặc biệt quan trọng mà chúng ta phải luôn thực hiện nghiêm túc, kiên quyết. Thời
gian qua, trên các trang mạng xã hội, các “học giả”, “nhà nghiên cứu”, “trí thức”
…, tung ra nhiều bài viết với nhiều nội dung xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ
Chí Minh. Theo tôi, chúng ta cần nhận diện và đấu tranh phản bác những luận điệu
này, nhất là những luận điệu nguy hiểm sau:
Thứ nhất, luận điệu phủ nhận Hồ Chí
Minh là nhà tư tưởng, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các
thế lực thù địch thường xuyên tung ra những luận điệu rằng: Hồ Chí Minh là “nhà
hoạt động thực tiễn”, “không phải là nhà tư tưởng”; “Hồ Chí Minh không có tư tưởng
gì”. Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nói tư tưởng
Hồ Chí Minh hình thành từ 4 nguồn gốc: thứ nhất, những truyền thống tốt đẹp
của dân tộc, trước hết là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; thứ hai, tiếp thu tinh
hoa văn hóa nhân loại (phương Đông và phương Tây); thứ ba, từ chủ nghĩa Mác –
Lênin; thứ tư, tài năng bẩm sinh và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh. Tư tưởng
Hồ Chí Minh không hình thành ngay một lúc mà đã trải qua một quá trình tìm tòi,
xác lập, phát triển và hoàn thiện, gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng
phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh được hình
thành và phát triển gắn với các thời kỳ hoạt động của Hồ Chí Minh trong phong
trào cách mạng Việt Nam và quốc tế vào đầu và giữa thế kỷ XX. Tư tưởng Hồ Chí
Minh được thể hiện qua hoạt động thực tiễn và qua các bài nói, bài báo và các
tác phẩm tiêu biểu của Người, như: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Đường Cách mệnh”,
“Tuyên ngôn độc lập”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Sửa đổi lối làm việc”,
“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” … và bản “Di chúc”. Tư
tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm và tư tưởng của Hồ Chí Minh về những
vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong sự nghiệp cách mạng của Người. Hệ thống
tư tưởng này bao gồm một số nội dung cơ bản: Giải phóng dân tộc, giải phóng
giai cấp, giải phóng con người; Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội,
kết hợp sức mạnh toàn dân với sức mạnh thời đại; Sức mạnh của nhân dân, của khối
đại đoàn kết toàn dân tộc; Quyền làm chủ của nhân dân; Quốc phòng toàn dân, xây
dựng lực lượng vũ trang nhân dân; Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; Xây dựng
Đảng và hệ thống chính trị. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tư
tưởng chủ đạo trong toàn bộ di sản lý luận Hồ Chí Minh. Các nhà khoa học, các
chuyên gia nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã khẳng định Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng
thiên tài, nhà lý luận kiệt xuất. Nhiều nhà khoa học, học giả chân chính trên
thế giới đều khẳng định “Hồ Chí Minh – nhà tư tưởng” (1) và nhấn mạnh: “Những
quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh và khả năng của Người trong việc sử dụng sáng
tạo phương pháp lịch sử và duy vật để giải quyết các hiện tượng xã hội là nguồn
gốc của những tư tưởng lỗi lạc của Người. Những tư tưởng của Người đã được kiểm
nghiệm trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, mở ra những tiềm năng chưa từng có
cho các phong trào giải phóng dân tộc” (2). Những luận điệu phủ nhận Hồ Chí
Minh là nhà tư tưởng, Hồ Chí Minh chẳng có tư tưởng gì, là hết sức xằng bậy, vô
căn cứ của các thế lực thù địch.
Thứ hai, luận điệu cho rằng có tư tưởng
Hồ Chí Minh, nhưng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đã “lỗi thời”, “lạc hậu”,
“không còn phù hợp” với thời đại hiện nay là thời đại của nền kinh tế thị trường,
thế giới phẳng, khoa học – công nghệ hiện đại, hội nhập quốc tế …
Chúng
ta đều nhận thức sâu sắc rằng: Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mang bản chất cách
mạng, khoa học và nhân văn nên vẫn giữ nguyên sức sống và giá trị thời đại,
không thể “lỗi thời’, “lạc hậu”. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng sự nghiệp đổi mới,
ngọn cờ dẫn dắt đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Tư tưởng Hồ Chí Minh
về đổi mới và phát triển đất nước; về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; về
phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; về
quốc phòng, an ninh, đối ngoại … luôn được Đảng ta kiên định và vận dụng, phát
triển sáng tạo và giành những thắng lợi lịch sử có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Giá trị thời đại trong tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh còn được đánh giá cao
bởi sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích dân tộc và lợi ích cộng đồng quốc tế, giữa
chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, phù hợp với xu
thế vận động, phát triển của quan hệ quốc tế hiện nay. Ông Romesh Chandra, trên
cương vị Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu
cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở
đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí
Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói
nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao (3). Tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, mãi
mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi đến thắng lợi và đang được
các thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo.
Thứ ba, luận điệu cho rằng: Tư tưởng
Hồ Chí Minh tách rời với chủ nghĩa Mác – Lênin.
Một
số chính trị gia, nhà tài phiệt có tư tưởng cực hữu chính trị, chống cộng, đi đầu
trong âm mưu xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, tìm cách luận giải cho rằng chỉ có tư tưởng
Hồ Chí Minh mới phù hợp với cách mạng Việt Nam, còn chủ nghĩa Mác – Lênin là “yếu
tố ngoại lai”, “lỗi thời”,” không phù hợp”, thậm chí kết luận rằng: “Tư tưởng Hồ
Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác – Lênin”(?). Những người có ý kiến trên cho
rằng, Hồ Chí Minh là một người yêu nước, là người theo chủ nghĩa dân tộc, đặt vấn
đề dân tộc lên trên hết và trước hết, chỉ mong muốn làm thế nào để giải
phóng đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc. Trong khi đó, Mác – Ăng ghen bàn
nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, Lênin bàn nhiều về cuộc đấu
tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Xuất phát từ yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn
cách mạng châu Âu, các nhà lý luận Mác – Lênin tập trung vào giải quyết vấn đề
giai cấp. Nên chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết về đấu tranh giai cấp, là hệ
tư tưởng chỉ của giai cấp công nhân nên tách rời và đối lập với chủ nghĩa yêu nước,
chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh theo đuổi. Luận điệu sai trái “chỉ có tư tưởng
Hồ Chí Minh mới phù hợp với cách mạng Việt Nam, còn chủ nghĩa Mác – Lênin là “yếu
tố ngoại lai”, “lỗi thời”, không phù hợp”; tưởng như thế là đề cao tư tưởng Hồ
Chí Minh, là sự khẳng định những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh với đất nước
và dân tộc Việt Nam, nhưng thực chất là âm mưu phủ định cơ sở lý luận quan trọng
nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định thế giới quan và phương pháp luận khoa
học của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đó, phủ nhận bản chất
cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời luận điệu trên cũng phủ
nhận một trong những nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác
– Lênin và phủ nhận những ảnh hưởng quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lênin trên
con đường tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh. Giáo sư người Nhật Shingo Shibata
khẳng định Hồ Chí Minh đã góp phần đào sâu và phát triển lý luận của chủ nghĩa
Mác – Lênin đối với các vấn đề dân tộc thuộc địa và “cống hiến nổi tiếng của Chủ
tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền
lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết lấy vận mệnh
của mình” (4). Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều,
nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa
Lênin” (5). Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường cách mạng từ ánh sáng của chủ nghĩa
Mác – Lênin, con đường cách mạng vô sản, thực hiện giải phóng dân tộc, giải
phóng giai cấp, và giải phóng con người trong một chỉnh thể nhất quán. Sau này,
trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định
vai trò nền tảng tư tưởng, soi đường hết sức quan trọng của chủ nghĩa Mác –
Lênin đối với cách mạng Việt Nam: : “Chủ nghĩa Mác – Lênin làm gốc”(6); “Chủ
nghĩa Mác – Lênin là chủ nghĩa cách mạng và khoa học nhất” (7); “Chủ nghĩa Mác
– Lênin không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam,
mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Luận điệu tư tưởng Hồ Chí Minh tách rời
thậm chí đối lập với chủ nghĩa Mác – Lênin là sự xuyên tạc về mối quan hệ gắn
bó mật thiết, hữu cơ, tính thống nhất không thể tách rời giữa chủ nghĩa Mác –
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng nhằm dụng ý xấu xa rằng nền tảng
tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên hai yếu tố tách rời thậm chí đối lập
nhau thì tất cả những gì xây dựng trên nền tảng ấy sẽ sụp đổ. Từ đó, làm nghi
ngờ, hoang mang, dao động, gây chia rẽ, mâu thuẫn trong nhận thức về nền tảng tư
tưởng của Đảng. Còn vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề
giai cấp, Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết. Đây
chính là sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh đối với chủ nghĩa
Mác – Lênin – phương pháp luận duy vật biện chứng vào hoàn cảnh cụ thể của một
nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam, mà tuyệt đối không phải là nguyên
do của sự tách rời hay đối lập giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh.
Thứ tư, các thế lực thù địch cho rẳng,
Hồ Chí Minh có tư tưởng về giải phóng dân tộc, nhưng không có tư tưởng về chủ
nghĩa xã hội.
Độc
lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chủ đạo trong toàn bộ di
sản lý luận Hồ Chí Minh. Đây cũng là cống hiến lớn của Hồ Chí Minh cho cách mạng
Việt Nam. Hồ Chí Minh là một trong số ít các tác giả trong lịch sử có được một
công trình đồ sộ nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động
cách mạng, Hồ Chí Minh giành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc đấu tranh chống chủ
nghĩa thực dân ở thuộc địa, giải quyết mâu thuẫn dân tộc, làm cách mạng dân tộc
giải phóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng
vô sản, để giành độc lập cho dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, trong hoàn cảnh một nước
thuộc địa thì trước hết phải giành cho được độc lập dân tộc. Nhưng nếu nước độc
lập mà dân không được tự do, hạnh phúc, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Muốn có độc lập, tự do thực sự thì phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng,
phát triển đất nước Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Chủ tịch
Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, bao gồm: Chủ nghĩa xã hội
là một chế độ nhân dân làm chủ. Nhà nước phải phát huy quyền làm chủ của nhân
dân vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; Chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế
phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về
các tư liệu sản xuất chủ yếu; Chủ nghĩa xã hội là một xã hội phát triển cao về
văn hóa, đạo đức. Con người không bị áp bức, bóc lột, có cuộc sống vật chất và
tinh thần phong phú, được tạo điều kiện để phát triển mọi khả năng của mình; Chủ
nghĩa xã hội là một xã hội công bằng và hợp lý. Hồ Chí Minh đã chỉ ra những đặc
điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó bao trùm lớn
nhất là đặc điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội
không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Và Hồ Chí Minh xác định
rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian
khổ và lâu dài”. Về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hồ chí Minh khẳng
định, xây dựng chủ nghĩa xã hội bao gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội,
và xây dựng con người. Về động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh
chỉ rõ quyết định nhất là con người, là nhân dân lao động, nòng cốt là Công –
Nông – Trí. Coi trọng động lực kinh tế; quan tâm tới văn hóa, khoa học, giáo dục,
coi đó là động lực tinh thần. Kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên
ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nội lực là quyết định nhất, ngoại
lực là rất quan trọng.
Tấn
công trực diện vào tư tưởng Hồ Chí Minh và những vấn đề cốt lõi của nền tảng tư
tưởng của Đảng là âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Bằng cách
này, bọn chúng muốn loại bỏ tư tưởng Hồ Chí minh và nền tảng tư tưởng của Đảng
ra khỏi đời sống tinh thần xã hội ta, để thực hiện mưu đồ thiết lập hệ tư tưởng
tư sản và chủ nghĩa tư bản trên đất nước Việt Nam. Âm mưu, thủ đoạn của bọn
chúng dù thâm độc, nham hiểm nhưng luôn thất bại vì tư tưởng Hồ Chí Minh là một
học thuyết cách mạng vô giá của dân tộc Việt Nam là ngọn cờ chiến đấu và chiến
thắng của dân tộc Việt Nam. Đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ đặc
biệt quan trọng mà chúng ta phải luôn thực hiện nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời
để tư tưởng Hồ Chí Minh – học thuyết cách mạng vô giá của dân tộc luôn tỏa sáng
trên suốt chặng đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta.
……………………………………………….
(1).
Bu –rốp: “Hồ chí Minh – nhà tư tưởng”, in trong sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng
giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,
1995, tr 277);
(2).
Tê- shoom Kê-bê -đe, in trong sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng
giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,
1995, tr 88).
(3).
Báo Nhân dân, ngày 21/5/1980.
(4).
Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tr 96.
(5).
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia sự thật, t2, tr289
(6).
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia sự thật, t6, tr 359
(7).
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia sự thật t7, tr 414
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét