Như đã trở thành thông lệ, kể từ sau năm 1975, mỗi dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng 30/4, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại này của đất nước, thì một số đài, báo và các trang mạng nước ngoài “không có thiện cảm” với chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam lại tổ chức các bài viết để phủ nhận giá trị ngày Chiến thắng 30/4/1975 - Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như xuyên tạc bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Và năm nay cũng không phải ngoại lệ.
Ngày 22/4, trang facebook Việt Tân đăng
bài: “Ý nghĩa thực sự của cuộc Chiến thắng 30/4/1975” của Vũ Việt,
xuyên tạc rằng: “Sau ngày 30/4/1975 mọi công dân Việt Nam bị trở thành người
dân thấp cổ bé họng. Không chỉ là một thể chế bị xóa bỏ, hơn thế giá trị và nền
tảng xây dựng một Quốc gia Việt Nam hiện đại bị xóa sạch... Bởi thế ngày
30/4/1975 Miền Nam đã không hề được giải phóng”. Đồng thời, y phủ nhận những
thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bằng luận điệu
nố bịch rằng: “Hiện nay, xã hội Việt Nam tràn ngập điều nhảm nhí... thua
xa các nước láng giềng Đông Nam Á”.
Khi nói về ý nghĩa và giá trị của ngày Chiến thắng 30/4/1975, tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam coi Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; đó là thắng lợi to lớn nhất, trọn vẹn nhất, vĩ đại nhất trong hành trình thực hiện mục tiêu cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất trong thế kỷ XX của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; hoàn thành về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước; mở ra thời kỳ phát triển mới của dân tộc - thời kỳ Tổ quốc ta được hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, cả nước được sống trong hòa bình, tự do để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sau thắng lợi này, Đảng và nhân dân ta tập trung mọi nguồn lực vật chất và tinh thần để tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới thừa nhận, ngợi ca. Về quyền con người, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) đã dành chương II với 36 điều hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Pháp luật Việt Nam bảo đảm mọi công dân có quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền khiếu nại và tố cáo; quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe,… không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo. Trong thực thi, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người, như: Công ước về Quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, v.v. Trong phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ngày nay, đất nước đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2020 GDP của Việt Nam đạt trên 340 tỷ USD, vượt qua Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD); GDP bình quân đầu người đạt 3.500 USD; Việt Nam nằm trong tốp 40 nền kinh tế lớn của thế giới, đứng thứ 4 trong ASEAN; tốp 10 quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đứng đầu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Những thành tựu đó cho thấy, xã hội Việt Nam không hề “tràn ngập điều nhảm nhí... thua xa các nước láng giềng Đông Nam Á” như Việt Tân xuyên tạc; ngược lại “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1].
Vậy nên, Việt Tân và đồng bọn có cố tình xuyên tạc, chống phá thế nào đi nữa thì ý nghĩa và giá trị của ngày Chiến thắng 30/4/1975 vẫn tiếp tục tỏa sáng, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hùng cường và hạnh phúc, sánh vai với các nước phát triển./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét