Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Lợi dụng ChatGPT để lòe bịp, công kích chế độ: Kẻ tội đồ mang tên Phạm Thức!

 

Mặc dù mới chỉ ra mắt vào cuối năm 2022, phần mềm ChatGPT của OpenAI đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Ngoài những tác động tích cực mà ChatGPT mang lại thì đây cũng chính là công cụ để các tổ chức, đối tượng phản động lợi dụng ứng dụng để cắt ghép, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Dùng ngay ChatGPT đặt những câu hỏi về Bác và Đảng” là những bài đăng gần đây được các trang mạng của các tổ chức như Đài Á châu Tự do, BBC News Tiếng Việt, Việt Tân… liên tiếp đăng tải, chia sẻ với mục đích dắt mũi dư luận, hướng lái người dân hiểu sai về Đảng, về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tuyên truyền rằng, ChatGPT là trí tuệ, hiện đại nên đã đưa ra những câu trả lời khách quan, chính xác và “cần phải tin ChatGPT trả lời quá đúng”… Các đối tượng cũng thừa cơ viết bài miệt thị, nói rằng ở Việt Nam không có quyền tự do ngôn luận, không có quyền tự do báo chí, người dân không dám bày tỏ quan điểm của mình mà phải bắt buộc sử dụng các nguồn dữ liệu duy nhất của Việt Nam đang quy định. Rõ ràng, với những câu hỏi mang tính so sánh, ẩn dụ nghệ thuật, tính văn hóa hay những cảm xúc trong thơ ca, văn chương như vậy, “trí tuệ nhân tạo” như ChatGPT chưa đủ dữ kiện, tài liệu đối chứng để trả lời. ChatGPT nhiều khi trả lời có tính ngẫu nhiên như toán học, mang tính lập trình mà không thể trả lời được chính xác, đầy đủ dưới góc độ văn học, văn hóa, tư tưởng. Vì thế nó vẫn không thể thay thế con người trong việc tư duy, sáng tạo và đưa ra những nội dung chính xác. Điều đáng nói là những bài viết bằng cách đưa ra câu hỏi đáp với ChatGPT dạng này đã lôi kéo các thành phần xấu vào bình luận, chia sẻ, một số tài khoản cá nhân người dùng còn sử dụng những hình ảnh mang tính chất giải trí, đùa cợt mà không nhận thức hành động đó đã tiếp tay cho các thế lực xấu.

Một câu chuyện ngộ nghĩnh, đáng buồn cười có thể nêu ra đây về ChatGPT. Liên quan đến tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, ChatGPT đã đưa ra câu trả lời: “Anh ta (tức Ngô Tất Tố) được biết đến như một trong những người tiên tiến trong việc tắt đèn tại Việt Nam trong thập niên 20… Ngô Tất Tố tin rằng tắt đèn là một hoạt động nhỏ nhưng có tác dụng lớn trong việc bảo vệ môi trường”. Đây có thể xem là ví dụ điển hình cho thấy sự ngô nghê và những lỗ hổng rất lớn của ChatGPT trong quá trình thu thập thông tin để trả lời.  

Gần đây, một thành phần có tên là Thức Phạm lại dùng ChatGPT để lòe bịp cộng đồng mạng với bản “trường ca”: “Tại sao bắt người bất đồng chính kiến?”. Kẻ này lại bắt chước những trò đã diễn với ChatGPT để đặt ra những câu hỏi: “Việt Nam bắt nhiều người bất đồng chính kiến thì có làm cho đất nước kém phát triển không?”; “Tại sao có nhiều nước không bắt giữ người bất đồng chính kiến?”; “Tại sao hay như thế mà Việt Nam không làm theo?”; “Có phải trình độ kém mới sợ bất đồng chính kiến?”… Và tất nhiên, kẻ này nhận được câu trả lời theo ý muốn, như đã được soạn sẵn, đại loại: “Việc bắt giữ và xử lý người bất đồng chính kiến có thể dẫn đến một số hệ quả xấu, bao gồm sự giảm sút của tự do ngôn luận và nhân quyền, cũng như ảnh hưởng đến uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Do đó, để phát triển một xã hội dân chủ, việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt của mọi người là rất quan trọng”, hoặc “Chính phủ Việt Nam cần phải đối mặt với ý kiến trái chiều một cách trung thực và công bằng, đồng thời tìm cách thuyết phục và trao đổi quan điểm với những người có ý kiến khác”…

Cần nói rõ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: “Tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến”, “bảo vệ nhân quyền”. Như các quốc gia khác, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền dân chủ, tự do để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác. Các hoạt động điều tra, xét xử và giam giữ tuân theo các quy định của pháp luật. Quyền con người do pháp luật quy định và bảo đảm, không một tổ chức hay cá nhân nào được tùy tiện đưa ra quy định về việc thực hiện quyền con người để áp dụng cho một quốc gia. Nếu một xã hội không có thể chế pháp luật, mỗi cá nhân có hành vi tùy tiện theo ý muốn của mình thì xã hội sẽ trở nên hỗn loạn”. Có thể đưa ra đây một “ca” vừa bị pháp luật xử lý xem thành phần này là người vi phạm pháp luật hay “bất đồng chính kiến” mà những BBC, VOA, RFA, Tiếng Dân và nhiều kẻ chống khác gọi là “nhà hoạt động”, “nhà đấu tranh dân chủ”…

Ngày 28/3/2023, TAND Thành phố Hà Nội mở phiên tòa hình sự và kết án 6 năm tù đối với Trương Văn Dũng (SN 1958) về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự. Hãy xem hành tung của Trương Văn Dũng trong một số năm qua để biết y là người thế nào. Trước khi “dấn thân” vào “nghề dân chủ”, sống ở phố Ô Chợ Dừa, hành nghề xe ôm có biệt danh “Ly lùn Trương Văn Dũng”, đã có nhiều tiền án, tiền sự vì tội trộm cắp và gây rối trật tự công cộng. Do ghen tức với nhà hàng xóm trong cùng ngõ không thuộc diện bị giải tỏa, được ra mặt đường, Dũng khăng khăng đòi hưởng mức độ đền bù như nhà mặt đường. Khi không được chấp nhận, ông ta tự nhận mình là “dân oan” và bắt đầu gia nhập “hội anh em dân chủ” từ đó. Bị lực lượng xấu xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc phong cho cái danh hão: “người hùng dân chủ Trương Văn Dũng”. Thế là nhân vật này đã trở thành “con buôn dân chủ” được Việt Tân và đồng bọn dán nhãn “nhà bất đồng chính kiến”, “blogger, nhà đấu tranh dân chủ” càng khiến y ảo tưởng và ngày càng lấn sâu vào con đường tội lỗi. Một vài ví dụ được dân mạng liệt kê về “thành tích” làm nghịch tặc của nhân vật này, như: Trong hầu hết các vụ biểu tình gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội tại nhiều địa phương do bọn phản động khủng bố Việt Tân và các nhóm “dân oan”, “nhóm Nou”, “hội Anh em dân chủ” tổ chức thì Trương Văn Dũng hiếm khi vắng mặt, hưởng ứng với vai trò là hạt nhân xung kích. Mỗi bận như thế, Việt Tân và đám đồng bọn xem đó như bằng chứng tố cáo công an “đàn áp người yêu nước”: Ngày 02/6/2013, Trương Văn Dũng tố rằng mình bị công an Trại Phục hồi nhân phẩm đánh bất tỉnh với thương tích ở đầu, chấn thương sọ não, sắp chết, tung hê rùm beng, lên mạng xã hội. Ngày hôm sau, người dân đã thấy Trương Văn Dũng uống bia cùng đồng bọn, cười nói, rôm rả, chém gió, trong một quán bia hơi.

Ngày 25/10/2013, Dũng lại loan tin bị công an còng tay và 10 chiến sĩ công an phường Thụy Khê “tra tấn” đến mức gãy 3 xương sườn. Nhưng ngay sau đó, người dân đã thấy ông ta bình thường, tiếp tục hò hét, đấu tranh đòi hỏi vô lối. Ngày 22/12/2017, Dũng lại tố: “bị lực lượng công an đánh tàn bạo khi bị bắt về đồn công an phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam” trong phiên tòa phúc thẩm Trần Thị Nga. Nhưng ngay sau đó, người dân lại thấy hắn trên mạng xã hội với hình ảnh không hề xây xát và hoàn toàn khỏe mạnh. Những hành động của y đã nhiều lần bị cơ quan công an mời lên làm việc, nhắc nhở, cảnh cáo nhưng không hề sửa đổi mà vẫn tiếp tục lấn sâu hơn nữa với những hành vi, vi phạm pháp luật một cách trắng trợn, coi thường kỷ cương phép nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Có thể nhận rõ, những hành động và việc làm của Trương Văn Dũng hoàn toàn mang mục đích chống phá, kích động, chia rẽ, đả phá, tấn công vào lực lượng thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước và quy kết rằng đó là sản phẩm lỗi của chế độ cộng sản. Từ đó kêu gọi tẩy chay chế độ, chỉ trích, chống phá Đảng. Vậy Trương Văn Dũng có thể được gọi là “nhà bất đồng chính kiến” hay chỉ là một kẻ ít học nhưng thích thành “người hùng” và bị lợi dụng. Cuối cùng muốn nói, việc nghiêm trị những thành phần vi phạm pháp luật như Trương Văn Dũng, Phạm Trí Dũng, Phạm Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh… và gần đây nhất là Nguyễn Lân Thắng cho thấy họ chưa bao giờ có thể gọi là “nhà bất đồng chính kiến” thực chất chỉ là những kẻ háo danh, ảo tưởng bản thân lợi dụng các quyền tự do, dân chủ nhằm chống phá Nhà nước và sự yên bình của người dân. Thức Phạm đừng có lòe bịp. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét