Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

Lập lờ đánh lận con đen đấy mà

 Nhân Tâm


Vốn là nhà giáo, nên tôi thường quan tâm tới các thông tin về giáo dục, kể cả thông tin trên “lề phải” và cả trên “lề trái”. Những thông tin tích cực là tín hiệu vui cho những người đã và đang làm nghề “chèo đò” cho biết bao thế hệ học trò ngược dòng tìm kiếm tri thức mới. Đó là những tin vui về các giải cao của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường quốc tế, tin vui về các hoạt động giáo dục mang tính xã hội hóa, những tấm gương hiếu học, vượt khó vươn lên trong học tập, những thầy cô giáo bám bản, vượt rừng cao núi thẳm gieo con chữ, chăm cho trẻ thơ từng bữa ăn đạm bạc. Tuy nhiên, bên cạnh những trang tin mang 7 sắc cầu vồng, cũng có không ít những thông tin phản cảm, mang thiên kiến chính trị, đáng lưu ý là ý kiến cho rằng, giáo dục Việt Nam “dạy trẻ vâng lời sẽ đào tạo con người nô lệ”. Tôi thấy cần phải nói lại mấy ý sau:

1.Việc dạy trẻ thơ biết vâng lời thầy cô, ông bà, cha mẹ, người lớn là một điều cần thiết, mang ý nghĩa dạy làm người, dạy cách ứng xử có đạo lý, gia phong. Từng có ý kiến muốn đảo chiều phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”, đã tạo nên một cuộc tranh luận trên không gian mạng và cả trên diễn đàn giáo dục của đài truyền hình Việt Nam. Cuối cùng, đa số ý kiến vẫn cho rằng, nên giữ nguyên phương châm đã có từ ngàn xưa, vì cái cần nhất của giáo dục là dạy làm người. Học “lễ” chính là học các phép tắc chuẩn mực để con người biết ứng xử phù hợp, có văn hóa với mọi người, với thiên nhiên, vạn vật và cả với chính mình. Ông Mác đã dạy, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội và tự nhiên, nghĩa là đặt con người trong một thế giới rộng lớn, bao la, đó là chiếc lồng vô hình vũ trụ, con người là một trong muôn triệu tiểu vũ trụ, nếu không tuân thủ nguyên tắc ứng xử phù hợp thì sẽ nguy vong.

Đại thi hào Nguyễn Du từng đúc kết chiêm nghiệm triết lý sống nhân gian rằng “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Bác Hồ từng chỉ dạy, muốn có CNXH thì phải xây dựng con người XHCN, phải giáo dục con người “vừa hồng vừa chuyên”, có đức, có tài, kế tục sự nghiệp cách mạng nước nhà, là nhân tố quyết định xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam.

Thời phong kiến, nền giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng của giáo dục đạo Khổng bên Trung Hoa, nhưng đó là thứ tinh hoa giáo dục làm người, nên không vì thế mà khước từ, chối bỏ nó. Những bậc hiền tài thời phong kiến của Đại Việt, tuy chịu ảnh hưởng của Đạo Khổng, nhưng đã Việt hóa để hình thành triết lý giáo dục yêu nước, thương nòi, coi trọng đạo lý trên đời.

Thời hiện đại, giáo dục Việt Nam có nhiều cách tân, học tập giáo dục phương Tây, song việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc không hề buông lơi. Vì thế, thời nay, trước sự tác động sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời đại số hóa và trí tuệ nhân tạo đang tác động tới đời sống xã hội, song trí tuệ cảm xúc là điều không thể thay thế được, bởi những rung động nhân tâm trước cuộc sống là điều quan trọng trong nhận thức và hành vi con người. Trong nhà trường phổ thông, trước đây có môn Đạo đức, sau có môn Giáo dục công dân, nhưng không chỉ có những môn học này đảm nhiệm dạy học đạo lý làm người, mà việc giáo dục đạo đức được tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động giáo dục nhà trường, gắn với xã hội và gia đình. Dạy lời ăn, tiếng nói, việc làm mang tính lễ nghĩa tưởng chừng như chỉ có trong mấy trang sách, song thực chất là trong toàn bộ đời sống xã hội, nhất là sự nêu gương của người lớn. Trẻ thơ ở mầm non, trẻ em ở tiểu học, học sinh ở trung học cơ sở, trung học phổ thông, cho đến sinh viên các trường đại học, nếu không lắng nghe lời dạy bảo, chỉ dẫn của thầy cô giáo thì chắc chắn sẽ mất đi cơ hội tiếp xúc, lắng nghe điều hay lẽ phải, giống như mất đi một thứ ánh sáng cuộc đời, tự mò mẫm, trả giá trong cuộc sống sinh tồn. Sự vâng lời ở đây không có nghĩa là đánh mất quyền tự chủ, tự quyết, mà là chấp nhận và tranh thủ một cơ hội hướng đạo. Cũng giống như người lái đò, các thầy cô giáo sẽ vượt sóng lớn, đưa học trò sang bến bờ nhận thức đúng, cao và xa hơn, bước đi trên đường đời, mà không bị mất phương hướng, chìm đắm, vấp ngã, trước giông bão cuộc đời.

2.Nô lệ là một thuật ngữ chỉ thân phận người dân mất nước, mất quyền được sống, được làm người. Trong lịch sử, những người nô lệ châu Phi bị biến thành công cụ biết nói, là sở hữu của chủ nô.

Thời phong kiến, mọi chân lý thuộc về ông vua và các lãnh chúa, công hầu, bá trước, người dân bị coi là cỏ cây, rơm rác (thảo dân, lê dân), chỉ biết phục tùng, vua bắt chết thì phải chết. Thời cận đại, sự thống trị của chủ nghĩa thực dân đã đè nặng lên các dân tộc thuộc địa trái núi mất tự do, mòn mỏi héo hon vì thân phận tôi đòi. An Nam trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” là một trong những minh chứng cho việc “khai hóa văn minh” do thực dân Pháp “ưu ái ban tặng” cho con người.

Cuộc khảo sát thế giới của Nguyễn Tất Thành cũng đã giúp cho Người nhận thức được rằng, thế giới chỉ có 2 hạng người, hạng người áp bức ở đâu cũng tàn ác như nhau, hạng người bị áp bức thì ở đâu cũng thống khổ như nhau. Ở An Nam, ngoài vài phần trăm dân số được tiếp cận giáo dục nô dịch, làm tay sai cho chế độ thực dân, còn hơn 95% dân số mù chữ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, hơn 95% dân số bị mù chữ lại rất sáng suốt đi theo cách mạng, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945. Ngay sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh, Người kỳ vọng non sông Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không là nhờ phần lớn công học tập của các cháu.

Nền giáo dục Việt Nam từ chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nền giáo dục nhân bản, nhân văn: “Một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh Việt Nam”. Mục tiêu tối thượng của nền giáo dục đó là đặt con người vào trung tâm của cách mạng, muốn vậy phải giáo dục lý tưởng cách mạng và cung cấp tri thức cách mạng. Lý tưởng cách mạng là mẫu số chung cho đạo đức xã hội, vì đó là cội rễ giúp cho người Việt Nam khơi dậy được ý chí, khát vọng dân tộc trường tồn. Trường học của Việt Nam khác với trường học ở nhiều nước khác, đó chính là trường đời đấu tranh cách mạng, đấu tranh bảo vệ chân lý “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”. Nguyễn Tất Thành trước khi rời xa Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, Người đã tìm đến gặp cha đẻ của mình, lắng nghe lời cha dặn phải cứu nước, cứu dân, đó mới là đạo hiếu cao nhất. Trong tâm khảm của Nguyễn Tất Thành, sự vâng lời đối với cha đồng nghĩa là biết lắng nghe tiếng vọng lịch sử oai hùng, bi thương của dân tộc. Những tháng ngày học ở Trường quốc học Huế, dù được hưởng một nền giáo dục mang tiếng là “văn minh”, nhưng đầy rẫy sự dối trá, dối trá nhất là nước Pháp tự nhận là “mẫu quốc” của An Nam, coi người Gô loa là tổ tiên của người An Nam.

Nếu chỉ muốn một cuộc sống giàu sang vật chất, chắc Nguyễn Tất Thanh đã không tham gia vào Phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, chắc không bị đuổi học. Khi dừng chân làm thầy giáo ở Trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dạy học trò tiểu học những trang sử hào hùng dân tộc, khích lệ tinh thần yêu nước trong tâm hồn trẻ thơ. Trong việc chuẩn bị lực lượng cách mạng, Người luôn coi trọng phải giáo dục thế hệ trẻ, nên đã lập ra nhi đồng cứu quốc, thanh niên cứu quốc.

Tác phẩm đầu tay khi Người trở về sau 30 năm tìm đường cứu nước là cuốn “Lịch sử nước ta” viết theo lối văn vần, để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. Khi đã làm Chủ Tịch nước, Bác Hồ luôn quan tâm tới giáo dục, chăm sóc trẻ thơ, điều đầu tiên là Người căn dặn các cháu phải chăm ngoan, vâng lời thầy cô, ông bà, cha mẹ; sau mới đến học giỏi, rồi còn phải tích cực tham gia làm việc tốt, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ/tùy theo sức của mình, để tham gia kháng chiến”.

Trong Lời Di chúc thiêng liêng, điều cuối cùng của Người là mong muốn Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn quan tâm giáo dục thế hệ trẻ, đào tạo họ trở thành người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng nước nhà. Như vậy, sự vâng lời trong giáo dục Việt Nam hoàn toàn không có nghĩa là làm thui chột trí tuệ trẻ thơ, uốn trẻ thơ trong khuôn phép lễ giáo, kìm hãm tính sáng tạo con người. Khi con người học chỉ vì động cơ kiếm tiền và giàu sang vật chất, đó mới chỉ là lẽ thường tình. Khi con người học tập để tự khẳng định mình trong xã hội, đó cũng chỉ mới ở mức có chí vươn lên trong cuộc sống để “hơn người”.

Khi con người biết học để cống hiến cho đất nước, phụng sự nhân dân, điều đó cho thấy đã có khát vọng dân tộc. Giáo dục Việt Nam dù chưa đủ sức thu hút, hấp dẫn người ta về cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục, song chắc chắn đã có đủ tiền đề giáo dục tinh thần yêu nước. Một khi đã có tinh thần yêu nước thì chẳng ai bắt được người Việt Nam phải chịu kiếp đời nô lệ. Vâng lời, lắng nghe điều hay lẽ phải để biết sống có đạo lý, đó là gốc rễ của nhân tâm, lắng nghe tiếng gọi của non sông đất nước, đó là khởi nguyên của ý chí, khát vọng trường tồn dân tộc./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét