Hành động xin thoát nghèo của cụ Mơ khiến nhiều người xúc động
Danh dự là gì?
Dưới
góc độ Triết học, danh dự được coi như một thành tố thuộc phạm trù đạo
đức. Danh dự có ý nghĩa rất lớn, nó như một
đòn bẩy, thúc đẩy con người làm điều thiện, điều tốt; như một barrie, một rào
chắn ngăn ngừa điều ác, điều xấu. Người xưa trọng danh dự như mạng sống, thậm
chí còn hơn cả mạng sống. Họ có thể tuẫn tiết để bảo toàn danh dự. Sử sách từng
ghi gương sáng Hai Bà Trưng, thà trẫm mình dưới dòng sông Hát, để lại tiếng
thơm muôn đời, còn hơn làm tỳ thiếp quân thù; Hay Tổng đốc Nguyễn Tri Phương,
khi bị giặc bắt, ông thà tuyệt thực, chọn cái chết quyết không quy hàng. Lời
tuyên bố đanh thép: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao
bằng thung dung chết về việc nghĩa” đã khiến quân giặc nao núng, đồng thời thổi
bùng ngọn lửa yêu nước trong nhân dân. Tiếp nối gương Tổng đốc Nguyễn Tri
Phương, Tổng đốc Hoàng Diệu, khi Hà thành thất thủ cũng không ngần ngại tự
vẫn, bảo toàn khí tiết và danh dự. Cũng vì danh dự, các võ sĩ đạ Nhật bản sẵn
sàng mổ bụng tự sát. Đối với họ, mạng sống, cái chết “nhẹ tựa lông hồng”. Danh
dự mới là điều còn mãi. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Đó cũng chính
là cái “khí”, cái “chí”, cái “giá trị” làm người.
Pavel Korchagin, một nhân vật trong “Thép đã tôi thế
đấy” đã từng tâm niệm: "Đời người chỉ
sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã
sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình để
khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến
dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời; sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài
người”. Đó không chỉ là lý tưởng sống, là danh dự của lớp thanh niên thế
hệ Pavel, mà còn là danh dự, lẽ sống của biết bao người chân chính.
Xoay quanh thuật ngữ “danh dự”, hiện có nhiều quan niệm khác
nhau. Riêng trong cuốn A Dictionary of the English Language, Samuel Johnson
quan niệm, danh dự có 3 nghĩa. Nghĩa đầu tiên, danh dự chính là phẩm chất của
đạo đức, là “Quý tộc của linh hồn, cao thượng và sự khinh miệt những gì hèn hạ”. Kiểu danh dự này xuất phát
từ niềm vinh dự khi có hạnh kiểm đạo đức cá nhân và sự chính trực của người có
nó. Nghĩa thứ hai, Johnson cho rằng danh dự là một "đặc quyền của cấp
bậc" và là "sự tôn trọng", "đặt một cá nhân về mặt xã hội
và xác định quyền ưu tiên của mình". Loại danh dự này phát sinh do quyền
lực, do vị trí, địa vị xã hội. Nghĩa thứ ba, Jonhson khẳng định, danh dự là sự
“trinh tiết”.
Tuy nhiên, trên thực tế, danh dự có thể được xem xét ở khía
cạnh cá nhân (danh dự của người A, người B…), ở khía cạnh tập thể một nhóm hay
tầng lớp người trong xã hội (danh dự của tầng lớp trí thức, danh dự của giai
tầng quý tộc, danh dự của võ sĩ đạo…), hay ở khía cạnh một quốc gia, dân tộc
(danh dự Việt Nam, danh dự Nhật Bản…) mà chúng ta thường gọi là “quốc sỉ”. Ở
mỗi khía cạnh, danh dự sẽ bao hàm những đặc trưng riêng.
Tiếp cận từ khía cạnh cá nhân, danh dự được coi như một trong
những phẩm chất cao quý của mỗi người, là giá trị làm người. Danh dự chính là sự coi trọng, đánh
giá cao của dư luận xã hội đối với một người dựa trên các giá trị tinh thần,
đạo đức của người đó. Do đó, danh dự không
chỉ được xã hội công nhận mà còn được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Danh
dự bắt nguồn từ đâu?
Thứ
nhất, danh dự đến từ những cống hiến thực tế của cá nhân đối với xã hội, từ lối
sống có trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc; từ sự
biết quan tâm, ứng xử đẹp với gia đình, người thân, bạn bè, làng xóm; từ sự dám
đương đầu chấp nhận khó khăn, thách thức, dám đấu tranh với cái bất thiện, xấu,
ác trong xã hội.
Thứ
hai, danh dự xuất phát từ chính thái độ tự trọng đối với bản thân. Sự cần,
kiệm, liêm, chính; biết dừng; biết đủ, không tham lam của người, của công, của
tập thể; sống trung thực, thành thật, giữ chữ tín;… là những điều kiện căn bản
kiến tạo danh dự.
Thứ
ba, danh dự được xác định qua thái độ biết tôn trọng và bảo vệ danh dự của
người khác. Đây chính là điều cần thiết nâng tầm giá trị bản thân.
Tuy
gắn liền với cá nhân, nhưng danh dự mang tính xã hội lớn. “Trăm năm bia đá thì
mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn lưu danh”. Danh dự, tiếng tăm không chỉ ảnh
hưởng đến một cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cả gia đình, dòng họ, ngành và quốc
thể phụ thuộc vào vị trí xã hội, tầm ảnh hưởng của cá nhân đó. Danh dự
không chỉ ảnh hưởng một đời mà còn lưu truyền tới vạn niên.
Qua
lời nhắc nhở của Tổng Bí thư, cũng là dịp để mỗi cán bộ đảng viên nhìn lại
những lời mình nói, những việc mình làm để từ đó, biết cách tự soi, tự sửa, giữ
gìn danh dự cho mình và cho Đảng.
“Danh dự” - Phẩm chất "Đạo đức cách mạng"
Trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng", Chủ tịch Hồ Chí Minh
khẳng định:"Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu
tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng
mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
Với đội ngũ cán bộ, đảng viên, danh dự, uy tín không thể đo đếm
hay mua bằng tiền, vàng hoặc vật chất. Danh dự cũng không bỗng dưng có được, mà
phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại đau đáu
suốt nhiều năm qua về việc tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên. Bởi, bên
cạnh đại đa số cán bộ đảng viên suốt đời trung thành với lý tưởng, biết giữ lời
thề với Đảng, biết bảo vệ thanh danh cho mình và cho Đảng, thì vẫn còn một bộ
phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã tự đánh mất phẩm giá thiên lương, làm hoen ố
danh dự của người cộng sản. Họ đã không kiên tâm, bền chí nuôi dưỡng, bồi đắp
và bảo toàn danh dự hai tiếng "Đảng viên".
Biết giữ lời thề của đảng viên là biết giữ lương tâm, danh dự,
phẩm chất, giá trị, uy tín của người cộng sản. Mang theo lời thề thiêng liêng
ấy, hơn 9 thập kỷ đồng hành cùng dân tộc, hàng trăm nghìn cán bộ đảng viên đã
chiến đấu và anh dũng hy sinh thân mình vì nước, vì dân. Bởi hơn ai hết, họ
biết đã là người cộng sản thì "danh dự của riêng thân", cũng "là
của chung đồng chí". Nên "phải giữ gìn tỉ mỉ, như tròng mắt con
ngươi…"( Thơ Tố Hữu).
Thực tiễn những năm qua, cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên vì
sự cám dỗ của "mồi phú quý, bả vinh hoa" mà tự đánh mất mình. Với
những đảng viên bị kỷ luật trong thời gian gần đây, trong đó có cả những cán bộ
cao cấp, họ có thừa cơ mưu để chiếm đoạt tiền bạc, công sản của nhà nước làm
của riêng, nhưng lại thiếu một phẩm chất căn bản là giữ Liêm - Sỉ, khi tự nhận
mình là "công bộc của dân". Mặc dù, ai cũng hiểu rằng, muốn làm cán
bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, trước hết phải là một người chân chính, biết trọng
Liêm Sỉ, Danh dự.
Chính lòng tham, sự suy thoái đạo đức chứ không phải là gì khác,
đã hủy hoại toàn bộ sự nghiệp, danh dự, lý tưởng của hàng trăm cán bộ từ trung
ương đến địa phương, nhất là những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong
đó, đáng chú ý là từ nhiệm kỳ XII đến nay, đã có nhiều Ủy viên Trung ương, Ủy
viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, cách chức, từ chức, có người còn phải đối mặt với
sự trừng phạt của pháp luật, vì đã bất chấp pháp luật và đạo lý, trục lợi, kiếm
chác trên sự thống khổ, mất mát của người dân. Chính họ đã tự đánh mất danh dự
cá nhân, làm hoen ố uy tín của tổ chức Đảng, giảm sút lòng tin của nhân dân vào
chế độ.
Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, phòng chống tham
nhũng, tiêu cực nói riêng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nêu rõ
"là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả
cây, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm
phục, khẩu phục".
Người xưa từng nói, lấy gương để soi mình thì có thể sửa được đầu
tóc, trang phục nhưng lấy lịch sử để soi mình, có thể học được những bài học
lớn cho sự phát triển. Cái mới nhiều khi chính là cái đúng đã bị che khuất hoặc
lãng quên trong quá khứ được khôi phục và tái xuất hiện trong hoàn cảnh mới.
Ngẫm lại, với tư cách là “người đảng viên” phải luôn khắc
cốt ghi tâm rằng, một khi đã đánh mất nhân phẩm và danh dự là đánh mất đi giá
trị làm người. Giữ gìn phẩm giá, danh dự, uy tín của người đảng viên không chỉ
là giữ cho mình mà còn là cách để giữ gìn và bảo vệ danh thơm, tiếng tốt cho
Đảng tốt nhất./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét