Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

USCIRF lại giở chiêu trò “Chọc gậy bánh xe”!

 



Minh Quân

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ – J. Biden sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao sang thăm chính thức Việt Nam vào hai ngày 10 – 11/9/2023 nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.

Nhân sự kiện này, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) lại cáo cho rằng Việt Nam “ đàn áp đối với xã hội dân sự, áp lực gia tăng đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập, cưỡng bức từ bỏ đức tin và các vi phạm tự do tôn giáo ngày càng gia tăng khác” và kết luận rằng Việt Nam “vi phạm các cam kết đảm bảo quyền tự do tôn giáo”(!). Đây là một luận điệu xuyên tạc nhằm bôi nhọ hình ảnh nền dân chủ của nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình, phát triển ổn định, có nhiều đóng góp cho sự phát triển ở khu vực và thế giới!

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, tự do là “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; hoạt động của các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các hoạt động tôn giáo. Nếu tổ chức, cá nhân nào hoạt động vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý đích đáng theo quy đinh của pháp luật. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 2013, quy định:

“- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

– Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

– Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Cụ thế hoá Hiến pháp 2013, Nhà nước Việt Nam đã ban hành Luật tín ngường, tôn giáo. Điều 6 của Luật này quy định như sau:

– Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

– Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

– Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

– Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

– Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”.

Luật pháp rõ ràng, nên đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Mặc dù là một quốc gia đa tôn giáo, gồm cả những tôn giáo nội sinh và các tôn giáo du nhập từ bên ngoài nhưng các tổ chức tôn giáo, các tín đồ đều sống “tốt đời, đẹp đạo”, nêu cao tinh thần yêu nước, hoạt động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, cùng thực hành đoàn kết Lương – Giáo, đồng hành cùng dân tộc, xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Cùng với đó, Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo trong việc đăng ký sinh hoạt, thành lập cơ sở đào tạo tín đồ, in ấn, phát hành kinh sách, đồ dùng việc đạo hay trong giao lưu, hợp tác quốc tế.

Ngày nay, ở khắp mọi miền của đất nước Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn, như: Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Tây Ninh, Cần Thơ,… các sinh hoạt tôn giáo diễn ra sôi nổi, đa dạng và phong phú. Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức trang nghiêm, quy mô, thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng, như: Phật đản (Phật giáo), Noel (Công giáo và đạo Tin lành), Ngày khai đạo (Cao Đài, Hòa Hảo), Ramadan (Hồi giáo),… Lễ hội của nhiều tôn giáo đều trở thành lễ hội chung vui của toàn dân tộc và được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự. Đặc biệt, lễ Phật đản của Phật giáo đã chính thức được UNESCO công nhận là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của thế giới. Như vậy, Nhà nước Việt Nam đã luôn tạo điều kiện để nhân dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Việc đa dạng các hoạt động tôn giáo là minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Thực tế khách quan nay đã bác bỏ sự xuyên tạc tình hình tự do, tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam của USCIRF.

Thực ra, USCIRF luôn tự cho mình cái quyền đánh giá, nhận xét về tình hình đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, USCIRF đề ra tiêu chuẩn “kép”, nếu là những quốc gia “cùng hội, cùng thuyền” thực hành dân chủ kiểu phương Tây, kiểu Mỹ, thì họ ca ngợi hết lời. Còn nếu không, thì họ tìm mọi cách để xuyên tạc về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước đó, tró đó có Việt Nam. USCIRF nên nhớ rằng, mối quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ hiện nay là mối quan hệ đối tác toàn diện và ngày càng sâu sắc. Việt Nam công nhận, tôn trọng thể chế chính trị, nền dân chủ của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ công nhận, tôn trọng thể chế chính trị, nền dân chủ Việt Nam.

Đó là lợi ích chính đáng của cả hai nước, hai dân tộc.

Hiện nay, Việt Nam – Hoa Kỳ đều đã và đang tìm mọi cách làm sâu sắc mối quan hệ đối tác toàn diện nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước và hoà bình, phát triển trong khu vực và thế giới. Hành động “chọc gậy bánh xe” của USCIRF là đi ngược lại xu thế trên, làm tổn hại đến lợi ích của hai dân tộc, nhân dân hai nước cần phải lên án và nhất định bị thất bại./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét