Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

Cần khách quan trong nhìn nhận, đánh giá về Việt Nam

 


 

Lâu nay, những người có thâm thù, không ưa Nhà nước Việt Nam đã không tiếc lời phê phán sự yếu kém của Nhà nước ta. Họ sử dụng đủ các ngôn từ từ thâm thúy, xỉa xói đến những ngôn từ thô thiển, tục tĩu… tất cả đều nhằm hạ bệ, phủ nhận Nhà nước Việt Nam mà họ không chịu suy nghĩ, hoặc họ biết nhưng cứ làm ngơ đem Nhà nước ta ra so sánh với nước nọ nước kia để có “cơ sở” kết luận Nhà nước ta không bằng các nhà nước đó. Từ đấy họ cho rằng, phải thay đổi Nhà nước hiện tại bằng nhà nước khác để đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu(!).

Thoảng qua, những ai nhẹ dạ cả tin thấy có lý, nhưng suy nghĩ, tìm hiểu căn nguyên của sự khác nhau đó thì chúng ta sẽ hiểu và thấy rõ thâm ý của những ý kiến đòi thay Nhà nước ta bằng nhà nước khác.

Nhìn lại lịch sử ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam cho thấy, trong quá trình phát triển Nhà nước ta chia ra làm hai thời kỳ:

Một là, thời kỳ nhà nước tổ chức toàn dân tộc thực hiện thắng lợi các cuộc chống ngoại xâm, thống nhất đất nước (1945-1975). Thời kỳ này, Nhà nước công nông còn non trẻ, vừa mới ra đời còn thiếu thốn đủ mọi thứ từ đội ngũ cán bộ có trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến kinh tế còn bộn bề khó khăn… Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” mà nhà nước ấy đã phải tổ chức toàn dân kháng chiến chống lại thực dân, đế quốc sừng sỏ của thế giới. Mà chiến tranh có quy luật của nó, nên nhà nước ấy phải tổ chức toàn dân tộc theo quy luật của chiến tranh nhằm tạo nên sức mạnh vượt trội giành chiến thắng theo quy luật: Mạnh được yếu thua. Và nhà nước ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi tổ chức toàn dân tộc đánh bại hai tên đế quốc hàng đầu của thế giới trong thế kỷ XX.

Trong giai đoạn này, nhiệm vụ nổi trội của nhà nước là tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng kẻ thù xâm lược, nên mặc dù có thực hiện nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế, như Đảng đã đề ra thực hiện hai chiến lược cách mạng: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhưng xây dựng miền Bắc để trở thành hậu phương lớn của miền Nam ruột thịt nên xây dựng, phát triển kinh tế cũng để phục vụ cho chiến tranh là chính.

Hai là, thời kỳ nhà nước xây dựng CNXH (1975-nay). Khi đất nước giành toàn thắng, thống nhất đất nước bước vào xây dựng CNXH, Nhà nước Việt Nam từ quản lý, điều hành đất nước thời kỳ chiến tranh chuyển sang nhà nước quản lý, tổ chức, điều hành đất nước xây dựng CNXH mà không thay bằng nhà nước khác, vẫn là nhà nước ấy nhưng thực hiện nhiệm vụ mới. Đây là bước chuyển đầy khó khăn và đòi hỏi phải có thời gian. Chính những ưu việt của nhà nước thời kỳ kháng chiến lại là những níu kéo, lực cản khi nhà nước ấy thực hiện nhiệm vụ mới – nhiệm vụ xây dựng. Chẳng hạn như cơ chế tập trung thời kỳ kháng chiến đã tạo nên tính ưu việt trong kháng chiến, chuyển sang thời kỳ xây dựng đất nước, nhà nước ấy không dễ gì từ bỏ, đòi hỏi phải qua thực tiễn kiểm nghiệm 10 năm (1975-1985) mới thấy cơ chế cũ không còn phù hợp để chuyển sang cơ chế mới – cơ chế thị trường. Điều đó cho thấy, nhận thức là một quá trình, vì thế muốn thay đổi cơ chế chính sách cũng đòi hỏi phải có thời gian dài hơn thời gian của nhận thức.

Đặc biệt, bộ máy nhà nước thời kỳ xây dựng đất nước phải chịu nhiều tác động hơn so với bộ máy nhà nước thời kỳ chiến tranh. Trong thời kỳ chiến tranh, toàn dân nói chung, bộ máy nhà nước nói riêng chịu sự tác động của bom đạn, của đạn bọc đồng, phân rõ giới tuyến địch – ta, nên cũng dễ đề cao cảnh giác để có thể tránh được bom, đạn của kẻ thù. Nhưng bộ máy nhà nước thời kỳ xây dựng đất nước chịu nhiều tác động hơn, họ chịu nhiều cám dỗ cả vật chất, tình cảm, tinh thần… chịu tác động của “đạn bọc đường” mà “mật ngọt chết ruồi” nên đội ngũ cán bộ của nhà nước khó nhận biết được chính – tà. Vì thế, bộ máy nhà nước ấy dễ bị cám dỗ, tha hóa, xa rời phẩm chất, đạo đức, lối sống của người cộng sản. Điều đó phần nào lý giải câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thắng đế quốc đã khó, thắng nghèo nàn, lạc hậu còn khó hơn nhiều.

Trong khi các nhà nước mà họ đưa ra so sánh với Nhà nước Việt Nam lại chỉ thực hiện một nhiệm vụ là xây dựng và phát triển đất nước xuyên suốt của cả quá trình ra đời phát triển của các nhà nước đó, thời gian các nhà nước ấy thực hiện nhiệm vụ xây dựng đất nước cũng dài hơn nước ta. Vì thế, họ có thành quả xây dựng đất nước tốt hơn nước ta cũng là lẽ đương nhiên và dễ hiểu. Thế nên, vẫn biết rằng mọi sự so sánh đều là khập khễnh, nhưng sự so sánh của họ giữa Nhà nước ta với một số nước không chỉ là sự khập khễnh mà còn là sự bất công nữa! Vậy mà họ cứ phê phán, phê phán lấy được để đưa ra kết luận cần phải thay Nhà nước Việt Nam hiện nay bằng nhà nước khác. Và họ là những người đảm nhiệm nhiệm vụ của nhà nước khác đó để thay cho nhà nước hiện tại. Thật là “sáng kiến vĩ đại” đến những em bé cũng phải… phì cười. Điều ấy cho thấy, những người phê phán Nhà nước ta đã không khách quan trong đánh giá về vai trò của Nhà nước ta hiện nay. Để Nhà nước ta hiện nay thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần đẩy mạnh xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh. Theo đó, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ nhà nước “vừa hồng, vừa chuyên” theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Đẩy mạnh việc học tập thực chất theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mỗi tổ chức Đảng, chính quyền các cấp. Thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân cùng tích cực tham gia công cuộc đầy khó khăn, thách thức này. Cùng với đó là có cơ chế, chính sách phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của đội ngũ này để họ một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, dân với Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, v.v./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét