Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Ngoại giao độc lập và đa phương không làm Việt Nam mất bè bạn

 


Việc Tổng thống Joe Biden sang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và việc Việt Nam – Mỹ nâng quan hệ lên cấp “đối tác chiến lược toàn diện” khiến các tổ chức chống cộng hải ngoại khó có thể tiếp tục hô hoán rằng Chính phủ Việt Nam “quy phục” Bắc Kinh. Thay vào đó, họ chuyển sang áp dụng một lối tuyên truyền quy chụp gượng gạo khác, khi nói rằng Việt Nam đang chọn “đi dây” giữa Mỹ và Trung Quốc, hay Việt Nam không “thật lòng” khi nâng cấp quan hệ với Mỹ.

 

Từ lâu, Việt Nam luôn khẳng định phong cách ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đó là: “mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, tuỳ cơ ứng biến”. Phong cách này giúp Việt Nam ngày càng phát triển, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế và được nhiều chuyên gia quốc tế ghi nhận.

Các nước đang phát triển cũng duy trì chính sách cân bằng, uyển chuyển trong quan hệ với các nước lớn. Để thấy rõ điều này, ta hãy xem quan hệ giữa Trung Quốc và Thái Lan – một đồng minh truyền thống của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á – đang biến chuyển theo hướng nào từ đầu năm đến nay. Hồi tháng 4 năm nay, Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Trung Quốc đã họp bàn về việc tăng cường sử dụng đồng Baht và Nhân dân tệ trong thanh toán thương mại giữa hai nước, thay vì tiếp tục dùng USD làm đồng tiền trung gian để trao đổi. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan, đây là một giải pháp để nền kinh tế Thái Lan hạn chế các thiệt hại mà họ gánh chịu từ sự biến động liên tục của đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ bị suy thoái. Nếu Việt Nam áp dụng một giải pháp tương tự để giảm thiểu thiệt hại từ những biến động kinh tế trong thời gian qua, hẳn giới chống cộng hải ngoại đã quy kết chính phủ là “thân Trung Quốc”, “bán nước”, và hô hào biểu tình bạo động. Không dừng ở đó, hồi tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan và Trung Quốc đã gặp mặt để bàn về nhiều hình thức hợp tác, bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc – Thái Lan và các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc – Lào – Thái Lan.

Về hợp tác quốc phòng – an ninh, những năm qua, Thái Lan đã mua nhiều đơn hàng vũ khí có giá trị lớn từ Trung Quốc, như mua 28 xe tăng hạng nặng VT4 với tổng trị giá khoảng 140 triệu USD năm 2016, 11 chiếc với giá khoảng 58 triệu USD vào năm 2017, 14 chiếc với giá hơn 66 triệu USD vào năm 2018. Năm 2017, Thái Lan cũng đặt mua một tàu ngầm lớp Nguyên với giá 395 triệu USD, và còn dự kiến đặt mua thêm 2 chiếc loại này với tổng giá trị 657 triệu USD. Cuối tháng 4/2023, Hải quân Hoàng gia Thái Lan còn chính thức tiếp nhận tàu đổ bộ HTMS Chang với giá khoảng 130 triệu USD. Loại tàu này có độ choán nước toàn tải lên đến 25.000 tấn, có thể chở theo 800 binh sĩ, 4 tàu đổ bộ đệm khí, hàng chục xe chiến đấu bộ binh… Hay hồi tháng 6 vừa qua, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Narongphan Jitkaewtae đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng song phương.

Thái Lan không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đang giữ quan hệ ngoại giao nồng ấm với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Philippines, một đồng minh truyền thống khác của Mỹ trong khu vực, cũng đã tìm cách đẩy mạnh hợp tác với cả hai cường quốc từ nhiều năm nay. Singapore – một hòn đảo có nhiều người Hoa và hội nhập sâu sắc vào trật tự Mỹ – cũng đã chọn chính sách tương tự. Đó là cách để các nước nhỏ xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn, gia tăng sức mạnh và vị thế, tạo đà phát triển đất nước, tiến đến độc lập, tự cường, thay vì tự trói mình vào những lời lẽ hữu nghị viển vông, để rồi bị biến thành con tốt trong cuộc cờ của người khác.

Nếu nhìn rộng ra, người ta sẽ không thể nói rằng các nước Đông Nam Á vừa nêu đang “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là thời bình, đời sống của người dân không chỉ gói gọn trong chuyện quân sự, người dân các nước khác nhau có quyền buôn bán, trao đổi với nhau mà không bị ngăn cấm. Mọi chính phủ đều phải tạo thuận lợi cho những quan hệ hợp tác vô cùng đa dạng đó, thay vì chỉ chăm chăm nghĩ đến chuyện xung đột toàn cầu hoặc chiến tranh. Khi giới chống cộng hải ngoại gọi chính sách ngoại giao độc lập, đa phương của Việt Nam là “đu dây”, họ đang kẹt trong thái độ bè đảng, hiếu chiến thời Chiến Tranh Lạnh, một thái độ mâu thuẫn với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Thêm nữa, không có chuyện Việt Nam bất tín với Mỹ khi thi hành chính sách ngoại giao độc lập, đa phương, không liên minh với nước này để chống nước kia. Mọi phát biểu của các quan chức Mỹ quanh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden đều cho thấy họ ý thức rõ lựa chọn này của Việt Nam và tôn trọng nó. Và chỉ khi lựa chọn đó của Việt Nam được tôn trọng, Chính phủ Việt Nam mới đồng ý nâng quan hệ ngoại giao với Mỹ lên cấp “đối tác chiến lược toàn diện”. Việc Tổng thống Joe Biden không dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia như dự tính, mà đến thẳng Việt Nam, cho thấy Mỹ vẫn đang dành cho Việt Nam một thái độ trọng thị, hoàn toàn khác với những gì giới chống cộng hải ngoại tưởng tượng.

Điều này hoàn toàn khác với mối quan hệ giữa chính quyền Sài Gòn với Mỹ trước đây – khi Việt Nam Cộng hoà chỉ  là “tay sai” cho Mỹ. Giới chống cộng hải ngoại – một nhóm người xun xoe mong được chụp hình với quan chức Mỹ, có lẽ sẽ không hiểu nổi điều bình thường đó.

AnNam Mít

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét