Đức Minh
Trong xu thế phát triển của nền chính trị thế giới hiện nay, việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền nói chung, lợi dụng tự do tôn giáo nói riêng để chống phá nước này, nước kia là hoạt động lỗi thời, không phù hợp. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ mà tiếp tục lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống phá Việt Nam. Tại một số nước, vẫn còn có các nhóm người công khai lợi dụng vấn đề tôn giáo, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam…
Đáng lưu ý mới đây, đài RFA cùng một số trang mạng xã hội của các tổ chức phản động lưu vong ra sức tung hô, khuyếch trương, cái gọi là buổi “Hội luận Ngày Quốc tế tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo hay niềm tin” (22/8) do “Ủy ban Cứu trợ người vượt biển – BPSOS” tổ chức. Nhiều tài liệu từ buổi “Hội luận…” này được RFA và một số trang mạng xã hội phát tán có nội dung thông tin xuyên tạc tình hình tôn giáo tại Việt Nam, vu cáo Việt Nam “đàn áp” các “nhóm tôn giáo độc lập”,… Cần phải nói ngay rằng, những người đưa ra các luận điệu trên chứng tỏ họ chẳng hiểu gì về tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền nhân thân cơ bản của con người. Điều này không chỉ được thể hiện rõ ràng trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà còn được quy định cụ thể trong hệ thống luật pháp của các quốc gia. Muốn biết một nhà nước có tôn trọng quyền tự do tôn giáo hay không thì hãy nhìn vào hệ thống hiến pháp, pháp luật, quy định của đất nước đó.
Tại Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16-12-1966 (Việt Nam đã tham gia Công ước này ngày 24-9-1982), ghi rõ: “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm tự do có theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng, tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo; 2. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng; 3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo, tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của người khác.”
Trên cơ sở Công ước quốc tế và điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội lịch sử truyền thống của mỗi quốc gia, các nước trên thế giới đều ban hành những quy định pháp lý về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Trên thế giới không có nơi nào tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động theo kiểu tự do vô tổ chức mà đều có những hạn chế theo luật pháp quy định vì một nền trật tự an ninh chung, vì sức khỏe hay đạo đức cộng đồng hoặc vì sự bảo vệ các quyền và tự do của người khác.
Trong quá suốt trình lãnh đạo cách mạng cũng như trong việc quản lý xã hội, điều hành đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến tôn giáo và có chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 sau khi Việt Nam giành được độc lập đã nêu rõ: “Mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Sau khi đất nước thống nhất, Hiến pháp năm 1980 đã ghi: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 80). Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 70). Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 (Chương II) của Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đặc biệt, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 ra đời đã chứng tỏ Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và quyết tâm phấn đấu đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Có thể khẳng định rằng pháp luật Việt Nam hiện nay hoàn toàn phù hợp với những chuẩn mực quốc tế có liên quan đến lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, Việt Nam đặt vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp và luật pháp đạt chuẩn quốc tế ngay từ khi có Hiến pháp đầu tiên và ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.
Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Nhà nước Việt Nam không cho phép bất kỳ tôn giáo nào được đứng ngoài luật pháp, đứng ngoài dân tộc, đứng trên lợi ích quốc gia. Tại Việt Nam không bao giờ có chuyện “đàn áp tôn giáo”, “vi phạm tự do tôn giáo”. Việt Nam hiện có 16 tôn giáo, 43 tổ chức tôn giáo (thuộc 16 tôn giáo) được công nhận tư cách pháp nhân. Ở Việt Nam không có cái gọi là “nhóm tôn giáo độc lập”. Những nhóm người mà một số tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam gọi là “nhóm tôn giáo độc lập” và cho rằng bị “đàn áp” vì thực hiện quyền tự do tôn giáo, họ không thuộc các tôn giáo, tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động. Thực chất những nhóm người này đã lợi dụng, đội lốt tôn giáo để hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Những hành vi đó là vi phạm pháp luật Việt Nam và đương nhiên họ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đó là việc làm hoàn toàn chính đáng, hợp pháp nhằm bảo vệ an ninh trật tự, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, trong đó có giáo dân.
Thực chất của buổi “Hội luận…” như đã nói không nhằm mục đích gì khác là tiếp tục tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân thù địch xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo về tự do tôn giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những thông tin, tài liệu từ buổi “Hội luận…” mà RFA cùng một vài trang mạng xã hội phát tán về tự do tôn giáo ở Việt Nam là bịa đặt và trắng trợn xuyên tạc sự thật. Thực tế đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái phát đi từ buổi “Hội luận…”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét