Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ khắc phục được bệnh giáo điều



            1. Gần đây, các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền về quan điểm sai trái rằng “chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời, sẽ thoái trào, sớm muộn sẽ sụp đổ”. Chúng mượn lời những kẻ trở cờ, tự diễn biến như Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Quang A, Chu Mộng Long… để cổ súy cho luận điệu này. Mới đây, chúng cho rằng “Kiên định XHCN sao có thể khắc phục bệnh giáo điều?” đăng trên RFA ngày 19/9/23. Chúng cho rằng Chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ có tính khoa học mà không có tính đạo đức. Trong khi đó, theo chúng lập luận thì bệnh giáo điều lại do vấn đề đạo đức tạo ra. Từ đó chúng kêu gọi Đảng cộng sản Việt Nam phải đổi mới về chính trị, từ bỏ Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Giáo điều là bệnh thực sự đang có trong tư tưởng của một số cán bộ, đảng viên hiện nay. Tuy nhiên, sớm nhận ra bệnh giáo điều lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán lối tiếp thu lý luận và kinh nghiệm theo kiểu việc học tập và vận dụng kinh nghiệm của người khác, ngành khác, địa phương khác, nước khác vào thực tiễn một cách máy móc, cứng nhắc, thiếu sáng tạo và không tính tới những điều kiện thực tiễn lịch sử cụ thể. Suốt quá trình tìm đường cứu nước cho đến khi giành được chính quyền, lãnh đạo chính quyền, xây dựng nhà nước mới, Người luôn xuất phát từ thực tiễn để rút ra những nhận định, giải đáp những yêu cầu của thực tiễn, khái quát thành lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Nhờ vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tiến hành các cuộc cách mạng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tiếp đó, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quý giá từ thực tế khủng hoảng và sụp đổ các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Từ đó, Đảng và Nhà nước ta cũng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, điều chỉnh các quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, nước ta đã vượt qua những khó khăn thử thách, vững bước đi lên và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa…

Ngoài đặc tính khoa học, học thuyết Mác – Lênin cũng như chính trị, thể chế, con người,… đều được nhìn nhận dưới lăng kính các giá trị đạo đức. Chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ là lý luận mà còn là đạo đức, là ứng xử văn hóa. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản và sự điều hành của nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ thúc đẩy xã hội phát triển mạnh mẽ. Điều đó cho thấy tính chất của mối quan hệ giữa đạo đức với chính trị nói chung và pháp luật nói riêng trong xã hội xã hội chủ nghĩa có sự thay đổi căn bản so với các xã hội trước đây do giai cấp bóc lột cầm quyền. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đạo đức có mặt trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, góp phần duy trì đời sống xã hội trong tính ổn định, giàu chất nhân văn của nó.

Sự khác biệt lớn nhất của Chủ nghĩa Mác – Lênin so với các học thuyết khác đó chính là mục tiêu giải phóng con người và xây dựng xã hội con người thực sự hạnh phúc. Chính vì vậy, nói Chủ nghĩa Mác – Lênin không có tính đạo đức là cách nói hàm hồ, nghiên cứu chưa đủ sâu, đủ rộng về chủ nghĩa Mác – Lênin của một số kẻ phản động, cơ hội chính trị.

Tất cả những điều trên chứng tỏ chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không thể là “lý thuyết suông” mà là lý thuyết được bắt nguồn từ thực tiễn, được thực tiễn kiểm nghiệm và trở lại phục vụ thực tiễn. Kiên định (nghiên cứu, vận dụng sáng tạo) chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chắc chắn là một trong những biện pháp có thể khắc phục bệnh giáo điều.

2. Cũng trong nồi lẩu thập cẩm đó, RFA còn dẫn lời của kẻ mang danh “nhà báo độc lập” Nguyễn Ngọc Già cho rằng “chủ nghĩa xã hội là nền tảng kinh tế phi thị trường, là nền kinh tế ‘lá diêu bông’ bởi vì nó không có thực”. Khẳng định này hoàn toàn không có cơ sở và xa rời thực tiễn nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Tiếp tục phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, tham khảo kinh nghiệm phát triển của các quốc gia trên thế giới và từ thực tiễn phát triển Việt Nam, Đảng ta đã đề ra đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đề ra nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn trong việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong thị trường, tạo ra các đòn bẩy thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Đây là bước phát triển mới về tư duy lý luận, một sự vận dụng độc lập, sáng tạo của Đảng ta.

Đảng, Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục vận hành nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh theo định hướng XHCN. Năm 1995, GDP đầu người của Việt Nam là 358,7 USD, đứng thứ 175/195 quốc gia, là một trong 20 quốc gia nghèo nhất thế giới. Đến hết năm 2022, GDP đầu người là 4.100 USD, đứng thứ 110/195 quốc gia. Quy mô nền kinh tế đạt 420,6 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới, thứ 3 Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh mở cửa, hội nhập quốc tế. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 01/2007 đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Đồng thời đến nay đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bao gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP… Nếu kinh tế Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa thì làm sao có được những kết quả nêu trên? Làm sao các quốc gia tư bản khắp các châu lục lại sẵn sàng làm ăn với Việt Nam như vậy? Các kết quả trên là câu trả lời đanh thép khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tiệm cận một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh.

Bản chất của nền kinh tế thị trường của tư bản chủ nghĩa nhưng khi được vận dụng vào Việt Nam – đất nước đang đi lên CNXH thì đương nhiên nền kinh tế thị trường ấy phải theo định hướng XHCN. Đây cũng là sự lựa chọn tự giác con đường và mô hình phát triển trên cơ sở quán triệt lý luận Mác – Lênin, nắm bắt đúng quy luật khách quan và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Mục đích của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân. Kinh tế thị trường định hướng XHCN về bản chất vẫn là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh nhưng hướng đến các mục tiêu, lý tưởng của XHCN: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ lý luận, thực tiễn trên, một lần nữa chúng ta khẳng định luận điệu cho rằng kiên định CNXH không thể khắc phục bệnh giáo điều chỉ là sự xuyên tạc trắng trợn của các thế lực thù địch, phản động, hòng phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với ý đồ đen tối xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thiếu tin tưởng vào CNXH. Vì thế, hơn lúc nào hết, chúng ta phải cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu rác rưởi, phản động, phản khoa học này, góp phần bảo vệ giá trị trường tồn và tính khoa học, cách mạng, đạo đức của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét