Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

Thấu hiểu Phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh 02/9 để thấy tự hào dân tộc!

 


Phù Nghĩa

Trang Việt Tân ngày 31/8/2023 có bài viết: “Đất nước ta… có quá nhiều thứ để tự hào” của Tu DucMinh. Họ thống kê một số thứ để cho rằng đất nước ta tự hào, rồi lại đưa nội dung khác nhằm bác bỏ luôn điều tự hào đó. Đấy là cách không đàng hoàng của người luôn ám thị bởi mặc định: Việt Nam không có gì để tự hào cả! Luận điệu này đang được không ít kẻ xấu tung hô, đặc biệt sau Phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày quốc khánh 02/9 vào tối ngày 31/8/2023 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Tu DucMinh cho rằng: “Tự hào vì đã đánh thắng hai kẻ thù sừng sỏ thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ. Nhưng từ đó tới nay vẫn phải nhận viện trợ từ chúng”(!) Việc nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã đánh thắng hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đó là thực tế không ai có thể phủ nhận! Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày quốc khánh 02/9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởngđã khẳng định: Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam triệu người như một đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Chủ tịch nước nhắc lại khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Từ mùa thu Cách mạng năm 1945, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã kiên cường, anh dũng trải qua nhiều cuộc trường chinh vô cùng gian khổ, ác liệt, với sự hy sinh của hàng triệu người con ưu tú để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một lần nữa nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khó để xóa đói, giảm nghèo, lạc hậu và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”. Như thế mà không tự hào sao?

Hiện nay, Việt Nam nhận viện trợ từ một số nước trên thế giới trong đó có Pháp và Mỹ cũng là lẽ bình thường. Bởi trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay, các nước đều là một bộ phận của nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Với Việt Nam luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới, từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, đến có tên nhưng bị bao vây cấm vận đã vươn lên có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới (192 nước), trong đó có cả 05 nước lớn là thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thì sự phụ thuộc lẫn nhau là điều dễ hiểu. Trong sự phụ thuộc đó, không chỉ Việt Nam phụ thuộc vào các nước (trong đó có Pháp và Mỹ) về vốn, trình độ công nghệ, quản lý… mà các nước cũng phụ thuộc vào Việt Nam một số mặt hàng xuất khẩu nước ta có thế mạnh, như là nông sản, đồ điện tử…, nhất là hiện nay, Việt Nam đã vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á – Thái Bình Dương, một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.

Không chỉ nhận viện trợ, Việt Nam cũng là nước viện trợ cho các nước, kể cả nước phát triển, khi các nước này gặp khó khăn do thiên tại, thảm họa, dịch bệnh. Trong đại dịch COVID-19, với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau, Việt Nam đã tặng hai nước Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi nước. Việt Nam tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm; tặng Myanmar 50.000 USD để cùng chung sức phòng, chống COVID-19; tặng Cuba 5.000 tấn gạo.

Ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Việt Nam đã tặng Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay, khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ nhân dân Trung Quốc số vật tư y tế trị giá 100.000 USD để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, căn cứ vào nhu cầu về nước của công dân Trung Quốc tại Việt Nam, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp thực hiện ba chuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh – Quảng Châu; Hà Nội – Quảng Châu; Nha Trang – Thành Đô, đưa hành khách Trung Quốc về nước an toàn, chu đáo.

Trên tinh thần đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình, giúp đỡ Chính phủ các nước: Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển… phòng, chống dịch COVID-19[1]. Thế nên, đừng thiển cận cho rằng Việt Nam phải nhận viện trợ của Pháp, Mỹ để bác bỏ niềm tự hào dân tộc là đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sau khi đưa ra một số nội dung cho rằng đó là tự hào dân tộc, nhưng thực chất  Tu DucMinh lại bác bỏ điều ấy. Cuối cùng Tu DucMinh nêu câu hỏi: “Vậy còn có gì khác để tự hào nữa không?” Để trả lời câu hỏi này, xin mời hãy đọc và thấu hiểu: Phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày quốc khánh 02/9./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét