Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Trang sử mới: Trang sử của độc lập - tự do!

Hàng năm, nhân dân Việt Nam đều tưng bùng tổ chức chào mừng thành công của Cách mạng Tháng Tám năm và Ngày Quốc khánh 02/9 – Ngày độc lập. Trong khi đó, những phần tử cơ hội, phản động, thù địch lại ra sức xuyên tạc, phủ nhận thành quả của cuộc Cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chúng cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1954 không đem lại nền độc lập, dân chủ, tự do cho dân tộc và nhân dân Việt Nam (!) Cần khẳng định ngay rằng, đây là luận điệu xuyên tạc, hòng phủ nhận giá trị vĩ đại về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tam và Ngày Độc lập của dân tộc ta!



Lịch sử đã ghi nhận, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của đường lối, phương pháp lãnh đạo thực hiện “Ba cuộc giải phóng” – Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, và giải phóng con người của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đập tan chế độ thuộc địa, nửa phong kiến thối nát, phản động, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước mà mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Từ đây, đất nước ta độc lập, tự do và dân chủ, nhân dân ta trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh và tương lai của mình. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 02/9,thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc Lập. Trong đó, nói rõ: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Và tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập”; khẳng định:“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” – Lời thề Độc lập của dân tộc Việt Nam. Ngày 02/9/1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công – nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời và đó là Ngày Quốc khánh – Ngày Độc lập của dân tộc Việt Nam – Ngày dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau khi giành được độc lập, đất nước lâm tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”. Thực hiện lời thề Độc lập, cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đoàn kết đứng lên thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế chống thực dân Pháp xâm lược, diệt “giặc dốt”, “giặc đói”. Ngày 07/5/1954, dân tộc ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên phủ vĩ đại– “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” – đánh bại ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, giải phóng miền Bắc, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhưng đất nước chưa trọn niềm vui Độc lập.

Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, hòng biến miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cả nước ta lại ra trận thực hiện quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” để “Nam – Bắc sum họp một nhà”, thống nhất đất nước. Trải qua 21 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đánh bại hàng loạt chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng 30/4/1975 vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc đã trở thành hiện thực! Đất nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đất nước độc lập thống nhất, nhưng bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, các thế lực đế quốc, phản động quốc tế tiến hành bao vậy, cấm vận ngặt nghèo, tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; nền sản xuất lạc hậu, yếu kém, đời sống của nhân dân gặp vô vàn khó khăn. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện khát vọng độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng phá vòng vây cấm vận, chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đập tan tập đoàn diệt chủng Pôn-Pốt, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả với nước bạn Cam-pu-chia. Đồng thời  tiến hành  công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sau 78 năm (1945 – 2023) thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, giành được độc lập, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế chưa bao giờ có như ngày hôm nay.

Việt Nam, từ một đất nước bị chia cắt, nhân dân chịu sự đô hộ của các thế lực thực dân, đế quốc đã giành được độc lập, có chủ quyền lãnh thổ thống nhất; có nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tự quyết định con đường phát triển theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động – là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Mọi quyền lực Nhà nước Việt Nam đều thuộc về nhân dân, thực hành quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tao sức mạnh “dời non, lấp biển” để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng, đoàn kết, bảo vệ chế độ, thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước.

Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế phụ thuộc, hành chính, bao cấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát triển có thu nhập trung bình. 6 tháng đầu, năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn giảm, bị ảnh hưởng tieu cực của thiên tai, bất ổn của địa chính trị khu vực và thế giới, của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,72% – vào mức cao ở khu vực và thế giới; quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 4.741 nghìn tỷ đồng, trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam được các tổ chức quốc tế lớn, uy tín trên thế giới đánh giá là nền kinh tế năng động, sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, là điểm đến về FDI của các quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

Nền văn hoá Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không ngừng được củng cố, phát triển, thực sự là nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 2020, Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam đạt 0,704, thuộc nhóm cao trên thế giới. Nhiều phong trào, cuộc vận động văn hóa được tổ chức có sức lan toả sâu rộng trong đời sống, tạo môi trường văn hóa, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”,… Việt Nam đã trở thành “Đất nước của những di sản”, với những con người nhân văn, cần cù, thông minh, sáng tạo, hiện đại, thân thiện, là điểm đến của bạn bè quốc tế. Văn hoá thực sự “soi đường cho quốc dân”, nguồn lực nội sinh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đời sống xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao. Việt Nam được Liên hiệp quốc là nước thực hiện tốt các Mục tiêu thiên niên kỷ, nhất là xoá đói nghèo, kiểm soát và ngăn ngừa được dịch bệnh nguy hiểm và đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, v.v. Chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Giáo dục mầm non được đổi mới và phát triển cả 05 lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội, thẩm mỹ. Giáo dục phổ thông trở thành tâm điểm nghiên cứu của thế giới. Giáo dục hướng nghiệp được đổi mới về nội dung, đa dạng hóa hình thức,… đảm bảo thiết thực. Giáo dục mũi nhọn được chú trọng và đạt kết quả tốt. Giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã góp phần quan trọng vào phát triển bền vững của đất nước, v.v. Lĩnh vực quốc phòng – an ninh và lực lượng vũ trang được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Nhiệm vụ xây dựng quốc phòng, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được coi trọng bằng sức mạnh toàn dân, của mọi nguồn lực. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thể chế chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Việt Nam đã thực hiện hiệu quả phương châm và định hướng “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đến nay, Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm cao của 63 tổ chức quốc tế, nhất là của Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), v.v. Việt Nam có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế, đối tác chiến lược và toàn diện với 30 nước, trong đó có 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước nhóm G7 và G20, v.v. Việt Nam đã được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009 và nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu cao, rất cao. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn hoàn thành tốt vai trò là Chủ tịch ASEAN; có nhiều sáng kiến hữu ích thực hiện “nhiệm vụ kép” – vừa phòng chống Đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội có hiệu quả – được các nước trong khu vực, thế giới đánh giá là hình mẫu trong phòng chống thảm hoạ dịch bệnh, v.v.

Đến nay, Việt Nam đã thực sự “rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Với người dân Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám, Ngày Quốc khánh 02/9 – Ngày Độc lập – đời đời bất diệt, thể hiện khát vọng, nguồn động lực để nhân dân Việt Nam phấn đấu vì hòa bình, độc lập, tự do, vươn lên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Đó cũng là động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 – Kỷ niệm 100 năm Ngày Độc lập – sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét