Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Lại bàn về chủ nghĩa dân tộc

 

GS,TS Đàm Đức Vượng

Gần đây, trên trang mạng lại xuất hiện bài viết: “Chủ nghĩa dân tộc” của một phần tử khiêu khích. Tác giả viết: “Cộng sản Việt Nam trong quá khứ đã rất thành công trong việc bưng bít các tội phản quốc của Đảng, nhưng với sự phát triển của mạng lưới internet, bộ mặt thật của Đảng Cộng sản Việt Nam đang bị lột dần, sự thật đang bị phơi bày trước công chúng và mọi con dân Việt Nam sẽ là một chiến sĩ đem sự thật ra ánh sáng. Chủ nghĩa dân tộc cuối cùng sẽ chiến thắng chủ thuyết cộng sản”. Người viết bài này hiểu không đúng về chủ nghĩa dân tộc, ca ngợi chủ nghĩa dân tộc một cách vô căn cứ, bóp méo sự thật, lồng ý nghĩ chủ quan duy ý chí của mình vào trong bài viết.

Đã có nhiều bài viết về chủ nghĩa dân tộc, trong đó có bài về “chủ nghĩa dân tộc” của “Bách khoa toàn thư mở Weekipedia”. Bài này, tuy trình bày chưa mạch lạc và có hệ thống, nhưng cũng đã cung cấp một số tư liệu về chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, các bài viết đã được công bố chưa làm rõ thế nào là chủ nghĩa dân tộc và Việt Nam có đi theo con đường của chủ nghĩa dân tộc hay không. Tôi xin trình bày một cách có hệ thống về thực chất của chủ nghĩa dân tộc.

Hiện nay trên thế giới đã đưa ra khoảng 200 định nghĩa khác nhau về các chủ nghĩa dân tộc, như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tộc sô vanh, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa dân tộc cực hữu, chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa dân tộc ly khai, chủ nghĩa dân tộc quốc gia, chủ nghĩa dân tộc quốc dân, chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc phản động, chủ nghĩa dân tộc chân chính,… Nhận thức về chủ nghĩa dân tộc cũng rất khác nhau, có người nhìn nó về mặt tích cực, nhưng cũng có người nhìn nó về mặt tiêu cực.

 Theo “Bách khoa toàn khoa mở Wekipedia”, định nghĩa về chủ nghĩa dân tộc tiếng Anh là Nationalism là một khái niệm đa dạng, trừu tượng, có tính đa chiều, còn được dịch thành “tư tưởng dân tộc, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa quốc dân”,… Nó không phải là một hệ tư tưởng nhất thể, nên vẫn còn đang tranh cãi. Chủ nghĩa dân tộc được ghi trong tiếng Anh vào đầu năm 1715 và được phổ biến vào cuối thế kỷ XVIII. Cách mạng Pháp đưa ra khái niệm “quốc gia dân tộc” cũng là một dạng của chủ nghĩa dân tộc.

“Chủ nghĩa cộng sản khoa học – Từ điển” định nghĩa chủ nghĩa dân tộc là “tâm lý, hệ tư tưởng, thế giới quan và chính sách thích những dân tộc này hơn những dân tộc khác, tán dương dân tộc mình, gây căm thù dân tộc và thù hằn dân tộc”1. “Chủ nghĩa dân tộc có nhiều thứ, từ chủ nghĩa sô vanh phát xít trắng trợn đến chủ nghĩa dân tộc tinh tế được che đậy bằng những lời lẽ phát xít suông sáo. Nó là chủ nghĩa sô vanh nước lớn của một dân tộc đi áp bức và khinh miệt các dân tộc khác, lại cũng là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của dân tộc bị áp bức, biểu hiện trong khuynh hướng khép kín và không tin vào các dân tộc khác. Mặt trái của chủ nghĩa dân tộc là chủ nghĩa thế giới của bọn đế quốc, tuyên truyền cho việc hòa tan các dân tộc và các sắc tộc trong các dân tộc”2. “Các quan hệ tư hữu và bóc lột đẻ ra chủ nghĩa dân tộc. Những đại diện của nó là giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Chủ nghĩa dân tộc xa lạ với bản chất của giai cấp vô sản là giai cấp đại diện cho chủ nghĩa quốc tế”3.

“Chủ nghĩa Mác không khoan nhượng với chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, cũng có những thời kỳ mà trong phong trào giải phóng dân tộc, chủ nghĩa dân tộc của dân tộc bị áp bức được coi là cương lĩnh phục hồi dân tộc, là hệ tư tưởng và chính sách đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì độc lập về chính trị và kinh tế, vì chủ quyền và sự phát triển toàn diện của dân tộc mình”4.

“Về bản chất, chủ nghĩa dân tộc là thù địch với chủ nghĩa xã hội”5.

“Chủ nghĩa dân tộc là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh” cũng như hữu khuynh”6.

V.I.Lênin viết: “Tuyệt đối không còn nghi ngờ gì nữa, chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xã hội – dân tộc giống nhau về mặt chính trị và về tư tưởng, có liên hệ với nhau và thậm chí giống hệt nhau”7.

“Chủ nghĩa dân tộc kết hợp với chủ nghĩa cơ hội trong phong trào cách mạng là đặc biệt nguy hiểm, vì nó thường che đậy bằng những thuật ngữ mácxít-lêninnít chân chính và có thể thực hiện được vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng xã hội mới, nếu nó không tạo ra được một bầu không khí không khoan nhượng đối với chủ nghĩa dân tộc và không khắc phục được chủ nghĩa dân tộc trước hết trong hàng ngũ của mình”8.

Những vấn đề trích dẫn trên đây ở trong “Chủ nghĩa cộng sản khoa học –  Từ điển” tuy chưa đầy đủ định nghĩa về chủ nghĩa dân tộc, nhưng cũng đã phản ánh phần nào về thực chất chủ nghĩa dân tộc.

Trong “Từ điển chính trị” (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 211) cũng định nghĩa về chủ nghĩa dân tộc. Đó là “Hệ tư tưởng và chính sách về vấn đề dân tộc của giai cấp tư sản”9. “Căn cứ vào những điều kiện lịch sử, chủ nghĩa dân tộc có thể giữ vững những vai trò khác nhau trong sự phát triển của xã hội”10.

Có tài liệu viết: “Đến cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa dân tộc biến dạng thành chủ nghĩa đế quốc, các cuộc xâm lược thuộc địa, các chế độ độc tài, rồi sau đó là chủ nghĩa phát xít. Từ đó, chủ nghĩa dân tộc được xem là xấu xa, kể cả trong mắt những người cánh tả lẫn tự do”.

Với việc chủ nghĩa tư bản chuyển biến thành chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa dân tộc trong tay giai cấp tư sản trở thành hệ tư tưởng và chính sách nhằm củng cố sự thống trị của một dân tộc này đối với một dân tộc khác, gieo rắc sự bất hòa dân tộc và thù hằn chủng tộc. Trong khi gieo rắc hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, giai cấp tư sản mong muốn, lôi kéo những người lao động ra khỏi cuộc đấu tranh giai cấp chống bọn bóc lột, đi vào con đường thù hằn dân tộc, gieo rắc sự bất hòa giữa giai cấp công nhân với các dân tộc khác nhau.

Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc phát triển ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Cao trào dân tộc của nhân dân các nước đó nhằm chống chế độ phong kiến và ách áp bức thuộc địa, vì thế, chủ nghĩa dân tộc chân chính có tính chất tiến bộ. Trong khi phân biệt một cách nghiêm túc sự khác nhau giữa cao trào dân tộc của nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc với chủ nghĩa dân tộc phản động của các nước đế quốc chủ nghĩa.

Chủ nghĩa dân tộc khác với phong trào giải phóng dân tộc, ở chỗ chủ nghĩa dân tộc là hệ tư tưởng và chính sách về vấn đề dân tộc của giai cấp tư sản, còn phong trào giải phóng dân tộc đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

Tại Việt Nam, trong “Hồ Chí Minh Toàn tập”, 15 tập11 có đăng “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ”, tác phẩm có thể là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó, có hẳn một mục viết về “chủ nghĩa dân tộc”.

Cách mạng Việt Nam không theo con đường của chủ nghĩa dân tộc, mà theo con đường của chủ nghĩa yêu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; dân tộc gắn với giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; dân tộc gắn với thời đại; đi từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhằm mang lại độc lập, tự do, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không đi theo con đường của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cải lương, mà “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”12.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta kiên quyết phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng, “thực chất Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa”; rằng, “chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”. Đây là luận điệu hết sức sai trái, xuyên tạc và bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh quyết không phải là người “dân tộc chủ nghĩa”, mà là người cộng sản, vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhà hoạt động cách mạng rất chuyên nghiệp. Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin, từ đó mà áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; sáng lập các lực lượng vũ trang nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Người là linh hồn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

“Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”13.

Mọi luận điệu cho rằng, “Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa” cần phải phê phán và bác bỏ.  

——

1.Chủ nghĩa cộng sản khoa học – Từ điển, do Viện sĩ A.M.Rumiantxép chủ biên, Nxb Tiến bộ Mátxcơva và Nxb Sự thật, Hà Nội, đồng xuất bản, 1986, tr. 106.

2.Chủ nghĩa cộng sản khoa học – Từ điển, do Viện sĩ A.M.Rumiantxép chủ biên, Nxb Tiến bộ Mátxcơva và Nxb Sự thật, Hà Nội, đồng xuất bản, 1986, tr. 106.

3.Chủ nghĩa cộng sản khoa học – Từ điển, do Viện sĩ A.M.Rumiantxép chủ biên, Nxb Tiến bộ Mátxcơva và Nxb Sự thật, Hà Nội, đồng xuất bản, 1986, tr. 106.

4.Chủ nghĩa cộng sản khoa học – Từ điển, do Viện sĩ A.M.Rumiantxép chủ biên, Nxb Tiến bộ Mátxcơva và Nxb Sự thật, Hà Nội, đồng xuất bản, 1986, tr. 106.

5.Chủ nghĩa cộng sản khoa học – Từ điển, do Viện sĩ A.M.Rumiantxép chủ biên, Nxb Tiến bộ Mátxcơva và Nxb Sự thật, Hà Nội, đồng xuất bản, 1986, tr. 107.

6.Chủ nghĩa cộng sản khoa học – Từ điển, do Viện sĩ A.M.Rumiantxép chủ biên, Nxb Tiến bộ Mátxcơva và Nxb Sự thật, Hà Nội, đồng xuất bản, 1986, tr. 107.

7. V.I.Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, tập 26, tr. 185.

8.Chủ nghĩa cộng sản khoa học – Từ điển, do Viện sĩ A.M.Rumiantxép chủ biên, Nxb Tiến bộ Mátxcơva và Nxb Sự thật, Hà Nội, đồng xuất bản, 1986, tr. 107, 108.

9. Từ điển chính trị, do GS B.N Pônômarép làm Chủ biên, bản dịch tiếng Việt, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 211.

10. Từ điển chính trị, do GS B.N Pônômarép làm Chủ biên, bản dịch tiếng Việt, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 211.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị, Nxb Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2011, tập1, tr.500.

12. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 3,4.

13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét