Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

Thấy gì qua “lá thư chung của các tổ chức NGO gửi Tổng thống Hoa Kỳ trước chuyến thăm Việt Nam”

 


Lợi dụng sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden sẽ đến thăm Việt Nam vào ngày 10 tháng 9, một số tổ chức NGO đã viết thư chung gửi Tổng thống để “bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam” và kiến nghị với Tổng thống Biden 4 điều hãy làm trong chuyến thăm này.

Về “mối quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam” mà các tổ chức NGO nêu ra: “Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã lợi dụng các điều luật để bỏ tù những người bất đồng chính kiến và hạn chế đáng kể quyền tự do báo chí, cũng như quyền tự do ngôn luận và quyền thông tin. Điều 117 và Điều 331 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam đã được sử dụng rộng rãi để bắt giữ bất cứ ai dám công khai chỉ trích các hành động chính trị của chế độ. Trong hai năm qua, ngay cả những người không chỉ trích chính phủ cũng đã trở thành nạn nhân của sự đàn áp khi bị kết án một cách oan sai tội trốn thuế…”; “Luật an ninh mạng năm 2019 đã cung cấp cho Bộ Công an quyền hạn rộng lớn để kiểm duyệt thông tin trực tuyến. Nghị định 53 và 70 yêu cầu các công ty internet phải xóa bỏ nội dung bị coi là bất hợp pháp theo Luật an ninh mạng”; “Việt Nam  đã tăng cường đàn áp các nhà báo và những người bảo vệ tự do báo chí trong những năm gần đây”; “Chính quyền Việt Nam không chỉ thực hiện các hành vi đàn áp ở Việt Nam và trên internet; bây giờ họ còn tiến hành đàn áp xuyên quốc gia …”. Rõ ràng những “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam” mà các NGO “bày tỏ” với Tổng thống Hoa Kỳ chẳng có gì mới, chỉ là sự lặp lại những luận điệu xưa cũ đánh giá phiến diện, một chiều về nhân quyền Việt Nam, nhiều vấn đề mang tính quy kết với những nội dung không trung thực, không có sự khảo sát thực tiễn để đánh giá một cách khách quan, từ đó xuyên tạc, vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền trong bao nhiêu năm qua của các tổ chức không thân thiện với Việt Nam. Chúng cho rằng luật pháp của Việt Nam còn nhiều quy định trái với quy định của luật pháp và tập quán quốc tế. Do đó, yêu cầu Việt Nam cải cách hệ thống pháp luật, chẳng hạn như sửa đổi Điều 117 và Điều 331 Bộ Luật Hình sự; Nghị định 53, Nghị định 70; Luật An ninh mạng … Tố cáo Việt Nam vi phạm các quyền dân sự, chính trị và các quyền tự do cá nhân, trong đó có việc hạn chế và đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến; lên án Việt Nam bắt giam và xét xử không theo chuẩn mực quốc tế những nhân vật “bất đồng chính kiến” những người “đấu tranh cho cho dân chủ và nhân quyền” các “nhà hoạt động môi trường” và đòi Việt Nam thả hoặc giảm án cho những nhân vật này; Vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do báo chí với việc tăng cường kiểm duyệt báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, hạn chế kiểm soát việc tiếp cận và sử dụng internet, nhất là các trang Web có nội dung chính trị … Luận điệu “Việt Nam đã lợi dụng các điều luật để bỏ tù những người bất đồng chính kiến” là sự vu khống trắng trợn. Người bất đồng chính kiến là người có những ý kiến khác, thậm chí trái với chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước. Nhưng những ý kiến này mang tính chất phản biện với mục đích, động cơ đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước để nhằm xây dựng, sửa đổi chính sách và làm tốt hơn vai trò lãnh đạo, quản lý đất nước. Xin khẳng định rằng ở Việt Nam, chính quyền không bắt giữ, xét xử, buộc tội những người như vậy. Vì quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam, được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ, được thực thi bình thường trong cuộc sống. Hiến pháp 2013, tại Điều 2, Chương II đã ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Nên mọi người dân đều có quyền bày tỏ ý kiến, trong đó có những người có ý kiến khác, thậm chí trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là việc bình thường.

Những nhân vật mà các NGO nêu ra trong thư như: Định Thị Thu Thủy, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân, Phạm Thị Đoan Trang … là những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, những kẻ cơ hội chính trị, cực đoan, bất mãn, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái, biến chất, thường xuyên hoạt động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bí mật hoặc công khai cộng tác với những phần tử bất mãn khác hoặc cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam nên bị luật pháp trừng trị. Còn những Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Hoàng Thị Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh đều phạm tội trốn thuế đã được điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định pháp luật, với các tài liệu, chứng cứ kết tội rõ ràng, khách quan (bà Ngụy Thị Khanh phạm tội trốn thuế với số tiền 456 triệu đồng; Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương trốn thuế gần 2 tỷ đồng và Đặng Đình Bách là 1,38 tỷ đồng…). Các thông tin mà các NGO cung cấp cho Tổng thống Hoa Kỳ là những  thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền, tự do báo chí … ở Việt Nam.

Lợi dụng ưu thế trong các cơ chế đa phương, Mỹ và các nước phương Tây tìm cách sử dụng các cơ chế này để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước đang phát triển dưới vỏ bọc “can thiệp nhân đạo” hoặc để thực hiện học thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. EU cũng luôn tuyên bố: “vấn đề dân chủ, nhân quyền sẽ được đưa vào tất cả các cuộc thảo luận giữa EU và các nước khác, ở tất cả các cấp độ … là điều khoản bắt buộc trong các hiệp định song phương giữa các nước EU với các nước khác.”. Do vậy, vấn đề dân chủ, nhân quyền thường xuyên là chủ đề đưa đến đấu tranh gay gắt và nóng bỏng tại các diễn đàn quốc tế và trong các quan hệ giữa các nước trên thế giới. Các NGO hiểu rất rõ điều này và tận dụng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa kỳ lần này để đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền như một công cụ để gây sức ép, áp đặt điều kiện đối với việc phát triển trong quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.  Trong thư các NGO đề nghị Tổng thống 4 điểm, nội dung tóm tắt như sau: “Áp lực các nhà lãnh đạo Việt Nam chấm dứt hành vi đàn áp chính trị đối với tất cả những cá nhân chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận; sửa đổi các điều luật mang tính chất đàn áp, bao gồm các điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự và Luật An ninh mạng; chấm dứt hành vi đàn áp xuyên quốc gia và trả tự do cho tất cả tù nhân của lương tâm”; “Gây áp lực buộc chế độ Việt Nam bắt đầu tôn trọng quyền tự do báo chí và quyền thông tin … Kêu gọi chế độ thả tự do cho tất cả 41 nhà báo bị giam giữ chỉ vì họ làm công việc đưa tin và ngừng bắt cóc, bắt giữ, ngược đãi, lục soát và quấy rối các nhà báo và những người bảo vệ tự do báo chí”; “Giải quyết các vụ điều tra tùy tiện các nhà hoạt động, những người bảo vệ nhân quyền và các nhà báo …”; “Gặp gỡ gia đình các tù nhân chính trị để nghe những lời trần tình của họ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam”. Tổng thống Hoa Kỳ có tin những người bị bắt giữ là những người “chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, những nhà báo bị giam giữ chỉ vì họ làm công việc đưa tin …” như các NGO viết trong thư, để rồi gây áp lực các nhà lãnh đạo Việt Nam thì phải chờ những gì diễn ra trong chuyến thăm của Tổng thống. Còn việc gây áp lực buộc Việt Nam sửa đổi các điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự và Luật An ninh mạng thì các NGO đừng có mơ. Vì việc sửa đổi, bổ sung luật pháp Việt Nam chỉ thuộc thẩm quyền của cơ quan lập pháp Việt Nam. Không một quốc gia, một thế lực nào có thể can thiệp.

Vấn đề dân chủ, nhân quyền là một vấn đề lớn, không một quốc gia nào dám tự coi là đã thực hiện một cách hoàn hảo. Mỗi quốc gia thực hiện dân chủ, nhân quyền còn tùy thuộc vào tình hình chính trị – xã hội, sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, truyền thống, phong tục, tập quán và trình độ dân chí… Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định rõ, bảo đảm quyền con người là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đồng thời là động lực của chế độ. Vì thế, Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh và coi trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người; củng cố tăng cường các thể chế, chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy thực thi quyền con người, bảo đảm thực hiện đầy đủ hơn, tốt hơn các quyền tự do chính đáng của nhân dân.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét