Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Đôi điều về WMO...

 

Ảnh. Bản đồ có “đường lưỡi bò” WMO sử dụng

Lâu nay, thi thoảng bùng lên chuyện Trung Quốc cài cắm “đường 9 đoạn” - dư luận gọi mỉa mai là “đường lưỡi bò” - trong phim ảnh, sách báo, tài liệu, thời trang, hộ chiếu, ba lô, túi sách…

Trung Quốc làm thế, nhằm tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền tham lam muốn nuốt trọn Biển Đông của họ, bất chấp sự phản đối của dư luận và cộng đồng quốc tế.  

Dẫn hai vụ việc cụ thể:

- Tháng 3/2018, cái “lưỡi bò” của Trung Quốc từng nham hiểm theo bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” len lỏi vào hệ thống rạp của CGV tại Việt Nam. Trước sự phát giác và phẫn nộ của dư luận, CGV đã hốt hoảng và ngừng chiếu. Còn cơ quan quản lý Việt Nam thì được một bài học nhớ đời.

- Nhưng cái thâm của Trung Quốc thì khôn lường. Chỉ sau nhõn một năm, đầu tháng 10/2019, cái “lưỡi bò” nhơ nhớp một lần nữa lại luồn lách, “thò” được vào hệ thống rạp, cũng của CGV Việt Nam, qua bộ phim hoạt hình “Everest Người tuyết bé nhỏ” do Hãng DreamWorks (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) hợp tác sản xuất. Sự cố không chỉ khiến một số quan chức trong lĩnh vực điện ảnh Việt Nam bay chức, mà còn một lần nữa khiến dư luận Việt Nam phản ứng dữ dội.

Hai bài học đắt giá qua hai vụ việc khiến các cơ quan chức năng Việt Nam và dư luận cảnh giác nhiều hơn. Nhờ đó, họ đã phát hiện, phản đối, ngăn chặn, thậm chí dọa tẩy chay nhãn hàng thời trang nổi tiếng H&M khi hãng này chấp nhận hình ảnh “đường lưỡi bò”.

Nhờ đó, họ đã kịp thời ném một trận bão gạch đá vào “Quân đội Vương Bài” – bộ phim mà mạng xã hội Baidu của Trung Quốc đã khai thác để vu khống Việt Nam đã “mở nhiều cuộc quấy rối và xâm phạm biên giới của Trung Quốc” (!), không cho phim này kịp chui vào rạp.  

Những vụ việc trên hẳn là xấu và tày đình rồi. Nhưng dầu sao, vẫn có thể hiểu được khi thủ phạm tung ra nó, là Trung Quốc – quốc gia chưa khi nào từ bỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông.

Vụ việc vừa xảy ra mấy ngày này mới khiến dư luận không chỉ phẫn nộ mà còn lấy làm khó hiểu.

Số là ngày 22/8 vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization (WMO) – cơ quan chuyên môn thuộc Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Thụy Sĩ – đưa một bản tin thời tiết. Bản tin thể hiện cái nóng khủng khiếp đang diễn ra tại Trung Quốc, bao gồm cường độ, tác động và quy mô. Nóng tới mức, phá vỡ tất cả các kỷ lục trước đó với 60 ngày nhiệt độ trên 40 độ C…

Thiên tai thì chia sẻ với người dân Trung Quốc thôi. Nhưng việc cái bản đồ đỏ rực thể hiện độ nóng đính kèm bản tin, trong đó lồ lộ “đường lưỡi bò” ôm quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa của Việt Nam, thì không những không thể chấp nhận, mà còn thổi cái “nóng” xuống phương Nam, khiến dư luận Việt Nam nổi nóng và bừng bừng phẫn nộ.

Phẫn nộ là phải. Bởi không thể hiểu khác: bất luận trong trường hợp nào, việc làm của WMO đều có thể quy là hành vi tiếp tay cho yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược, không có cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử mà Trung Quốc đơn phương đưa ra, đã bị dư luận phản đối, bác bỏ nhiều lần.

Điều cần nhấn mạnh là, trong số các tổ chức quốc tế bác bỏ, có cả Tòa trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về luật biển 1982 (UNCLOS - mà Trung Quốc là một thành viên), qua phán quyết ban hành tháng 7/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông.

Một cơ quan chuyên môn của LHQ, chẳng lẽ WMO không biết tới kết quả vụ kiện đình đám nêu trên để mà tránh đi cái bản đồ tội lỗi?

Hay biết, nhưng WMO cố tình phớt lờ dư luận, trưng nó ra nhằm làm cho LHQ mất mặt?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét