Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

Lại mầy cái trò "Võ mõm" của Việt Tân

 


“Tột cùng của sự mị dân” là bài viết trên trang Việt Tân ngày18/7/2022đã đưa ra mấy vấn đề mà họ cho rằng, Đảng, Nhà nước ta mị dân. Trong đó, có các nội dung sau:

1. Họ cho rằng: “Dân oan khắp nơi khiếu kiện vì Đảng cướp đất cướp nhà. Nhưng vẫn nghĩ rằng đang: HẠNH PHÚC”. Vậy, nhân dân Việt Nam có hạnh phúc không?

Để trả lời câu hỏi trên, lấy Báo cáo Hạnh phúc thế giới hàng năm để xem xét cho khách quan. Bởi đây là Báo cáo do Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc biên soạn hàng năm, lấy số liệu chủ yếu từ Gallup World. Tài liệu đánh giá mức độ hạnh phúc của hơn 150 quốc gia trên thế giới cơ bản dựa vào các chỉ số: Tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Cùng với đó là độ rộng lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2022 công bố hôm 18/3/2022 (trước 2 ngày ngày Quốc tế Hạnh phúc). Trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2022, Việt Nam tăng 2 bậc, lên vị trí 77 so với năm 2021. Qua đó cho thấy, mặc dù, chưa phải là nước nằm trong top đầu các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nhưng cũng nằm ở top trung bình và chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã được cải thiện. Đặc biệt, Việt Nam đã cùng với 193 quốc gia thành viên đã cam kết ủng hộ, hành động, nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới hạnh phúc và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế không có lý gì để cho rằng, nhân dân ta không hạnh phúc, mà trái lại với quyết tâm, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhất định chỉ số hạnh phúc của Việt Nam ngày càng được cải thiện và nâng cao.  

2. Họ cho rằng: “Hàng năm phải nhận bố thí, cứu đói từ nước ngoài & vay tiền để trả nợ gốc. Nhưng vẫn nghĩ rằng: GIÀU MẠNH”. Vậy hãy xem thế giới đánh giá về nền kinh tế Việt Nam hiện nay như thế nào?

Ngày 14/4/2022, Ngân hàng Thế giới đánh giá: Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2%.

Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng, mới đây là đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP giảm xuống 2,58% vào năm 2021 do sự xuất hiện của biến thể Delta nhưng dự kiến ​​sẽ phục hồi lên 5,5% vào năm 2022.

Y tế đạt nhiều tiến bộ lớn khi mức sống ngày càng cải thiện. Tỉ suất tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 32,6 năm 1993 xuống còn 16,7 năm 2020  (trên 1.000 trẻ sinh). Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 năm 1990 lên 75,4 năm 2019, cao nhất giữa các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập tương đương. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn trung bình khu vực và trung bình thế giới, trong đó 87% dân số có bảo hiểm y tế. 

Khả năng người dân tiếp cận hạ tầng cơ sở được cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2019, 99% dân số sử dụng điện chiếu sáng, so với tỉ lệ 14% năm 1993. Tỉ lệ tiếp cận nước sạch nông thôn cũng được cải thiện, từ 17% năm 1993 lên 51% năm 2020[1].

Vì vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng đuổi kịp và vượt Singapore, để lọt top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN [2].

Vài đánh giá như thế đã thấy được nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu của thế giới. Còn nói về vay nước ngoài, thì nước nào cũng đi vay, ngay cả nước Mỹ giàu có nhất thế giới cũng đi vay. Có điều nợ nước ngoài có ở mức an toàn hay không mà thôi. Nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn ở mức an toàn được Quốc hội cho phép.

Thật vậy! Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và đổi mới trong công tác quản lý nợ, đặc biệt là quản lý nợ nước ngoài. Chỉ tiêu trần nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn. Nợ nước ngoài của khu vực công (nợ Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh) được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ trọng nợ nước ngoài của khu vực công có xu hướng giảm nhanh trong cơ cấu nợ nước ngoài của quốc gia, từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% năm 2015 và 43,7% năm 2020. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài của khu vực công cũng được kiểm soát chặt chẽ, từ mức trung bình 13%/năm giai đoạn 2011-2015 giảm xuống còn khoảng 3%/năm giai đoạn 2016-2020. Mức vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 vẫn đang trong khuôn khổ an toàn nợ nước ngoài của quốc gia. So với nhóm các nước trong khu vực, tình hình nợ nước ngoài tự vay, tự trả của Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Việc quản lý hiệu quả vay nợ nước ngoài đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo và mắc nợ trầm trọng thành một nước được các tổ chức quốc tế đánh giá là có mức nợ nước ngoài bền vững, trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ [3].

Vậy là đã rõ, không như họ nói Việt Nam “mị dân” về khoản nợ nước ngoài, để họ phủ nhận thành quả xây dựng đất nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đó là nước ta đã nằm trong top 40 nền kinh tế lớn của thế giới và đứng thứ tư ASEAN, đã giúp Việt Nam có địa vị nhất định trong nền kinh tế thế giới.

3. Họ còn cho rằng: “Tỉ lệ ch.ết người bởi ung thư, tai nạn giao thông, c.ướp của g..iết người ngày càng nhiều. Nhưng vẫn nghĩ rằng: AN TOÀN”. Từ ngày 12 đến 23/5/2022, Việt Nam đã tổ chức thành công seagame 31 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam không an toàn thì làm sao có được kết quả của seagame 31!

Nhận xét sau đây của Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới đã bác bỏ sự hàm hồ cho rằng Việt Nam không an toàn của họ. Chiều ngày 18/7/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Axel van Trotsenburg, Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới. Ông cho biết trong buổi sáng cùng ngày đã được hòa mình vào cuộc sống bình yên và sôi động tại Hồ Gươm, Hà Nội, đây là một ví dụ chứng tỏ Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều nước khác trong kiểm soát dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, mở cửa lại nền kinh tế[4]. Với sự thư thái của chính khách tại Hồ Gươm như thế mà họ cho rằng, Việt Nam không an toàn!

Vậy là, mấy vấn đề mà họ đưa ra để cáo buộc Đảng, Nhà nước ta “mị dân” thì lại chứng tỏ điều ngược lại. Thật nực cười!./.

[1]. https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview.

[2]. https://vn.sputniknews.com/20210704/viet-nam-vuot-singapore-quy-mo-nen-kinh-te-co-the-vuot-moc-500-ty-usd-nam-2021-10757859.html

[3]. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM195414

[4]. https://suckhoedoisong.vn/tong-giam-doc-wb-viet-nam-da-dat-duoc-cung-luc-nhung-muc-tieu-kho-169220719113446431.htm

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét