Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Cách mạng tháng 8 và sự ra đời của nước Việt Nam của dân - do dân - vì dân

 


GS,TS Đàm Đức Vượng

Cách đây không lâu, trên mạng đăng lại bài viết dài về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam của một người khác chính kiến. Bài viết xuyên tạc lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là một thảm kịch: “Những nhân chứng của Cách mạng Tháng Tám đều nhớ rằng cuộc cách mạng ấy đã khởi đầu với những phát súng lục vừa động viên vừa uy hiếp tinh thần quần chúng. Chi tiết này tuy nhỏ mà quan trọng. Đó là thảm kịch của Cách mạng Tháng Tám, bởi vì, bạo lực đã là tinh thần chỉ đạo của nó cũng như của mọi chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam sau này và ngay cho tới bây giờ. Bạo lục này đã tàn sát hàng trăm ngàn người yêu nước thực sự, những đứa con quả cảm nhất của Tổ quốc đáng lẽ phải được tôn vinh, nhưng đã bị giết chỉ vì không tán thành chủ nghĩa cộng sản”. Bài viết ngụy biện: “Tôi phân tích và trình bày sức mạnh áp đảo của cộng sản vào giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám, không phải để tâng bốc họ mà để thấy rõ tội ác của họ. Với một sức mạnh và một khí thế vượt trội và hơn hẳn như thế, thực ra Việt Minh không cần gì phải tàn sát những người không cộng sản cả. Không ai làm gì được họ hết. Họ vẫn có thể lãnh đạo cuộc kháng chiến giành độc lập, và có lẽ còn thành công mau chóng và dễ dàng hơn nhiều, nếu không tàn sát những người quốc gia. Nhưng họ vẫn tàn sát, như họ đã tàn sát hàng vạn người trong cải cách ruộng đất, như họ đã hạ nhục tập thể và bỏ tù hàng loạt quân nhân và công chức miền Nam sau này, bởi vì mục tiêu của họ không phải chỉ là giành độc lập, mà là giành độc lập để thiết lập chủ nghĩa cộng sản. Họ đã tàn sát bởi vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào của họ, nếu có, cũng không có một trọng lượng nào so với chủ nghĩa Mác – Lênin mà họ tôn thờ. Có thể là người cộng sản cũng yêu nước, nhưng họ không phải chỉ yêu nước mà còn yêu chủ nghĩa, và họ yêu chủ nghĩa hơn yêu nước và trước khi yêu nước”…

Đó là những giọng điệu lừa bịp, trắng trợn xuyên tạc lịch sử, cần phải phê phán và bác bỏ.  

Cách mạng tháng Tám được bắt đầu từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941, do Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản, chủ trì, chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Cách mạng Tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống lâu đời chiến đấu vì độc lập, tự do, quyết không chịu làm nô lệ. Cách mạng tháng Tám là kết quả của tám mươi năm đấu tranh không ngừng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp. Nó cũng là một sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của nước ta từ khi Quang Trung đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh (1789) đến nay… và cụ Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người lãnh đạo Cách mạng tháng Tám, rất xứng đáng là anh hùng dân tộc của nước ta”1.

Cách mạng Tháng Tám thể hiện tinh thần yêu nước chân chính của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa yêu nước chân chính của nhân dân ta,  chứ không phải chỉ có yêu chủ nghĩa xã hội mà không có chủ nghĩa yêu nước thuần túy như bài của một người khác chính kiến đã viết.

Cách mạng Tháng Tám được toàn thể nhân dân, trong đó có những nhân sĩ, trí thức, những tổ chức tiến bộ ủng hộ và trực tiếp tham gia, chứ không phải là tàn sát những người quốc gia, cũng không phải như một thảm kịch, như bài của một người khác chính kiến đã viết.

Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong bối cảnh Nhật đã chiếm Đông Dương, đưa nhân dân Đông Dương vào cảnh “một cổ hai tròng” (Pháp và Nhật). Đến khi Nhật hất cẳng Pháp, thì Đảng Cộng sản Đông Dương xem đó là thời cơ khởi nghĩa: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Để tiến đến Cách mạng Tháng Tám, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ngày 14-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Hội nghị nhận định tình hình thế giới, tình hình Đông Dương và cho rằng, “những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi”2, “cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”3. Muốn vậy, phải mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh vô địch chống phátxít và thực dân xâm lược, giành độc lập cho dân tộc.

Tình hình diễn ra rất nhanh. Ngày 13-8-1945, Trung ương nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân. Trong Quân lệnh số 1, Ủy ban khởi nghĩa nêu rõ đây là thời cơ nghìn năm có một để nhân dân Việt Nam vùng dậy giành quyền độc lập cho nước nhà.

Tiếp sau Hội nghị toàn quốc của Đảng là Đại hội đại biểu quốc dân họp trong 2 ngày, 16,17-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Chủ tịch Hồ Chí Minh điều khiển Chương trình Đại hội trong ngày đầu. Thay mặt Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày chủ trương của Đảng trước tình hình nóng bỏng của đất nước. Đảng lãnh đạo nhân dân nổi dậy tước vũ khí trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật, đứng ở tư thế cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật ở Đông Dương. Đại hội thảo luận và thông qua Nghị quyết, nhấn mạnh việc giành chính quyền toàn quốc và thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh, trong đó có vấn đề nhân quyền, tài quyền (quyền sở hữu tài sản), quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, dân tộc bình quyền, nam nữ bình đẳng. Đại hội cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch. Đại hội quốc dân thắng lợi, thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước, biểu thị lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm khởi nghĩa thắng lợi.

Khi Đại hội quốc dân vừa bế mạc, cũng là lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo xong “Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa”. Trong thư, Người kêu gọi đồng bào đoàn kết, phấn đấu: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”4.

Sau khi Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội, ở số nhà 48, phố Hàng Ngang. Tại đây, Người đã soạn thảo “Tuyên ngôn độc lập”. Sau khi thảo xong Tuyên ngôn độc lập, Người quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại vườn hoa Ba Đình lịch sử vào ngày 2-9-1945. Tại cuộc mít tinh, Người đã đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”5.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Những ưu điểm cơ bản của Cách mạng Tháng Tám là có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là chuẩn bị về đường lối, nghệ thuật xác định kẻ thù chính cần đánh đổ, sự chuẩn bị về tổ chức đều chính xác; chọn thời cơ để khởi nghĩa cũng rất chính xác, nổ ra đúng lúc phải nổ. Toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy theo kế hoạch của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh, là một trong những điểm nổi bật của Cách mạng Tháng Tám mà Tổng Bí thư Trường Chinh đã tổng kết.

Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Quy luật của Cách mạng Tháng Tám là từ nông thôn về thành thị, lấy nông thôn làm căn cứ địa, nhưng thành thị cũng đóng vai trò quan trọng.

Cách mạng Tháng Tám hoàn toàn không có chuyện Việt Minh tàn sát những người không cộng sản như bài của người khác chính kiến đã viết; trái lại, chủ trương của Việt Minh là đoàn kết toàn dân, không phân biệt giai cấp, đảng phái, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo,… miễn là người đó có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dân tộc đấu tranh để giành lại nước.  

Đó là thực chất của Cách mạng Tháng Tám.

Mọi luận điệu xuyên tạc về Cách mạng Tháng Tám chắc chắn sẽ bị dư luận xã hội lên án. 

——

1. Trường Chinh: Cách mạng Tháng Tám, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1946.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 424.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 425.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 596.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 3.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét