Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Lòng dân trong Cách mạng Tháng Tám

 


Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay đã gần 80 năm. Mặc dù thời gian trôi qua nhưng những dấu ấn của cuộc cách mạng này vẫn còn đậm nét trong các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là những người đã kinh qua những ngày tháng hào hùng của Cách mạng Tháng Tám. Có thể nói, những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong gần 80 năm qua đều có dấu ấn của Cách mạng Tháng Tám. Một trong những dấu ấn nổi bật của Cách mạng Tháng Tám là lòng dân đối với cuộc cách mạng này.Dấu ấn đó là bằng chứng hùng hồn bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc cho rằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là “ngẫu nhiên”, là do “ngoại lực”.

Lòng dân đối với Cách mạng Tháng Tám không phải là một điều ngẫu nhiên. Nó bắt nguồn từ truyền thống quý báu  ” Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước… Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… ” như Hồ Chí Minh đã nhận định.Nó cũng bắt nguồn từ các phong trào chống  thực dân Pháp ngay từ khi chúng  xâm lược nước ta như các cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng,Hoàng Hoa Thám,Nguyễn Thái Học….,các phong trào do các chí sĩ Phan Bội Châu,Phan Chu Trinh …khởi xướng.Đặc biệt từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ,lòng dân ngày càng tăng tính tự giác với mục tiêu trước mắt và lâu dài được xác định trong đường lối của Đảng.Lòng dân trong Cách mạng Tháng Tám là sự kết hợp hài hoà giữa sức mạnh vốn có của nhân dân và sự định hướng đúng đắn của Đảng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của Cách mạng Tháng Tám .

Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13-15/8/1945 đã quyết  định phát động Tổng khởi nghĩa. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã được thành lập gồm năm  người là Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách Uỷ ban. Lúc 23 g ngày 13/8/1945 Uỷ ban Khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1 kêu gọi:”đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo Quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù”. Ngày 16/8/1945 tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã khai mạc.Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc ,một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào .Đại hội đã bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và thông qua ba quyết định lớn.Thứ nhất, nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh.Thứ hai, thông qua 10 chính sách của Việt Minh. Thứ ba, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.Quốc dân Đại hội Tân Trào đã đại diện cho các tầng lớp nhân dân cả nước và các quyết định của Đại hội đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước.Ngay sau khi mệnh lệnh khởi nghĩa được chuyển đi, cả nước sục sôi không khí cách mạng.Từ ngày 14 – 18/8 có 4 tỉnh giành được chính quyền là Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam.Ngày 16/8/1945  một đơn vị Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã giải phóng thị xã Thái Nguyên .Tại Hà Nội, các đội tuyên truyền xung phong dùng mô tô, xe đạp cắm cờ đỏ sao vàng đi khắp phố phường phát truyền đơn, dán áp phích, kêu gọi nhân dân tham gia khởi nghĩa.Sáng  ngày 19/8 gần 20 vạn người từ các khu vực của Hà Nội đổ về Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh lúc 10g30 để ủng hộ Việt Minh.Cuộc mít tinh  đã nhanh chóng chuyển thành cuộc khởi nghĩa có sự tham gia đơn vị tự vệ đã tỏa đi chiếm các cơ quan, công sở trọng yếu ở  Hà Nội. Đến cuối ngày 19/8 cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã hoàn toàn thắng lợi .Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến các địa phương khác trong cả nước .Ngày 23 tháng 8, thành phố Huế nổi dậy khởi nghĩa. Tại đây , gần 15 vạn người xuống đường biểu tình, cùng các đơn vị tự vệ đi chiếm các công sở. Ngày 30/8/1945, một cuộc mít tinh và biểu dương lực lượng của hàng trăm nghìn người thuộc các tầng lớp xã hội do chính quyền cách mạng đã được tổ chức tại quảng trường Ngọ Môn đã tạo nên khí thế vô cùng sôi động chưa từng có ở Huế.Theo nhà thơ Cù Huy Cận -khi đó là thành viên trong Phái đoàn Đại diện của chính quyền cách mạng – kể lại : “Tại tầng 2 của lầu Ngũ Phụng  đã thực hiện nghi thức nhận ấn, kiếm từ Hoàng đế Bảo Đại. Chiếc ấn vàng triều Nguyễn có chữ Hoàng Đế Chi Bảo, đúc năm Minh Mạng thứ 4 (1823) trọng lượng hơn 282 lượng vàng tức gần 11 kg.Còn chiếc kiếm chuôi nạm ngọc, nằm trong vỏ bằng bạc mạ vàng .Sau nghi thức trao ấn kiếm đơn giản, Hoàng  đế Bảo Đại đã đọc Chiếu thoái vị trong đó có nói: “Trẫm nguyện làm dân một nước tự do hơn là làm vua của một nước nô lệ”. Sau đó, Cù Huy Cận đã thay mặt cho chính quyền cách mạng gắn huy hiệu công dân lên ngực áo cựu Hoàng đế Bảo Đại “.Sau Lễ thoái vị, cựu Hoàng đế Bảo Đại đồng ý  chuyển gần 3.000 bảo vật quý giá (bao gồm ấn tín bằng vàng bạc, ngọc ngà, những cổ vật quý giá, những tặng phẩm ngoại giao…) cho chính quyền cách mạng. Hiện nay, số cổ vật quý giá này do Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo quản, trưng bày .

Tại Sài Gòn, từ 19g ngày 24/8/1945  nhân dân Sài Gòn đã tiến về chiếm Sở Cảnh sát, nhà ga,bưu điện… Đến 22 giờ, lực  lượng Thanh niên Tiền phong chiếm dinh Khâm sai, cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc dinh. Sáng ngày 25 /8, hàng vạn công dân, nông dân và thanh niên các tỉnh lân cận đều đổ dồn về Sài Gòn. Sáng 25, quần chúng cách mạng chiếm nhiều vị trí xung yếu khác trong thành phố. Cuộc biểu tình của hơn một triệu người hoan nghênh Uỷ ban Nhân dân Nam Bộ, hô vang khẩu hiệu ” Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh” đã đánh dấu thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn.Cho đến ngày 28/8 các cuộc  khởi nghĩa ở các địa phương trong cả nước đã thắng lợi

Cuộc cách mạng Tháng Tám nếu tính thời gian khởi nghĩa  diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng 15 ngày ,không có xung đột vũ trang, đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam,đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập tự do đúng như Hồ Chí Minh dự báo trong bài thơ Lịch sử nước ta :”1945-Việt Nam độc lập”.Một trong những nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và cũng là một bài học quý giá là lòng dân đối với cách mạng.Khi đường lối của Đảng đều vì nhân dân và khi nhân dân coi đường lối của Đảng  là sự nghiệp thiết thân của mình thì đó là sức mạnh vô địch  .Chính vì thế, Hồ Chí Minh viết trong Di chúc :”Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”./. 

Duy Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét