Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

Đừng lôi bụng ta suy ra bụng người - Mọi sự so sánh đều là khập khiễng!


Tô Minh Thanh

Thái Lan vừa kết thúc bầu cử chuẩn bị lập Chính phủ mới. Nhiều gương mặt trẻ trung dự kiến sẽ lên cầm quyền ở đất nước chùa vàng này. Cụ thể, đảng Move Forward (tiếng Thái là Phak Kao Klai, nghĩa là tiến lên, tiến bộ, cấp tiến) đã giành chiến thắng ở vị trí đầu tiên. Pheu Thai của gia đình Thaksin Shinawatra, được cho là vẫn trung thành với đường lối dân túy, xếp thứ nhì. Các Đảng phái còn lại giành được những sự ủng hộ ít ỏi hơn.

Đáng chú ý khi đảng chính trị Move Forward chỉ mới thành lập được 5 năm. Thủ lĩnh của họ, một ông bố đơn thân sinh năm 1980 làm doanh nhân, Pita Limjaroenrat dự kiến sẽ trở thành tân thủ tướng mới của Thái Lan. Tiếp theo đây hai chính đảng giành chiến thắng là Move Forward và Pheu Thái sẽ phải liên minh với các đảng phái nhỏ khác để có đủ 376 số ghế tối thiểu ở Hạ viên để thành lập chính phủ liên minh. Liên minh này còn phải vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện với đa số các nghị sĩ thuộc phe quân đội. Đáng chú ý, người được coi là sẽ trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan, Pita Limjaroenrat để đạt được sự đồng thuận với các đối thủ chính trị để thành lập Liên minh qua đó xây dựng Chính phủ đã phải cam kết ghi nhớ không ảnh hưởng đến chế độ Quân chủ Lập hiến cũng như sự tồn tại của Hoàng gia ở Thái Lan. Điều này trái với những gì mà chính trị gia sinh năm 1980 này hứa với các cử tri khi vận động tranh cử rằng sẽ tiến hành cải tổ triệt để cả những chuyện lâu nay còn cấm kỵ ở Thái Lan như các luật và quy định liên quan đến Hoàng gia.

Nói chung, cơ chế bầu cử ở Thái Lan khá phức tạp cũng như tình hình chính trị của đất nước này. Đây là đất nước quân chủ, có nhà vua trị vì về mặt biểu tượng. Lực lượng quân sự vẫn nắm một vai trò tối quan trọng trong hoạt động của đất nước. Thái Lan được mệnh danh là đất nước của những cuộc đảo chính. Kể từ năm 1932 khi Hoàng gia không còn tập quyền lãnh đạo đất nước thì đã có 19 cuộc đảo chính diễn ra. Gần nhất cuộc đảo chính năm 2014 đã đưa lãnh đạo quân đội là tướng Prayut lên làm thủ tướng cho tới tận thời điểm này. Có một nghiên cứu cho rằng, ít nhất sáu vấn đề cơ bản tác động đến chính trường Thái Lan làm cho tiến trình dân chủ (theo kiểu phương Tây) của đất nước này trở nên rất khó khăn. Thứ nhất, quyền lực và ảnh hưởng của quân đội. Thứ hai, vai trò của Nhà vua. Thứ ba, hầu hết tiền bạc tập trung ở Bangkok (thủ đô cũng là trung tâm chính trị của Thái Lan) trong khi đa phần phiếu bầu lại ở ngoài Bangkok. Thứ tư, quyền lực của giới tinh hoa ở Bangkok có thể quyết định số phận của một chính phủ khi họ cảm thấy không hài lòng. Thứ năm, tầng lớp trung lưu ở Thái đã trở lên chống dân chủ hơn, nhất là từ sau cuộc đảo chính năm 2006. Thứ sáu, sự tràn lan của tham nhũng ảnh hưởng tới sự minh bạch của những lá phiếu.

Sơ lược vài dòng như thế để thấy chính trường Thái Lan còn tồn tại quá nhiều phức tạp nhưng phải khẳng định rằng đó là sự vận hành thể chế chính trị theo cách riêng của họ. Với tư cách “gần như láng giềng” (Việt Nam và Thái Lan không có đường biên giới chung nhưng có rất nhiều sự tương tác qua lại trong suốt lịch sử hình thành và phát triển) và là đối tác trong ASEAN, Việt Nam mong Thái Lan nhanh chóng ổn định chính trị để cùng phát triển. Quan điểm của Việt Nam luôn muốn chân thành làm bạn với tất cả các nước bất chấp khác biệt về thể chế chính trị.

Tuy nhiên, một số kẻ chống phá đăc biệt là một số kênh thông tấn không thiện cảm với Việt Nam như RFA trong bài viết trên mạng xã hội có tiêu đề: “Bầu cử Thái Lan nhìn từ người trong nước Việt Nam”, lại tìm cách “chọc ngoáy” bằng cách so sánh Việt Nam và Thái Lan trong công tác bầu cử và mức độ dân chủ tương đương. Đây có thể coi là sự so sánh với những ẩn dụ thiếu trong sáng.

 Khác với Thái Lan, thể chế chính trị Việt Nam là thể chế chính trị nhất nguyên và một Đảng. Nhà nước pháp quyền nhưng không tam quyền phân lập mà thực hiện quyền lực tập trung thống nhất không phân chia thuộc về nhân dân. Từ thể chế chính trị đó dẫn đến việc tổ chức bầu cử cũng khác nhau. Bầu cử ở Việt Nam là ngày hội toàn dân khi người dân đi bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, sau đó giới thiệu cử ra Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nước ta quy định bốn nguyên tắc bầu cử: “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Đảng và Nhà nước ta thường xuyên bổ sung ban hành nhiều quy định nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. nhiều quy định nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Những quy định đó nhằm đảo bảo một nguyên tắc bất di bất dịch rằng dân chủ và bầu cử gắn bó mật thiết như hình với bóng; bầu cử ở Việt Nam là tự do và trung thực. Đó là những biểu hiện của một chế độ dân chủ ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Bầu cử là một thiết chế để bảo đảm dân chủ, thực hành và thực thi dân chủ. Quá trình bầu cử phải được thực hiện dựa trên hệ thống những nguyên tắc căn bản, được cụ thể hóa bởi luật bầu cử của mỗi nước. Bởi thế việc so sánh của RFA để chứng minh “tính dân chủ” của bầu cử Thái Lan so với bầu cử ở Việt Nam là hoàn toàn sai lầm về cách thức và chắc chắn ẩn chứa trong đó những mưu đồ chính trị tiêu cực. Không thể và không bao giờ có chuyện một cuộc bầu cử với những quy tắc khác biệt ở một nước với địa chính trị, dân tộc và tôn giáo khác biệt như Thái Lan lại “tạo cảm hứng” cho ai đó ở Việt Nam. Đó chỉ là cách nói khoa trương mang tính chất xúi giục của những đối tượng mang mưu đồ chính trị nhằm kích động, làm chia rẽ người dân ở cả hai nước. Điều này hết sức nguy hiểm và thể hiện rõ bản chất của những kẻ đang rắp tâm chống phá Đảng, nhà nước Việt Nam. Mọi người dân cần cảnh giác trước những thông tin, chiêu trò lèo lái dư luận của RFA để không bị mắc lừa nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét