Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

Có phải Hồ Chí Minh là người theo “ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”?

         Gần đây, trên một số diễn đàn, trang mạng xã hội một số tổ chức và cá nhân lại tiếp tục đưa ra các luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: “ thực chất Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc”, “ chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”. Rồi nghiêm trọng hơn khi họ giải thích hết sức sai trái rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng đấu tranh giai cấp, không có tư tưởng về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Và từ đó, họ đưa ra quan điểm sai trái: Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa cộng sản; tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác- Lê nin, đối lập với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam vì tư tưởng Hồ Chí Minh là theo chủ nghĩa dân tộc, còn đường lối của Đảng là theo tư tưởng đấu tranh giai cấp…

Có thể khẳng định rằng, với các luận điệu sai trái như trên họ đã bỏ qua tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm về giai cấp của Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta. Đồng thời, nó cũng đã tước bỏ tính đảng và lập trường cách mạng chân chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh để tiến tới phủ nhận toàn bộ tư tưởng vĩ đại của Người đối với cách mạng Việt Nam. Mục đích của họ là tiếp tục chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam qua việc phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, dẫn đến từ bỏ lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và kiên định đi theo để đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Song, từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam chúng ta thấy các luận điệu trên là hoàn toàn không đúng.

Thứ nhất, sau nhiều năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã xác định: “ Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” vì lúc này Người đã có sự chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống sang chủ nghĩa yêu nước theo lập trường của giai cấp vô sản. Trong Hội nghị thành lập Đảng năm 1930, Người đã thể hiện rõ ở “ Chính cương vắn tắt”, “ Sách lược vắn tắt” và “ Điều lệ vắn tắt” là “ Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản ”, trong đó nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến “ làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do…”.

Đến Hội nghị Trung ương 8 khóa I, Đảng đã đề ra: Trong lúc này quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy…nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho dân tộc thì chẳng những còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp vạn năm cũng không đòi lại được! Như vậy, qua đó thấy tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh trong việc giải quyết đúng đắn và sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, kết hợp đúng đắn giữa đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp trong tư tưởng của Người.

Thứ hai, Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam – Đó là một sự thực lịch sử. Tư tưởng của Người thể hiện tầm cao trí tuệ của thời đại. Tư tưởng của Người là ngọn đuốc soi sáng cho cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vang dội, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chính qua đó đã khẳng định giá trị và sức sống bất diệt của tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cho cả tương lai. Đó là những thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, trong sự nghiệp đổi mới thành công và khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, cường thịnh theo tư tưởng của Người.

Thứ ba, trong một thời gian khá dài trên Internet và mạng xã hội, người ta toàn đưa ra luận điệu phê phán Hồ Chí Minh du nhập thuyết đấu tranh giai cấp vào Việt Nam để gây ra cảnh “ nồi da, nấu thịt” thì đến bây giờ để phủ nhận tư tưởng của Người họ lại nói Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng đấu tranh giai cấp… Do vậy, những luận điệu hòng gán ghép cho Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi nhất định sẽ bị chìm đi vì không ai có thể bẻ cong được lịch sử!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét